1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tình hình nhà máy điện hạt nhân Fukushima:

Mỹ báo động mức độ căng thẳng, IAEA cảnh báo “rất nghiêm trọng”

(Dân trí) - Các thanh nhiên liệu ở lò phản ứng số 4 nhà máy điện Fukushima I đã lộ ra, khiến lượng phóng xạ thoát ra ngoài “cực cao”- các quan chức Mỹ nói, trong khi người đứng đầu cơ quan nguyên tử LHQ xác nhận tình hình ở Fukushima I “rất nghiêm trọng”.

 
Mỹ báo động mức độ căng thẳng, IAEA cảnh báo “rất nghiêm trọng” - 1
Tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano xác nhận tình hình ở Fukushima I “rất nghiêm trọng”.

Nhật Bản sáng nay đang triển khai các trực thăng quân sự đổ nước xuống lò phản ứng số 3 và 4 tại nhà máy hạt nhân Fukushima I ở phía đông bắc đất nước nhằm làm mát các thanh nhiên đang quá nóng bên trong. Hôm qua, giới chức đã không thể thực hiện hoạt động này vì mức phóng xạ ở lò phản ứng số 3 lên quá cao.
 
3 chiếc trực thăng CH-47 Chinooks của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã đổ hơn 7 tấn nước mỗi chiếc xuống 2 lò phản ứng, kênh truyền hình NHK đưa tin.
 
Một toán nhỏ công nhân Nhật Bản tại nhà máy hôm qua tiếp tục các nỗ lực khẩn cấp để bơm nước vào những lò phản ứng số 1, số 2 và số 3 để giữ cho các thanh nhiên liệu hạt nhân khỏi bị tan chảy và làm cho phóng xạ bay ra không khí. Các công nhân đã tạm thời rời khỏi nhà máy hôm qua sau khi mức phóng xạ lên đến mức nguy hiểm.

Những người điều hành nhà máy cho biết hôm nay, họ sẽ cố thử lại lần nữa, dùng máy bay quân sự để dội nước lên các lò phản ứng đang quá nóng, khi các quan chức Mỹ cảnh báo nguy cơ ngày càng cao một thảm hoạ do rò rỉ phóng xạ từ các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng. “Chúng tôi cho rằng quanh lò phản ứng này lượng phóng xạ đã rất cao”, Gregory Jaczko, giám đốc Uỷ ban điều chỉnh hạt nhân nói tại phiên điều trần tại Uỷ ban Năng lượng và Thương mại của Hạ viện.

Chính phủ Mỹ hôm qua kêu gọi công dân Mỹ ở Nhật Bản sơ tán khỏi nhà máy điện hạt nhân bị hư hại xa hơn mức do chính phủ Nhật Bản đưa ra. Mỹ khuyến cáo công dân của mình tránh xa khỏi nhà máy Fukushima 1 khoảng 80 km trong khi Nhật Bản chỉ khuyên khoảng 32 km.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nói với các nhà báo rằng lời khuyên này đến từ Cơ quan Điều tiết Hạt nhân NRC, và Giám đốc của NRC vừa gặp Tổng thống Obama sáng hôm qua. Phát ngôn viên này nói tiếp: “Khuyến cáo của chính phủ Nhật Bản được dựa trên các thông tin mà họ có, khác với khuyến cáo mà Mỹ sẽ đưa ra trong trường hợp tai nạn này xảy ra tại Mỹ” .

Ông Carney nói ông không có ý định phán xét cách đánh giá của Nhật Bản, nhưng khuyến cáo mới của Mỹ được sự trên một sự phân tích riêng rẽ, dựa trên các chuẩn mực của Mỹ. Ông Carney nói tình hình biến chuyển của nhà máy điện hạt nhân Fukushima đòi hỏi Mỹ phải có cách đáp ứng biến chuyển theo. Ông cũng nói Tổng thống Obama chưa xét đến chuyện có thể dời lại chuyến đi châu Mỹ Latinh vào cuối tuần này vì cuộc khủng hoảng tại Nhật Bản.

Trong khi đó, Tổng giám đốc cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano hôm qua thừa nhận với báo giới rằng không chính xác khi nói tình hình đã “vượt tầm kiểm soát”, nhưng đang “rất nghiêm trọng” khi đã có những hư hại tại 3 lò phản ứng số 1, số 2 và số 3 tại nhà máy Fukushima I, cách Tokyo 240km về phía bắc.
 
Ông Amano hôm nay sẽ đến Nhật Bản để đánh giá tình hình. Ông cho biết nỗ lực hiện nay ở Nhật Bản là tối đa.
 
Hôm qua, một trận tuyết lớn đổ xuống những đống đổ nát của các thị trấn bị tàn phá ở miền đông bắc Nhật Bản khiến những người sống sót đi tìm chỗ ấm hơn trong khi chờ đợi phẩm vật cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, và nhiên liệu. Các đoàn cứu trợ quốc tế và binh sĩ Nhật Bản vẫn đào bới đống đổ nát để tìm xác nạn nhân. Các trung tâm khẩn cấp chứa đầy những người không nhà hay không thể chịu đựng được cảnh đau buồn sau thiên tai. Các cơn dư chấn vẫn tiếp tục làm rung chuyển mặt đất.

Hôm qua, báo chí trích lời cơ quan cảnh sát quốc gia nói rằng hơn 4.300 người được xác nhận đã chết và hơn 7.500 người vẫn còn mất tích ở 12 tỉnh. Thủ tướng Naoto Kan tối qua nói lực lượng cứu hộ đã cứu được hơn 26.000 người, nhưng số người chết và mất tích đã vượt 10.000.
 
Mỹ báo động mức độ căng thẳng, IAEA cảnh báo “rất nghiêm trọng” - 2
Hôm nay, lực lượng cứu hộ sẽ nỗ lực lần nữa, dùng máy bay quân sự để dội nước lên các lò phản ứng đang quá nóng

Phóng xạ chưa nguy hiểm ra bên ngoài, Việt Nam và nhiều nước sơ tán công dân.

Trung Quốc và Nga nói mức phóng xạ không có gì nguy hiểm. Tuy nhiên ở Thượng Hải đã áp dụng biện pháp đo mức phóng xạ trên người những ai từ Nhật trở về, kể cả thú vật và hàng hoá nhập từ Nhật Bản.

Dư luận Trung Quốc đặt vấn đề cảnh giác với hàng thuỷ hải sản xuất từ Nhật sang; chưa có biện pháp nào được chính thức áp dụng. Tại Mỹ cũng nói là phải đề phòng mây phóng xạ bay tới California, nhưng người dân không lo lắm.

Tại Việt Nam, chính phủ tuyên bố sẽ xem xét vấn đề an toàn của các dự án điện hạt nhân. Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị toà đại sứ lập kế hoạch sơ tán công dân Việt Nam ra khỏi nước Nhật. Bộ tài chính Việt Nam sẽ chuyển 200.000 đô la cứu trợ cho Nhật. Bộ y tế được chỉ thị lập đội cứu hộ sang giúp Nhật, đồng thời lập trạm đo phóng xạ trên người những công dân Việt trở về.

Các nước ngoài kêu gọi công dân của họ sơ tán khỏi Tokyo và những khu vực bị ảnh hưởng của trận động đất và sóng thần Nhật Bản, giữa lúc tình trạng bất ổn hạt nhân có thêm căng thẳng và ngày càng gia tăng thiếu hụt thực phẩm, nhiên liệu và nước sạch.

Theo ước tính thì có khoảng 1 triệu người ở Nhật Bản bị mất nhà cửa vì trận động đất và sóng thần. Dù có những nỗ lực to lớn của các đoàn cứu trợ quốc gia và quốc tế, nhiều người vẫn không có đủ đồ tiếp tế. Hôm qua, Liên đoàn Chữ thập đỏ Quốc tế nói rằng, hơn hai triệu người tình nguyện Nhật Bản hăng hái tham gia công tác trợ giúp những người sống sót. Các quốc gia trên khắp thế giới đã đề nghị giúp đỡ phân phối phẩm vật cứu trợ.

Trước tình hình cuộc khủng hoảng ngày càng tệ hơn, Australia đã khuyến cáo công dân nước họ xét tới việc rời khỏi Tokyo và những khu vực bị ảnh hưởng, vì nhiều cơ sở hạ tầng của Nhật Bản bị xáo trộn. Pháp đã yêu cầu công dân nước họ trở về Pháp hoặc di chuyển tới miền nam Nhật Bản, đi xa nhà máy điện hạt nhân Fukushima, trong khi Ireland khuyến khích công dân nước họ, đặc biệt là những người có con nhỏ, xét tới chuyện có nên ở lại miền Bắc Nhật Bản hay vùng Tokyo.

Hôm qua, Nga cho biết sẽ sơ tán gia đình các viên chức ngoại giao của họ vào cuối tuần này. Các công ty lớn của nước ngoài cũng sẽ sơ tán nhân viên hay di chuyển tới nơi xa hơn. Mỹ chỉ yêu cầu công dân tránh du hành tới Nhật Bản vào lúc này. Nước Anh khuyến cáo công dân đừng tới miền Bắc Nhật Bản hoặc Tokyo ngoại trừ trường hợp hết sức cần thiết.

Hà Khoa
Tổng hợp