1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ bắn thử tên lửa chống hạm cực mạnh

Mỹ đang bắn thử tên lửa hành trình chống hạm dùng cho tàu hộ vệ và tàu ngầm tương lai của Hải quân Mỹ

Ngày 11/1, Công ty Lockheed Martin tiết lộ với báo chí Nhật Bản cho hay công ty này đang bắn thử tên lửa hành trình chống hạm dùng cho tàu hộ vệ và tàu ngầm tương lai của Hải quân Mỹ.

Trong thời gian hội thảo năm 2017 của Hiệp hội Hải quân mặt nước, người phụ trách phóng tên lửa chống hạm tầm xa, Scott Calaway ngày 11/1 cho biết:

Chương trình tên lửa chống hạm tầm xa này vốn được Cơ quan nghiên cứu đề án cao cấp quốc phòng Mỹ (DARPA) phát triển để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Quân đội Mỹ đối với một loại vũ khí phóng từ trên không, hiện đã được hải quân tiếp thu và sẽ dùng cho máy bay ném bom Boeing B-1B, máy bay chiến đấu Boeing F/A-18E/F Super Hornet trong vài năm tới.

Hiện nay, Công ty Lockheed Martin dự định đệ trình phương án sử dụng loại vũ khí dựa trên tên lửa AGM-158 JASSM-ER này cho Hải quân Mỹ, dùng cho tàu hộ vệ đang tiến hành thiết kế.

Clip mô phỏng tên lửa hành trình LRASM tiếp cận mục tiêu:

Sau khi sử dụng hệ thống phóng thẳng đứng MK-41 tiến hành 3 lần bắn thử trong năm 2016, công ty này năm 2017 sẽ sử dụng máy phóng độc lập tiến hành kiểm tra. Đây sẽ là cơ sở của tên lửa vượt tầm nhìn dùng cho tàu hộ vệ tương lai.

Loại tên lửa vượt tầm nhìn này sẽ là loại tên lửa chống hạm mới phóng từ mặt nước đầu tiên của Hải quân Mỹ trong vài chục năm qua. Đội ngũ Ratheon - Kongsberg sẽ đưa ra tên lửa tấn công hải quân, Công ty Boeing sẽ đưa ra một loại tên lửa Harpoon phiên bản cải tiến tham gia cuộc cạnh tranh này.

Ngoài cạnh tranh loại tên lửa vượt tầm nhìn này, Công ty Lockheed Martin sẽ còn thử nghiệm một loại tên lửa chống hạm tầm xa phiên bản tàu ngầm.

Scott Calaway cho biết: "Chúng tôi đã tiến hành một số thử nghiệm và một số nghiên cứu khả thi sơ bộ. Chúng tôi xác định không có bất cứ trở ngại gì trên phương diện trang bị tên lửa chống hạm tầm xa cho tàu ngầm".

Đi chậm 1 bước

Trước đó, hồi tháng 2/2016, trong bản dự thảo ngân sách 583 tỷ USD cho năm tài khóa 2017 mà Bộ Quốc phòng Mỹ công bố cho thấy xu hướng cắt giảm chi tiêu ở một loạt hạng mục.

Tuy nhiên, có một loại vũ khí mà Lầu Năm Góc không hề cắt giảm, trái lại còn muốn tăng mạnh chi tiêu với mức đầu tư trị giá hàng trăm triệu USD, đó là tên lửa diệt hạm, những vũ khí có khả năng đánh chìm chiến hạm đối phương ở khoảng cách xa. Những tên lửa diệt hạm mới này được yêu cầu phải sở hữu khả năng tàng hình tốt hơn, bay nhanh hơn, đồng thời có sức hủy diệt lớn hơn so với các phiên bản hiện nay của Mỹ.

Động thái quyết liệt mua hàng trăm tên lửa diệt hạm tầm xa phản ánh quyết tâm của hải quân Mỹ nhằm giữ ưu thế về hỏa lực trên đại dương trước "một nước Nga đang hồi sinh và một Trung Quốc đang trỗi dậy", Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work cho hay.

"Mỹ lãng quên năng lực diệt hạm từ đầu thập niên 1990", nhà phân tích hải quân độc lập Eric Wertheim nhận xét. Cho rằng chiến tranh trên biển đã trở thành dĩ vãng, hải quân Mỹ quyết định hạn chế dần việc sử dụng tên lửa diệt hạm trên tàu hoặc chiến đấu cơ.

Hành động ấy khiến khoảng trống về sức mạnh của hải quân Mỹ với các đối thủ bắt đầu hình thành. Chiến hạm Mỹ tỏ ra rất hiệu quả khi tấn công trên bộ nhưng khi đối đầu với các mục tiêu trên biển, chúng ngày càng trở nên kém tác dụng.

Giới phân tích quân sự băn khoăn rằng, việc Mỹ tập trung phát triển tên lửa hành trình chống hạm vào thời điểm này liệu có phải là quá muộn khi mà Nga đã trang bị cho chiến hạm, tàu ngầm và chiến đấu cơ của họ những tên lửa diệt hạm tân tiến có tầm bắn và sức hủy diệt lớn hơn tên lửa Harpoon già cỗi trong kho vũ khí Mỹ rất nhiều.

Trong đó điển hình là tên lửa Klub của Nga với tầm bắn 740 km. Đặc biệt, trong chặng cuối của hành trình, nó có thể vọt lên tốc độ siêu thanh nhằm gây thiệt hại tối đa cho mục tiêu. Việc những chiến hạm Nga có thể khai hỏa tên lửa Klub nhắm trúng tàu Mỹ ở vị trí nằm ngoài tầm bắn của tên lửa Harpoon đặt các tàu chiến Mỹ vào tình thế vô cùng bất lợi.

Không chỉ riêng Klub, Nga còn sở hữu khoảng 10 loại tên lửa chống hạm tốc độ siêu âm, cận âm hoàn toàn có thể nhấn chìm hạm đội tàu sân bay khổng lồ trong vài giờ.

Một trong những vũ khí chống tàu nguy hiểm nhất của Nga hiện tại là tên lửa chống hạm siêu âm P-270 Moskit (NATO định danh là SS-N-22 Suburn) có thể mang đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân 120kiloton. Tên lửa nặng 4,5 tấn, trang bị 4 động cơ ramjet cho tốc độ siêu âm Mach 3, tầm bắn 120km.

Các chuyên gia phương Tây phải thừa nhận sức mạnh của P-270 Moskit. Tốc độ bay pha cuối có thể đạt 2800km/h, gấp 3 – 4 lần tên lửa hiện hành của phương Tây, đặc biệt là độ cao bay trong giai đoạn tấn công đoạn cuối thấp nhất có thể giảm xuống 1,2m, gần như bay chạm sóng, khiến cho radar của tàu bị tấn công rất khó phát hiện, ngay cả khi phát hiện cũng không có thời gian phóng tên lửa đánh chặn.

Và uy lực thực tế của tên lửa Moskit gấp 2 lần tên lửa Harpoon và gấp 3 lần tên lửa Exocet. Đáng lưu ý, Moskit có thể tích hợp trên nhiều loại tàu chiến, từ cỡ 500 tấn tới 6.000-7.000 tấn.

Ngoài ra, nước Nga còn sở hữu tên lửa diệt hạm P-800 Oniks (NATO định danh là SS-N-26 Strobile), tên lửa hành trình đa năng Kalibr, tổ hợp tên lửa hành trình chống hạm P-500 Bazalt, tên lửa hành trình chống hạm Kh-59MK, đây đều là những vũ khí khiến phương Tây kinh sợ khi phải đối đầu.

Theo Huy Hùng

Đất Việt