1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ bỏ quên chìa khóa chính giải bài toán Triều Tiên?

Thật không may, ý tưởng bàn bạc với Nga về vấn đề Triều Tiên không được nhiều người ở Washington hiện nay để tâm.

Mỹ sẽ không thể giải được bài toán khó nhất mà nước này đang đối mặt – đó là về Triều Tiên – nếu không có sự tham gia của Nga. Đó là nhận định mà nhà bình luận Leonid Bershidsky đưa ra trong một bài viết trên Bloomberg.

Tham vọng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đang là bài toán đau đầu của Mỹ.
Tham vọng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đang là bài toán đau đầu của Mỹ.

Theo tác giả, trong những năm gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định sẽ xây dựng lại mối quan hệ với Bình Nhưỡng, nên việc Mỹ chỉ bàn bạc với Trung Quốc sẽ không thể làm dịu điểm nóng trên bán đảo Triều Tiên.

Tuần trước, Triều Tiên phóng thử một tên lửa đạn đạo có thể bắn tới căn cứ Mỹ trên đảo Guam. Phía Mỹ xác nhận vũ khí này rơi xuống Biển Nhật Bản, cách cảng Vladivostok của Nga gần 100km.

Trong một thông báo, Nhà Trắng tuyên bố: "Với tác động của tên lửa ở quá gần đất Nga – thực tế gần Nga hơn so với Nhật – Tổng thống không nghĩ người Nga hài lòng".

Nga đã phản ứng rất nhanh chóng. Tuyên bố chống lại sự phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng Tổng thống Putin cho rằng: "Chúng ta cần đối thoại với Triều Tiên, hãy thôi đe dọa họ, và hãy tìm ra cách thức hòa bình để giải quyết vấn đề".

"Hãy thôi đe dọa Triều Tiên" là cụm từ Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sử dụng hồi tháng 4 khi ông kêu gọi "tất cả các bên kiềm chế những thông điệp và việc làm khích động".

Trong nỗ lực xây dựng quan hệ, Nga và Triều Tiên đã đặt ra mục tiêu tăng trao đổi thương mại lên tới 1 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020.

Tháng 5/2014, Tổng thống Putin đã ký xóa 90% khoản nợ 11 tỷ USD cho Triều Tiên, và 10% còn lại có thể sử dụng cho các dự án chung giữa hai nước. Cùng năm đó, Nga trao cho Triều Tiên 50.000 tấn lúa mì viện trợ nhân đạo.

Triều Tiên hiện cũng đang góp sức phát triển vùng Viễn Đông của Nga. Khoảng 50.000 công dân nước này - tăng từ con số 21.000 năm 2010 – đang làm việc tại các công trường xây dựng ở Nga.

Nga cũng góp sức giúp Triều Tiên giảm bớt sự cô lập quốc tế. Năm 2013, Moscow khôi phục xong tuyến đường sắt nối hai nước, và trong tháng này mở tuyến phà nối thành phố Vladivostok ở Viễn đông với cảng Rason của Triều Tiên.

Như vậy có thể nói Nga đang có một thế mạnh lớn trong vấn đề Triều Tiên. Nếu chính quyền của Tổng thống Donald Trump muốn giải được bài toán khó này mà không viện đến vũ lực, thì chắc chắn sẽ phải cần đến sự hợp tác của Moscow.

Theo Thanh Hảo

Vietnamnet