Mỹ cân nhắc chuyển đổi cơ sở tên lửa Hawaii nhằm đối phó Triều Tiên
Năng lực “bom H” của Triều Tiên và tên lửa của Trung Quốc khiến Mỹ cân nhắc chuyển đổi nơi thử nghiệm tên lửa ở Hawaii thành cơ sở sẵn sàng chiến đấu.
Quân đội Mỹ đã đẩy mạnh các cuộc thảo luận về việc chuyển đổi cơ sở thử nghiệm phòng thủ tên lửa Aegis ở Hawaii thành một cơ sở sẵn sàng chiến đấu, nhằm củng cố năng lực phòng thủ của người Mỹ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo.
Hệ thống đánh chặn tên lửa Aegis từ tàu chiến. (Ảnh: Global Security)
Thông tin trên do các nguồn tin thân cận với các cuộc thảo luận tiết lộ. Những nguồn tin này bao gồm các quan chức quân sự đương chức hoặc đã nghỉ hưu, các trợ lý quốc hội và các nguồn tin khác.
Đề xuất trên vốn đã được thảo luận vài lần trong 7 năm qua. Tuy nhiên vụ thử hạt nhân thứ 4 của Triều Tiên vào hôm 6/1 cùng những bước tiến gần đây của Trung Quốc về mặt công nghệ tên lửa đã đem lại một xung lực mới cho vấn đề này.
Một quan chức Trung Quốc ở Washington gợi ý rằng Bắc Kinh sẽ xem động thái như vậy của Mỹ là một trở ngại đối với quan hệ song phương.
Hệ thống Aegis, do hãng Lockheed Martin phát triển để sử dụng trên các khu trục hạm của hải quân Mỹ, nằm trong số các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất của Mỹ. Hệ thống này tích hợp radar, phần mềm, hiển thị, bệ phóng và tên lửa.
Việc lập một phiên bản Aegis trên bộ ở Hawaii và kết nối nó với các khu trục hạm trang bị vũ khí này sẽ tạo thêm một cơ sở phòng thủ tên lửa dài lâu cho khu vực Thái Bình Dương, tạo thêm một lớp phòng thủ bổ sung cho các đảo Mỹ và bờ biển phía Tây trong bối cảnh Triều Tiên nỗ lực cải thiện năng lực tên lửa của mình.
Các hệ thống tên lửa đánh chặn đặt trên mặt đất ở Alaska và California hiện giúp bảo vệ Hawaii và phần lục địa của nước Mỹ trước các cuộc tấn công tên lửa.
Dựa trên các cảnh báo tình báo, lực lượng hải quân Mỹ cũng triển khai các tàu khu trục trang bị hệ thống Aegis để đối phó với các mối đe dọa cận kề. Việc Triều Tiên phát triển các bệ phóng tên lửa di động khiến việc phán đoán các vụ phóng trở nên khó khăn.
Để đạt mục đích chuyển đổi khu vực thử nói trên thành một cơ sở sẵn sàng chiến đấu, quân đội Mỹ sẽ cần gia tăng thêm nhân viên, tên lửa thật dự trữ và tăng cường công tác an ninh, với chi phí ước tính khoảng 41 triệu USD, theo các nguồn tin giấu tên.
Các nguồn tin cho biết thêm, Mỹ cũng sẽ cần tích hợp cơ sở này vào hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên quy mô lớn hơn của Mỹ. Theo đó, hệ thống điều khiển có thể sẽ chuyển từ Cơ quan Phòng thủ Tên lửa của Lầu Năm Góc sang Hải quân Mỹ.
Darryn James, phát ngôn viên của Đô đốc Hải quân Mỹ Harry Harris, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết vị đô đốc này đã tham gia vào các cuộc thảo luận cấp cao về cách thức bảo vệ Hawaii, Guam và phần lục địa của Mỹ trước các mối đe dọa từ các nước như Triều Tiên.
Ông James nói: “Đô đốc Harris luôn khám phá các lựa chọn để chủ động triển khai và đưa vào sử dụng các tiến bộ mới nhất trong công nghệ phòng thủ tên lửa đạn đạo ở Thái Bình Dương, nơi chúng tôi đối mặt ngày càng nhiều với các mối đe dọa ngày càng tinh vi”.
Các nguồn tin cho hay, vẫn chưa rõ khi nào chính quyền Mỹ có thể đi tới một quyết định. Tuy nhiên việc thực hiện các thay đổi có thể sẽ diễn ra nhanh chóng.
Tăng cường lá chắn tên lửa
Cuộc thử hạt nhân của Triều Tiên vào ngày 6/1 đã củng cố thêm các quan ngại của Mỹ về việc quốc gia khép kín này có năng lực đặt đầu đạn hạt nhân lên một tên lửa đạn đạo tầm xa có thể vươn tới Bờ biển Phía Tây của Mỹ.
Tên lửa Aegis bắn đi từ chiến hạm Mỹ. (Ảnh: Lockheed Martin)
Bất cứ động thái nào nhằm tăng cường phòng thủ tên lửa có thể đổ thêm dầu vào mối căng thẳng quân sự ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Washington cùng các đồng minh của họ.
Việc chuyển trạng thái của một cơ sở quân sự từ chỗ là nơi thử nghiệm sang thành cơ sở phục vụ trực tiếp hoạt động chiến đấu có thể khiến Trung Quốc tức giận trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa nước này với Mỹ về vùng Biển Đông. Bắc Kinh đã bày tỏ quan ngại về việc triển khai sang Hàn Quốc hệ thống phòng thủ THAAD.
Zhu Haiquan, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington, cho hay Bắc Kinh tin rằng vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân tốt hơn hết là giải quyết qua biện pháp ngoại giao.
Ông này nhận định về động thái của Mỹ: “Tất cả các giải pháp nhằm gia tăng năng lực quân sự sẽ chỉ làm trầm trọng thêm sự đối địch và không giúp giải quyết vấn đề”.
Trong khi đó Nga đã thường xuyên phản đối cơ sở tên lửa Aegis trên bộ của Mỹ bố trí ở Romania, mà theo kế hoạch sẽ hoạt động trong vài tuần tới. Một cơ sở tương tự sẽ hoạt động ở Ba Lan vào năm 2018.
Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ đã thăm dò triển vọng đưa cơ sở thử nghiệm Hawaiii này vào hoạt động đầy đủ, theo một trong các nguồn tin.
Quốc hội Mỹ yêu cầu cơ quan này phải cập nhật dự toán chi phí, tính khả thi và hiệu quả của việc mở thêm các cơ sở Agegis trên bộ vào mùa xuân 2016.
Cơ sở thử nghiệm Aegis trên bộ ở Hawaii đã hoàn thành cuộc kiểm tra đánh chặn đầu tiên vào tháng 12/2015, và đã chặn được một mục tiêu đóng vai trò của một tên lửa tầm trung Ghadr-110 của Iran.
Riki Ellison, người đứng đầu một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ việc phòng thủ tên lửa, cho hay: Việc lắp mới hệ thống Aegis sẽ mang lại cho quân đội Mỹ 3 cơ hội bắn hạ một tên lửa bắn vào Hawaii. Trước kia, cơ hội chỉ là 1.
Ellison nói: “Nếu bạn có các thiết bị quân sự trên đảo, sao lại không sử dụng các thiết bị đó để chống lại các cuộc tấn công tên lửa có thể đến từ Triều Tiên?”.
Cuộc thử nghiệm hồi tháng 12 đã chứng minh hệ thống Aegis trên cạn có thể bắn đi hai tên lửa Raytheon Co khác nhau – một bên trong khí quyển trái đất và một bên ngoài khí quyển trái đất – đều nhằm vào tên lửa đối phương.
Việc mở rộng các hoạt động quân sự ở Hawaii đã khiến cư dân địa phương tiến hành biểu tình vào thời gian trước đây.
Nhưng nghị sĩ Hawaii Mark Takai, một người thuộc đảng Dân chủ và ủy viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, khẳng định việc chuyển đổi này là “cách tốt nhất để bảo đảm rằng chúng ta bảo vệ được cơ sở hạ tầng quốc phòng trọng yếu của Hawaii trước các mối đe dọa ngày càng gia tăng nhằm vào đất nước chúng ta”./.
Theo Trung Hiếu/VOV.VN