1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ - Ấn nối lại tập trận chung, gửi tín hiệu tới Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Quân đội Mỹ đã nối lại cuộc tập trận chung bị trì hoãn với Ấn Độ trong một động thái được cho là nhằm gây sức ép với Trung Quốc.

Mỹ - Ấn nối lại tập trận chung, gửi tín hiệu tới Trung Quốc - 1

Binh sĩ tham gia tập trận Yudh Abhyas (Ảnh: SCMP)

Tạp chí quân sự Stars and Stripes ngày 12/2 đưa tin, cuộc tập trận quân sự chung kéo dài 2 tuần giữa Mỹ và Ấn Độ với tên gọi Yudh Abhyas đã được nối lại vào đầu tuần này tại thao trường Mahajan ở Rajasthan, cách thủ đô New Delhi 160km về phía tây. Cuộc tập trận này ban đầu dự kiến diễn ra vào tháng 10 năm ngoái nhưng bị trì hoãn do dịch Covid-19.

Theo Stars and Stripes, các cuộc trao đổi quân sự giữa Mỹ và Ấn Độ được thúc đẩy do New Delhi lo ngại sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và tham vọng của Bắc Kinh trong khu vực.

Trung Quốc và Ấn Độ gần đây thông báo rút quân dọc biên giới tranh chấp. Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng Mỹ sẽ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, đặc biệt thông qua nhóm "Bộ Tứ" - khuôn khổ hợp tác được thành lập vào năm 2017 gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Australia.

Cuộc tập trận thường niên Yudh Abhyas là thỏa thuận song phương bắt đầu từ hơn 10 năm trước, nhưng quy mô được mở rộng trong những năm gần đây.

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đầu tuần này, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rõ ý định của Washington về việc củng cố "Bộ Tứ",  bên cạnh các mục tiêu quân sự khác của chính quyền mới như tự do hàng hải.

Yogesh Gupta, cựu đại sứ Ấn Độ ở Đan Mạch và là chuyên gia về quan hệ Trung - Ấn, cho biết chính quyền Tổng thống Biden sẽ duy trì sức ép với Trung Quốc bằng cách hợp tác với các đồng minh và đối tác.

"Ông Biden đã chỉ đạo đánh giá liên cơ quan để vạch ra chiến lược toàn diện trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Một vài chính sách trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, như cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, vẫn sẽ tiếp tục", chuyên gia Gupta cho biết.

Rajeev Ranjan Chaturvedy, nhà phân tích quân sự ở New Delhi, nhận định cuộc tập trận Yudh Abhyas có vai trò quan trọng để củng cố lòng tin giữa New Delhi và Washington, vì Ấn Độ cần được làm rõ những hoài nghi của nước này về tư duy và mục đích chiến lược của Mỹ dưới thời chính quyền mới.

"Mỹ dường như sẽ tăng cường hiện diện, tham gia và gây sức ép với Trung Quốc. Các cuộc họp và cam kết của "Bộ Tứ" sẽ ngày càng được chú trọng và trở nên quan trọng hơn", ông Rajeev cho biết.

Nhà phân tích quân sự Trung Quốc Ni Lexiong mô tả liên minh quân sự 4 nước "Bộ Tứ" là di sản giá trị nhất mà Tổng thống Biden được thừa hưởng từ chính quyền tiền nhiệm.

"Ông Biden sẽ biến tập trận chung với Ấn Độ và các đồng minh khác trong khu vực trở thành cuộc tập trận thường xuyên và thông lệ hơn trong khuôn khổ Bộ Tứ", chuyên gia Ni nhận định.

Theo chuyên gia Ni, so với ông Trump, Tổng thống Biden sẽ là "đối thủ" cứng rắn với Trung Quốc, vì chính quyền Biden có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc xây dựng các chính sách đối phó với Bắc Kinh.

"Ông Biden và đảng Dân chủ của ông hiểu rằng ưu tiên an ninh hàng đầu của (Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình) không phải là tranh chấp biên giới với Ấn Độ, mà là kế hoạch thống nhất Đài Loan", ông Ni cho biết thêm.

Cuộc tập trận chung Mỹ - Ấn diễn ra trong bối cảnh quân đội Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu rút quân khỏi Pangong Tso - "điểm nóng" trong tranh chấp biên giới kéo dài suốt nhiều tháng qua tại dãy Himalaya.