1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ cấm các nhóm viện trợ nhân đạo tới Triều Tiên

(Dân trí) - Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã cấm các nhân viên thuộc các nhóm viện trợ của Mỹ tới Triều Tiên trong bối cảnh Washington đang gây sức ép với Bình Nhưỡng trong vấn đề phi hạt nhân hóa.

Nông dân Triều Tiên cấy lúa tại nông trại hợp tác ở Nampo (Ảnh: Kyodo)
Nông dân Triều Tiên cấy lúa tại nông trại hợp tác ở Nampo (Ảnh: Kyodo)

Các lệnh trừng phạt do Liên Hợp Quốc đưa ra từ mùa đông năm ngoái đã buộc các nhóm viện trợ phải hạn chế đáng kể các hoạt động tại Triều Tiên, bao gồm việc vận chuyển các trang thiết bị nông nghiệp cho Bình Nhưỡng. Theo các nhóm nhân đạo và một cựu đại sứ Mỹ, chính quyền Trump đã cấm các nhân viên thuộc các nhóm viện trợ nhân đạo tới Triều Tiên trong bối cảnh Washington muốn gây sức ép với Bình Nhưỡng về vấn đề hạt nhân.

Kể từ tháng 9, Bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối cấp giấy phép đặc biệt cho phép các nhân viên thuộc các nhóm viện trợ Mỹ tới Triều Tiên. Động thái này từng diễn ra một số lần trong năm nay kể từ khi chính quyền Trump ban hành lệnh cấm công dân Mỹ tới Triều Tiên từ tháng 9/2017.

Lệnh cấm của Mỹ đã ảnh hưởng tới các chương trình viện trợ nhân đạo tại Triều Tiên, bao gồm các nỗ lực để xóa bỏ bệnh lao phổi, đào tạo y tế và hỗ trợ nông nghiệp cho Bình Nhưỡng.

“Mọi người đang gặp khó khăn. Trường hợp này không giống như việc hạn chế hàng xa xỉ dành cho giới thượng lưu (Triều Tiên) hay cản trở (Triều Tiên) tiếp cận với hàng hóa quân sự”, Robert King, cựu đặc phái viên Mỹ về nhân quyền tại Triều Tiên, nói và cho rằng lệnh cấm các nhóm viện trợ nhân đạo tới Triều Tiên hoàn toàn “phản tác dụng”.

Khi được yêu cầu đưa ra bình luận, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết vẫn đang xem các trường hợp ngoại lệ đối với lệnh cấm công dân Mỹ tới Triều Tiên. Tuy nhiên, cơ quan này khẳng định việc xem xét sẽ diễn ra trên cơ sở “từng trường hợp” và “tính đến nhiều yếu tố khác nhau”.

Hiện có 12 tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ làm việc thường xuyên tại Triều Tiên. Tuy nhiên các tổ chức này không được ở lại lâu dài tại Triều Tiên mà phải di chuyển qua lại trong quá trình làm việc. Theo Keith Luse, giám đốc điều hành của Ủy ban Quốc gia về Triều Tiên có trụ sở tại Washington, nhiều tổ chức cho biết họ đang bị cấm đi lại tới Triều Tiên.

“Một điều có thể nhận thấy rõ là chính quyền Trump đã coi việc hỗ trợ nhân đạo cho người dân Triều Tiên là mục tiêu hợp pháp cho chiến dịch gây sức ép tối đa. Thực chất, điều này đã vượt quá giới hạn”, ông Luse viết thư gửi cho 200 người hồi tuần trước.

Các nhóm viện trợ cũng lo lắng trước quy định của Bộ Tài chính Mỹ, yêu cầu các tổ chức phi chính phủ phải được cấp phép nếu họ muốn thực hiện các thỏa thuận đối tác với chính quyền Triều Tiên hoặc bất kỳ nước nào đang hứng chịu các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế.

“Với những chính sách như hiện tại, với những rào cản mà chúng tôi đang phải đối mặt, chúng tôi không thể tiếp tục hoạt động như trước đây”, Linda Lewis, giám đốc chương trình Triều Tiên tại Ủy ban Hỗ trợ Bạn bè Mỹ - tổ chức từng hợp tác về nông nghiệp với Triều Tiên, cho biết.

Bà Lewis từng lên kế hoạch tới Triều Tiên vào tháng 11 tới, song hồ sơ xin tới Triều Tiên của bà đã bị từ chối trong vài ngày. Trước đây, các nhân viên thuộc các nhóm viện trợ nhân đạo Mỹ được cấp phép đặc biệt dưới hình thức hộ chiếu sử dụng một lần do Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành.

Tổ chức của bà Lewis đã tìm cách giúp đỡ Triều Tiên tiếp cận các công nghệ trồng trọt, bao gồm hệ thống nhà kính. Tuy nhiên lệnh cấm của Liên Hợp Quốc năm 2017 buộc nhóm này phải dừng vận chuyển một số thiết bị như máy cày, máy bơm nước, máy cắt lúa tới Triều Tiên.

Thành Đạt

Theo New York Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm