Đằng sau thỏa thuận hạt nhân Iran:
Mục tiêu là Trung Quốc?
Sau tiến trình đàm phán marathon kéo dài 20 tháng, thỏa thuận vấn đề hạt nhân Iran đã đạt được ngày 14-7-2015. Thỏa thuận này thật ra không chỉ nằm trong khuôn khổ vấn đề vũ khí hạt nhân Iran và ý nghĩa của sự kiện cũng không chỉ liên quan vấn đề an ninh Trung Đông. Ẩn sau nó là mục tiêu Trung Quốc.
Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama nói: “Hôm nay, sau 2 năm đàm phán, Mỹ cùng cộng đồng quốc tế đã đạt được điều mà hàng thập niên oán thù đã không thể giải quyết: một thỏa thuận lâu dài toàn diện với Iran nhằm ngăn chặn họ sở hữu vũ khí hạt nhân”
Tại sao là Trung Quốc?
Như Orde F. Kittrie viết trên Foreign Affairs (13-7-2015), thỏa thuận hạt nhân Iran còn nhắm vào việc kiểm soát nguồn cung cấp bất hợp pháp từ Trung Quốc. Trong nhiều năm, hai người Trung Quốc - Trịnh Ty Hải (Sihai Cheng) và Lý Phương Vỹ (Li Fangwei, còn được gọi là Karl Lee) - đã nằm trong danh sách theo dõi gắt gao của Mỹ với những thương vụ cung cấp thiết bị hạt nhân cho Iran.
Chỉ trong vài năm, Trịnh đã chuyển hơn 1.000 đầu dò áp suất từ Trung Quốc sang Iran sau khi lô hàng được sản xuất tại Mỹ bởi Công ty MKS nằm ở Massachusetts. Trong một số bức ảnh công khai, người ta thấy (nguyên) Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad có mặt tại Nhà máy Hạt nhân Natanz với đầu dò MKS.
Theo hồ sơ đệ trình từ Văn phòng luật Manhattan năm 2009 và hồ sơ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ năm 2014, Karl Lee, trong 10 năm qua, đã cung cấp cho Iran hàng chục ngàn kilô vật liệu đặc biệt dùng sản xuất các thiết bị ly tâm và tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Chưa có bằng chứng cho thấy Chính phủ Bắc Kinh đứng sau Karl Lee hoặc Trịnh Ty Hải nhưng Bắc Kinh chưa bao giờ nhiệt tình trong việc truy lùng hai đối tượng này. Cần nhắc lại, Bắc Kinh từng cam kết với Tổng thống Bill Clinton năm 1997 về việc không xuất khẩu những mặt hàng liên quan công nghệ hạt nhân cho Iran; đổi lại, Mỹ đồng ý thực hiện thỏa thuận lần đầu tiên giữa hai nước về hợp tác hạt nhân dân sự. Cam kết này hết hạn vào cuối năm 2015.
Tại phiên điều trần Thượng viện ngày 12-5-2015, Thượng nghị sĩ Edward Markey đã nhắc lại Karl Lee và cho rằng: “Thật phi lý khi kết luận Chính phủ Trung Quốc không có khả năng phá vỡ đường dây bất hợp pháp cung cấp thiết bị công nghệ hạt nhân cho Iran… Có lẽ Trung Quốc đã cho doanh nghiệp tư nhân “thầu lại”…, để họ không có dấu tay…”.
Cùng lúc, Trung Quốc duy trì được quan hệ kinh tế tại thị trường một nước mà hầu hết quốc gia phương Tây không thể đụng vào. Từ năm 2010, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào khu vực công nghiệp năng lượng Iran.
Trung Quốc cũng là khách hàng dầu hỏa lớn nhất của Iran. Năm 2007, một chi nhánh của Tập đoàn Norinco (nhà sản xuất công nghiệp quốc phòng nhà nước Trung Quốc) đã ký một hợp đồng trị giá gần 590 triệu USD về dự án tàu điện ngầm cho hệ thống metro Teheran.
Chưa hết, Michael Singh, cựu Giám đốc cấp cao đặc trách Trung Đông của Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ cho rằng, Trung Quốc muốn sử dụng Iran như một đối trọng với Mỹ.
“Thay vì dùng ảnh hưởng của mình để kêu gọi Iran tuân thủ các quy định về phi vũ khí hạt nhân của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh có vẻ châm lửa cho thái độ khiêu khích nhất nhằm vào Mỹ và các nước đồng minh, một thái độ có thể làm bất ổn Trung Đông” - Michael Singh nhận định.
Karl Lee là ai?
Viết trên Forbes (10-7-2015), nhà báo kỳ cựu Claudia Rosett đã cho thấy Karl Lee là ai. Trong hơn một thập niên, giới chức trách Mỹ đã cố phá đường dây buôn lậu thiết bị hạt nhân của Karl Lee, bắt đầu từ nhà máy sản xuất luyện kim LIMMT Economic and Trade Co của đương sự.
Từ tháng 4-2014, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã treo giá 5 triệu USD cho ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt được Karl Lee. Ảnh truy nã của FBI miêu tả Karl Lee có mái tóc đen, cao khoảng 1,7m, với một nốt ruồi ở môi trên. Đương sự là công dân Trung Quốc sử dụng thành thục Quan thoại lẫn tiếng Anh.
Năm 2006, Bộ Tài chính Mỹ đưa LIMMT vào danh sách đen, cấm tuyệt đối bất kỳ giao dịch nào thông qua hệ thống tài chính Mỹ. Tháng 4-2009, Tòa Manhattan xử vắng mặt Karl Lee với 118 tội danh “liên quan việc lợi dụng sai trái các ngân hàng Manhattan và cung cấp kỹ thuật hạt nhân lẫn tên lửa cho Chính phủ Iran”.
Cáo trạng miêu tả một loạt công ty bình phong của LIMMT, trong đó có Blue Sky Industry Corporation và Wealthy Ocean Enterprises, với những giao dịch tại nhiều nước từ Nam Phi, Brazil, Chile, Ba Lan đến Thụy Điển.
Ngày 29-4-2014, Bộ Tài chính Hoa Kỳ nêu rõ: Có 8 công ty tại Trung Quốc hoạt động cho Karl Lee. Giới chức trách Mỹ đã tịch thu 6,895 triệu USD nguồn quỹ nằm tại các ngân hàng Mỹ có giao dịch với ngân hàng Trung Quốc được Karl Lee sử dụng cho đường dây của mình.
Tháng 3-2013, Reuters cho biết họ liên lạc được với Karl Lee và đương sự nói mình không làm gì sai. Loạt điện tín của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ năm 2006 đến 2009 được tiết lộ trong hồ sơ Wikileaks cho thấy, Washington từng đề cập vấn đề Karl Lee nhiều lần với Bắc Kinh.
Cụ thể, tháng 6-2006, một viên chức ngoại giao Mỹ đã thông báo với một viên chức ngoại giao Trung Quốc về việc Mỹ quyết định đưa 4 công ty Trung Quốc, trong đó có LIMMT, vào danh sách công ty liên quan chương trình vũ khí hạt nhân Iran.
“Phía Trung Quốc bị sốc” - bức điện viết. Viên chức Trung Quốc yêu cầu Mỹ ngưng việc trên vì nó có thể “làm hỏng niềm tin và gây ảnh hưởng hợp tác Mỹ - Trung về vấn đề phi vũ khí hạt nhân cũng như kiểm soát xuất khẩu công nghệ hạt nhân”. Sau đó, giới ngoại giao Mỹ tại Bắc Kinh tiếp tục cung cấp cho Trung Quốc nhiều thông tin liên quan đường dây buôn lậu công nghệ hạt nhân, đặc biệt LIMMT.
Tháng 2-2008, một viên chức ngoại giao Mỹ tại Bắc Kinh lại gặp một viên chức thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc để đưa ra bằng chứng về việc LIMMT tiếp tục chuyển hàng cho Iran. Tuy nhiên, viên chức Trung Quốc “nhấn mạnh rằng, việc điều tra những vấn đề nhạy cảm và phức tạp như thế cần phải có thời gian”.
Wall Street Journal (27-7-2007) từng thuật lại rằng, các công ty mà Chính phủ George W. Bush đưa vào danh sách những nhà cung cấp công nghệ hạt nhân cho Iran gồm Beijing Alite Technologies Co., China Great Wall Industry Corp. và China National Precision Machinery Import/Export Corp.
Một viên chức Beijing Alite nói rằng sản phẩm của họ “không liên quan gì đến vũ khí quân sự” và họ đã ngưng giao dịch với Iran từ năm 2003. Tương tự, phát ngôn viên China Great Wall cũng nói công ty họ “chưa bao giờ có bất kỳ quan hệ thương mại gì với Iran”.
Dưới sức ép liên tục của Mỹ, tháng 6-2008, một viên chức Trung Quốc tường trình trước một số viên chức Tòa đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh về Karl Lee. Tương tự cách nói mà Bắc Kinh dùng vào tháng 6-2006, lần này, Bắc Kinh cũng khẳng định: LIMMT “không còn tồn tại”.
Tuy nhiên, tháng 1-2009, trong tuần đầu tiên của tân nội các Obama, Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu hồi một viên chức Tòa đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh, than phiền về sự cấm vận đơn phương “không thể chấp nhận được” của Mỹ nhằm vào LIMMT và một công ty khác và rằng, Trung Quốc “hy vọng Mỹ sẽ sửa lại ngay những sai lầm này”.
Ba tháng sau, khi được nghe Mỹ báo về việc đưa Karl Lee và 6 công ty liên quan LIMMT vào danh sách cấm vận đồng thời yêu cầu Trung Quốc ngưng “các hoạt động liên quan phổ biến công nghệ hạt nhân”, một viên chức Trung Quốc trả lời: “Chuyện của Trung Quốc là chuyện… của Trung Quốc”!
Có lẽ để tránh tiếng về mặt ngoại giao, Bắc Kinh đã đồng ý thông qua luật cấm vận dành cho Iran theo yêu cầu Hội đồng Bảo an, vào năm 2006, 2007, 2008 và 2010. Điều đó không có nghĩa Trung Quốc nhiệt tình hơn trong việc điều tra Karl Lee cũng như đường dây LIMMT của đương sự.
Cần nhắc lại, tháng 3-2011, cảnh sát Malaysia từng tịch thu hai container tại cảng Klang từ một con tàu đến Iran từ Trung Quốc. Trong quá khứ, Trung Quốc từng sử dụng Pakistan để chuyển thiết bị công nghệ hạt nhân cho Iran…
Cho đến nay, dù tham gia tiến trình đàm phán hạt nhân Iran, Bắc Kinh vẫn lấp liếm vấn đề Karl Lee, nhân vật bí mật hiện vẫn nằm ngoài vòng pháp luật. Dù thế nào, với thỏa thuận liên quan chương trình hạt nhân Iran vừa đạt được, Mỹ và cộng đồng quốc tế giờ đây có thể kiểm soát nguồn cung cấp công nghệ hạt nhân phi pháp lâu nay vẫn lén lút hoạt động.