1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ bác giả thuyết Covid-19 lây nhiễm qua thực phẩm của Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Các cơ quan an toàn thực phẩm của Mỹ bác bỏ giả thuyết được giới chức y tế Trung Quốc ủng hộ rằng vi rút corona có thể lây nhiễm qua thực phẩm và bao bì.

Mỹ bác giả thuyết Covid-19 lây nhiễm qua thực phẩm của Trung Quốc - 1

Sản phẩm tôm đông lạnh tại Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

"Sau hơn một năm kể từ khi đại dịch Covid-19 được tuyên bố là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, chúng tôi tiếp tục khẳng định rằng không có bằng chứng đáng tin cậy cho thấy thực phẩm hay bao bì thực phẩm có khả năng là nguồn lây nhiễm vi rút", Cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ra tuyên bố chung hôm 18/2.

Chỉ một vài quốc gia lo ngại về khả năng lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 qua thực phẩm hay bao bì thực phẩm, do vi rút này được cho là chủ yếu lây qua các giọt bắn trong không khí khi tiếp xúc gần. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, giả thuyết này trở thành trọng tâm của các biện pháp kiểm dịch.

Hàng triệu gói thực phẩm đông lạnh nhập khẩu đã được khử trùng khi được đưa vào Trung Quốc và hàng trăm nghìn mẫu thực phẩm đã được xét nghiệm để truy tìm dấu vết SARS-CoV-2. Các công ty thực phẩm nước ngoài có thể đối mặt với lệnh cấm nếu vi phạm quy định của Trung Quốc.

Tại cuộc họp báo của nhóm chuyên gia WHO sau khi kết thúc cuộc điều tra về nguồn gốc Covid-19 ở Trung Quốc trong tháng này, Liang Wannian, một quan chức tại Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cho biết vi rút SARS-CoV-2 có thể được mang từ các thực phẩm đông lạnh nhập khẩu vào thành phố Vũ Hán - nơi phát hiện các ca nhiễm đầu tiên từ cuối năm 2019.

Các cơ quan y tế Trung Quốc cho biết họ đã liên hệ một số trường hợp mắc Covid-19 là các công nhân thực phẩm khi tiếp xúc với cá hồi, cá tuyết và thịt lợn đông lạnh bị nhiễm vi rút. Trung Quốc cũng "chạy đua" truy tìm các hàng hóa được cho là có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 như tôm Ả rập Xê út, cherry Chile và kem được làm từ sữa bột Ukraine.

Tuy nhiên, các nhà khoa học trên toàn thế giới đều khẳng định không có bằng chứng rõ ràng cho thấy các ca mắc Covid-19 ở Trung Quốc xuất phát từ việc xử lý các sản phẩm trên. Theo các nhà khoa học, về mặt lý thuyết, nguy cơ một công nhân thực phẩm bị nhiễm vi rút do chạm vào gói hàng chứa giọt bắn từ một người nhiễm vi rút ở một nước khác khi họ ho hay hắt hơi vào sản phẩm là rất thấp.

Tuyên bố của Mỹ cũng đồng tình với nhận định trên.

"Sau khi xem xét hơn 100 triệu trường hợp mắc Covid-19, chúng tôi không thấy có bằng chứng dịch tễ học cho thấy thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm là nguồn lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2  sang người", tuyên bố của USDA và FDA khẳng định.

Trước đó, Ủy ban quốc tế về Thông số kỹ thuật vi sinh vật đối với thực phẩm (ICMSF) hồi tháng 9 năm ngoái cũng kết luận rằng, dù có hàng tỷ gói thực phẩm đã được tiếp xúc kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhưng không có bằng chứng cho thấy thực phẩm, bao bì thực phẩm là nguồn lây nhiễm vi rút.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ và WHO đã nêu rõ trong hướng dẫn dành cho người tiêu dùng rằng, không có bằng chứng cho thấy con người mắc Covid-19 từ thực phẩm. Các cơ quan này chỉ khuyến cáo mọi người rửa tay trước khi ăn và các cơ sở kinh doanh thực phẩm cần bảo đảm các biện pháp vệ sinh.

Chuyên gia của WHO cho biết vi rút có thể tồn tại trên bề mặt một thời gian, tuy nhiên chúng sẽ bị tiêu diệt nếu người tiếp xúc rửa tay hoặc sử dụng dung dịch tẩy rửa có cồn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm