1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Mỹ bác bỏ thông tin "ngầm coi Triều Tiên là quốc gia hạt nhân"

(Dân trí) - Mỹ đã bác bỏ thông tin rằng mục tiêu của họ trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên sẽ chỉ là đóng băng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, động thái sẽ được hiểu là ngầm chấp nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân.

Mỹ bác bỏ thông tin ngầm coi Triều Tiên là quốc gia hạt nhân - 1

Chụ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus ngày 9/7 cho biết Washington kỳ vọng rằng Triều Tiên sẽ đóng băng chương trình hạt nhân khi quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa bắt đầu trở lại, dự kiến diễn ra trong tháng này.

Trước đó, báo New York Times của Mỹ đã đưa tin rằng các quan chức Mỹ đã có ý tưởng rằng mục tiêu của Washington trong các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng chỉ là đóng băng chương trình hạt nhân của Triều Tiên, chứ không phải là phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Nếu điều này xảy ra, New York Times cho rằng đó là động thái cho thấy Mỹ sẽ ngầm chấp nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân.

“Việc đóng băng, quý vị biết đó, sẽ không bao giờ trở thành giải pháp cho quá trình. Điều đó sẽ không bao giờ là mục tiêu cuối cùng của quá trình. Đó là điều mà chúng tôi hy vọng Triều Tiên sẽ làm trong giai đoạn đầu tiên”, bà Ortagus tuyên bố.

Triều Tiên đã dừng thử bom và tên lửa hạt nhân từ năm 2017, tuy nhiên các quan chức Mỹ tin rằng Bình Nhưỡng đã mở rộng kho vũ khí của nước này bằng cách sản xuất thêm nhiên liệu dùng cho bom và tên lửa. Mỹ kỳ vọng rằng Triều Tiên sẽ đóng băng toàn bộ quá trình này trước thềm đàm phán nối lại.

Bà Ortagus khẳng định mục tiêu của Washington hướng tới việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên. Bà tiết lộ Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun đang bàn bạc với các bên liên quan để vạch ra phương hướng thực hiện mục tiêu này.

Mỹ và Triều Tiên hồi cuối tháng 6 đã nhất trí nối lại đàm phán về phi hạt nhân hóa sau cuộc gặp ở khu phi quân sự giữa lãnh đạo 2 nước tại đường biên giới liên Triều sau 4 tháng gián đoạn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Washington và Bình Nhưỡng đến lúc này vẫn chưa có thêm động thái cụ thể nào trong việc thu hẹp khoảng cách giữa yêu cầu của Mỹ về phi hạt nhân hóa và yêu cẩu của Triều Tiên về việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Cho tới lúc này, 2 bên dường như vẫn đang “lệch pha” nhau về khái niệm phi hạt nhân hóa.

Đức Hoàng

Theo CNA