1. Dòng sự kiện:
  2. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Ông Trump bị ám sát hụt

Mỹ, Canada bẽ mặt vì vụ bắt nhầm người

(Dân trí) - Thủ tướng Canada Stephen Harper đã phải chíng thức lên tiếng xin lỗi và trả tiền đền bù gần 10 triệu USD cho Maher Arar vì xác định nhầm công dân Canada gốc Syria này có liên quan tới tổ chức khủng bố al Qaeda, sau đó trục xuất và bỏ tù.

Arar bị bắt tại sân bay John F. Kennedy tại New York năm 2002 khi đang dừng chân tại đây và chuẩn bị đáp chuyến bay về Canada, kết thúc chuyến đi nghỉ cùng gia đình ở Tunisia sau khi Lực lượng cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) cho biết Arar đang bị nghi là phần tử Hồi giáo cực đoan quá khích liên quan tới al Qaeda.

Theo lời khai của nạn nhân, sau 11 ngày hỏi cung ở Mỹ, Arar - một kỹ sư phần mềm, đã bị giải tới giam giữ và tra tấn suốt hơn 10 tháng tại Syria. Cuối cùng, các quan chức Syria đã phải trả tự do cho Arar vì cho rằng họ không có lý do gì để tiếp tục giam giữ anh.

 

Năm ngoái, một uỷ ban điều tra tại Canada đã loại bỏ Arar ra khỏi danh sách nghi ngờ có liên quan tới khủng bố, đồng thời xác nhận công dân Canada này đã bị tra tấn tại Syria.

 

Vụ việc của Maher Arar là trường hợp mới nhất có liên quan tới một chính sách bị chỉ trích của Washington trong đó cho phép Mỹ giải những thành phần bị nghi ngờ khủng bố tới 1 nước thứ 3 để thẩm vấn.

 

Trong bức thư xin lỗi gửi tới gia đình Arar, Thủ tướng Canada Stephen Harper viết: “Thay mặt chính phủ Canada, tôi gửi lời xin lỗi tới anh, Monia Mazigh (vợ Arar) và gia đình anh vì bất cứ một lỗi lầm nào gây ra bởi các quan chức Canada trong vụ bắt giữ vào năm 2002 và 2003”.

 

Tuy nhiên, Arar cho biết thanh danh cũng như cuộc sống của anh đã bị phá huỷ nghiêm trọng và số tiền bồi thường của chính phủ không xứng đáng với những thiệt hại mà anh phải chịu đựng.

 

Luật sư của Arar cho biết, ngoài khoản bồi thường 9.75 triệu USD, chính phủ cần trả thêm 847.750 khác tiền phí hợp pháp khác.

 

Sau khi chính thức lên tiếng xin lỗi về vụ việc, Thủ tướng Harper cũng kêu gọi Mỹ nên xoá bỏ Arar ra khỏi danh sách những phần tử nghi vấn khủng bố. Tuy nhiên, Washington cho biết công dân Canada này vẫn là mối lo ngại và sẽ không loại Arar ra khỏi danh sách bị cấm bay. Trong khi đó, Arar cho biết đang kiện Mỹ vì vai trò của nước này trong vụ việc.

 

Tại Washington, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện đang yêu cầu một lời giải thích chính thức về việc tại sao Arar lại bị giải tới Syria.

 

Patrick nói: “Chính phủ Canada giờ đây đã nhận tránh nhiệm của họ. Vậy còn chính phủ Mỹ? Khi có nghi ngờ, tại sao họ lại không chuyển Arar cho Canada điều tra và thẩm vấn mà lại trục xuất tới Syria?... Nhà Trắng nên noi gương Thủ tướng Harper”.

 

T.Ninh

Theo New York Times