1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ-Ấn gần đạt thỏa thuận chia sẻ hậu cần quân sự sau 12 năm đàm phán

(Dân trí) - Mỹ và Ấn Độ đang tiến tới một thỏa thuận chia sẻ hậu cần quân sự sau 12 năm đàm phán, một động thái nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng giữa hai nước trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng bành trướng trên Biển Đông.

Một sỹ quan thuộc Không quân Ấn Độ (phải) đang hợp tác với binh lính Mỹ trong một cuộc tập trận chung (Ảnh: Businessinsider)
Một sỹ quan thuộc Không quân Ấn Độ (phải) đang hợp tác với binh lính Mỹ trong một cuộc tập trận chung (Ảnh: Businessinsider)

Theo Reuters, Mỹ đang nổi lên là một nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ấn Độ, thay thế Nga sau nhiều năm và Mỹ cũng là nước tổ chức các cuộc tập trận chung với Ấn Độ hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

Mỹ hiện đang đàm phán với Ấn Độ nhằm giúp quốc gia Nam Á đóng một tàu sân bay lớn nhất trong một dự án hợp tác quân sự, động thái sẽ tăng cường sức mạnh hải quân Ấn Độ khi Trung Quốc đang mở rộng tầm với trên Ấn Độ Dương.

Sau nhiều năm trì hoãn bởi nhiều chính phủ tiền nhiệm do sợ rằng thỏa thuận hậu cần nói trên sẽ lôi kéo Ấn Độ vào việc cam kết hỗ trợ Mỹ khi xảy ra chiến tranh, chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tiết lộ về nhu cầu tiến đến một hiệp định hỗ trợ hậu cần (LSA) với Mỹ.

Các quan chức cho biết LSA sẽ cho phép quân đội 2 nước sử dụng lãnh thổ, các căn cứ không và hải quân của nhau để tiếp nạp nhiên liệu, sửa chữa và dừng chân nghỉ ngơi.

Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết hai bên đang thảo luận về LSA và một thỏa thuận khác về chia sẻ thông tin khi quân đội 2 nước tác chiến cùng nhau và thỏa thuận thứ 3 về chia sẻ dữ liệu địa lý thổ nhưỡng, hàng hải và hàng không.

“Chúng tôi chưa đạt đến điểm ký kết các thỏa thuận trên với Ấn Độ, nhưng tôi nghĩ chúng tôi đang rất gần”, Đô đốc Harris phát biểu với Ủy ban quân vụ Hạ viện Mỹ hôm thứ Tư vừa qua (24/2).

Một quan chức khác của Mỹ cho biết tình hình diễn ra rất tốt đẹp khi hai nước đang cân nhắc việc tuần tra hàng hải chung trên Biển Đông, nơi Trung Quốc đang hung hăng với các quốc gia có cùng tuyên bố chủ quyền trong khu vực, trong đó có Philippines và Việt Nam. Hai bên mặc dù chưa đưa ra kế hoạch cho các cuộc tập trận này, cái mà Bắc Kinh đang chỉ trích kịch liệt.

Một quan chức Ấn Độ cho biết trở ngại chính đối với việc ký LSA đã được dỡ bỏ sau khi Washington đưa ra đảm bảo rằng New Delhi sẽ không bị giàng buộc bởi LSA nếu Mỹ có tuyên chiến với một quốc gia khác hay có hành động đơn phương nào mà New Delhi không ủng hộ.

Các quan chức Mỹ cho biết họ hy vọng rằng một khi thỏa thuận hậu cần quân sự giữa hai nước được ký kết, thì các thỏa thuận khác sẽ được ký sau đó. Một nguồn tin thuộc công nghiệp quốc phòng Mỹ có liên quan trực tiếp đến Ấn Độ tiết lộ có khả năng LSA sẽ được ký trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter thăm Ấn Độ vào tháng 4 tới.

Cũng theo nguồn tin này, Văn phòng của Thủ tướng Modi đang trực tiếp phụ trách về vấn đề này đang chủ động xem xét các hiệp định nói trên để tăng cường hợp tác quân sự.

Vũ Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm