1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ "bắt tay" Ấn Độ đối phó Trung Quốc trên biển

(Dân trí) - Đứng trước mối lo ngại về các hoạt động quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc tại các vùng biển trong khu vực, Mỹ gần đây bày tỏ mong muốn đẩy mạnh quan hệ hợp tác cùng Ấn Độ trong việc đảm bảo tự do hàng hải nhằm đối trọng với sự bành trướng của Bắc Kinh.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar tại cuộc họp song phương trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La hôm 4/6 (Ảnh: US Navy)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar tại cuộc họp song phương trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La hôm 4/6 (Ảnh: US Navy)

Trong một bài phát biểu gần đây tại New Delhi, Ấn Độ, Đô đốc Harry B. Harris, Jr., Chỉ huy Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, tuyên bố: “Trong tương lai không xa, việc các tàu hải quân của Ấn Độ và Mỹ song hành cùng nhau tại các vùng biển Ấn-Thái-Á châu (tức Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - Châu Á) sẽ trở thành một hiện tượng phổ biến và được chào đón trong khu vực”.

“Chúng tôi sẽ hợp tác với nhau để duy trì, đảm bảo tự do hàng hải cho các quốc gia ở các vùng biển”, Đô đốc Harris nhấn mạnh.

Những mối lo ngại gần đây về Trung Quốc và các hoạt động hải quân của nước này ở “sân sau” của Ấn Độ là Ấn Độ Dương đã đưa quân đội Mỹ và Ấn Độ xích lại gần nhau trong một mối quan hệ gần gũi chưa từng có.

Thời gian vừa qua, Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông để đối phó với sự bành trướng ngày càng táo bạo của Trung Quốc trong khu vực. Trong khi đó, hồi đầu tháng 5, Hải quân Ấn Độ cũng đã điều tàu chiến tới Biển Đông để tham gia cuộc tập trận an ninh hàng hải và chống khủng bố do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM+).

Quân đội Ấn Độ hiện đang tiến hành các cuộc tập trận cùng Mỹ nhiều hơn bất kỳ nước nào khác. Washington và New Delhi cũng đang tiến gần tới việc ký kết một thỏa thuận, trong đó cho phép quân đội hai nước được quyền sử dụng các căn cứ quân sự của nhau để sửa chữa các trang thiết bị hỏng hóc và tiếp nhiên liệu trong trường hợp cần thiết.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã đưa Ấn Độ trở thành quốc gia ưu tiên hàng đầu trong các lĩnh vực công nghệ quốc phòng, mua bán khí tài quân sự và hợp tác trong quá trình chế tạo tàu sân bay.

Trang tin Stripes cho biết, Mỹ hiện là một trong số những nhà cung cấp quốc phòng lớn nhất của Ấn Độ. Các hợp đồng quốc phòng giữa hai nước đã đạt mức 14 tỷ USD từ năm 2007 tới nay.

Thành Đạt

Theo Stripes