Mua S-300 Nga: "Cuộc chia ly" của Ankara với EU và NATO?
Một thông tin gây chấn động cho NATO và EU là Ankara đang xem xét đề xuất của Moscow về việc xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa chung.
Nga-Thổ có thể lập hệ thống phòng thủ tên lửa chung
Kênh NTV ngày 11/10 dẫn nguồn tin trong giới ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này có thể cân nhắc quyết định xem xét đề xuất của Nga về việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD).
Vào tháng 11 năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức hủy bỏ hồ sơ dự thầu đối với việc sản xuất các linh kiện cho hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá 3,4 tỷ USD trong gói thầu phát triển dự án hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia được nước này công bố vào năm 2009.
Hồ sơ dự thầu để mua linh kiện cho hệ thống phòng thủ tên lửa 4 tỷ USD được Thổ Nhĩ Kỳ công bố năm 2009 và có kết quả chính tức vào tháng 9/2013. Đơn vị thắng thầu được công bố là Công ty xuất nhập khẩu cơ giới chính xác Trung Quốc CPMIEC.
Tham gia đấu thầu còn có tập đoàn Raytheon và Lockheed Martin của Mỹ với hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa Patriot-3 (PAC 3), Tập đoàn Eurosam của Italia với hệ thống SAMP/T Aster-30 và tập đoàn Rosoboronexport của Nga với hệ thống S-300VM Antey 2500.
Công ty Trung Quốc đã đưa ra mức giá 3,4 tỷ USD cho các hệ thống phòng không Hồng Kỳ 9 (HQ-9), sản phẩm được cho là có tính năng tiệm cận hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga và vượt trội các hệ thống của Mỹ và châu Âu về tầm phóng.
Khi đó, bất chấp việc dư luận quốc tế cho rằng Trung Quốc đã thắng thầu một cách “rất đáng ngờ”, giới chức lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bày tỏ mong muốn mua được hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc, nhằm nâng cao năng lực phòng không của nước mình.
Một quan chức quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, kiến nghị hợp tác của Trung Quốc đưa ra, xét về góc độ kỹ thuật là có thể chấp nhận được, không chỉ giúp Thổ Nhĩ Kỳ nắm được các công nghệ tên lửa mà còn có giá rẻ hơn rất nhiều so với phương án đề xuất của các nước khác.
Tuy nhiên, sau đó trước sức ép của Mỹ và các thành viên khác trong khối NATO, chính quyền Erdogan đã buộc phải hủy bỏ gói thầu này vào tháng 11/2015 và bắt đầu tái triển khai các thủ tục chào thầu.
Vào thời điểm đó, quan hệ Nga-Thổ đang căng thẳng cực độ, Mỹ và châu Âu hào hứng với quyết định này của chính quyền Erdogan và tràn đầy hy vọng thắng thầu. Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi khi quan hệ Mosocw-Ankara đang nồng ấm hơn bao giờ hết.
Với thông tin trên, rất có thể Ankara đã nghiêng về hệ thống phòng không Antey 2500 của Nga. Xét về tính năng, hệ thống phòng không Nga vượt trội các sản phẩm của Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, lại kèm thêm nhiều ưu đãi về chuyển giao công nghệ nên chiến thắng là xứng đáng.
Nếu mua S-300, Thổ sẽ loại bỏ hệ thống phòng thủ NATO
Tạp chí quốc phòng Anh Jane’s Defence Weekly cho biết, gói thầu “Dự án tên lửa phòng không/phòng thủ tên lửa T-Loramids” của Thổ Nhĩ Kỳ có tổng giá trị lên tới 3,5 tỷ USD, nhằm trang bị các hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa cho 4 lữ đoàn, ít nhất bao gồm 12 tổ hợp phóng.
Đây là một lực lượng hùng hậu đối với 1 quốc gia NATO (nếu sử dụng tên lửa Mỹ hoặc châu Âu) nhưng nó sẽ là thảm họa nếu đó là lực lượng trang bị toàn hệ thống phòng không Nga.
Các chuyên gia quân sự phương Tây nhận định rằng, nếu Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa (cả phòng thủ không gian) của mình xoay quanh hệ thống S-300VM của Nga thì đó sẽ mang lại hệ lụy rất lớn, trên tất cả các lĩnh vực đối với Mỹ-NATO.
Ngoài những vấn đề về địa chính trị, kinh tế, ngoại giao, việc Thổ Nhĩ Kỳ “rước” hệ thống phòng không Nga về nước cũng sẽ là điều không thể chấp nhận được về mặt quân sự đối với NATO.
Các chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng, cả hệ thống phòng không HQ-9 Trung Quốc và S-300 của Nga không tương thích về các tham số kỹ thuật với hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa theo chuẩn phương Tây, hơn nữa, chúng cũng không thể sử dụng chung dữ liệu của nhiều phương tiện cảnh báo sớm của Mỹ-NATO.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ mua S-300, NATO sẽ phải cung cấp các tham số bảo mật cho Nga để cho phép S-300 tích hợp vào hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn đến việc khối này không thể bảo mật các thông tin của mình, đe dọa trực tiếp đến khả năng của lá chắn tên lửa Mỹ-NATO ở châu Âu.
Do đó, NATO không bao giờ cho phép hệ thống phòng không Nga-Trung tích hợp vào hệ thống phòng không theo tiêu chuẩn của khối này. Trước đây khối này cảnh báo, nếu Ankara nhất quyết mua tên lửa Nga hoặc Trung Quốc thì chắc chắn chúng sẽ không được liên kết với nhau, điều đó sẽ làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống phòng thủ quốc gia.
Một quan chức quân sự Thổ Nhĩ Kỳ trước đây đã từng cho biết, kế hoạch xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa độc lập (bao gồm cả giám sát không gian) mà Thổ Nhĩ Kỳ đang theo đuổi là vô cùng lớn. Tham vọng của Ankara hoàn toàn có thể được Moscow đáp ứng khi quan hệ 2 bên đang ở mức “không còn gì tốt đẹp hơn”.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ nhất định mua S-300 thì chắc chắn họ sẽ phải loại bỏ các yếu tố cấu thành hệ thống của NATO, xây dựng hệ thống phòng không/phòng thủ không gian chung với Nga. Đó sẽ là thảm họa lớn nhất về mặt quân sự đối với phương Tây.
Tuy nhiên, thương vụ mua S-300 Nga đang tiềm ẩn nguy cơ một “cuộc chia ly” giữa Thổ Nhĩ Kỳ với cả châu Âu và NATO.
Những hệ lụy từ việc xây dựng hệ thống phòng không chung Nga/Thổ
Thứ nhất: Thắt chặt quan hệ với Nga, đào sâu mâu thuẫn với Mỹ
Kể từ khi ông Erodgan viết thư xin lỗi người đồng cấp Nga Putin hồi cuối tháng 6 vừa qua, mâu thuẫn Nga-Thổ đã từng bước được hàn gắn, đặc biệt là sau vụ đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/7, quan hệ giữa hai nước đã được khôi phục toàn diện và có những bước tiến dài.
Chính quyền Erdogan cáo buộc các tướng lĩnh quân đội nước này trong phe cánh Gulen đã nhận chỉ thị trực tiếp từ vị giáo sĩ này để lật đổ Tổng thống Erdogan, đồng thời tố cáo phương Tây đứng sau vụ đảo chính này bằng cách hỗ trợ và bảo vệ cho giáo sĩ Gulen.
Sau vụ đảo chính, quan hệ giữa Ankara với Mỹ đã xấu đi trông thấy, cùng với đó, quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Syria cũng đã có sự thay đổi theo hướng tương đồng với Nga, đồng thời chính quyền Ankara cũng có sự điều chỉnh chính sách đối ngoại hòa hoãn hơn với Syria và Iran.
Sự thay đổi quan điểm của Erdogan trong vấn đề Syria, đặc biệt là những xung đột giữa Ankara và Washington trong vấn đề người Kurd có thể phá vỡ những kế hoạch của Nhà Trắng, đẩy tình thế ở Syria và cục diện Trung Đông biến chuyển theo hướng có lợi cho Nga.
Hiện nay Nga-Thổ sắp ký FTA, đã nối lại các dự án kinh tế lớn như kế hoạch xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” và tái triển khai công trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu thuộc tỉnh miền nam Mersin, nằm bên bờ Địa Trung Hải.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ dự định bắt tay Nga xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa cho thấy giữa Ankara và Moscow đã không còn khoảng cách. Đây là đòn nặng giáng vào chiến lược chống phá Nga của Mỹ-NATO, khoét sâu mâu thuẫn với các đồng minh trong NATO.
Thứ 2: Có thể dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ rời NATO
Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO vào ngày 18/2/1952 trong giai đoạn sơ kỳ của khối đồng minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (thành lập năm 1949) nên được coi là một trong những thành viên kỳ cựu của khối này. Tuy nhiên, nước này đóng góp không nhiều cho NATO nhưng lại đem đến rất nhiều rắc rối.
Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện chính sách đối ngoại độc đoán, đầy mâu thuẫn nên đã phá hoại quan hệ với hầu hết các quốc gia láng giềng, trong đó có cả những đồng minh của Mỹ trong khu vực như Israel hay thành viên trong NATO, châu Âu như Hy Lạp hoặc đảo Síp.
Sau cuộc đảo chính mà Ankara cho là có sự tiếp tay của một số quan chức quân sự Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở cuộc điều tra 2 viên phi công chiến đấu cơ F-16 của nước này đã nhận lệnh bắn rơi chiếc Su-24 của Nga “từ nước ngoài”. Đây là dấu hiệu cho thấy sự rạn nứt nghiêm trọng giữa hai bên.
Thêm nữa, sau vụ Su-24, NATO cũng tuyên bố sẽ không tham gia vào cuộc xung đột tiềm năng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này đã cho Ankara thấy cảm giác của một kẻ “bị bỏ rơi” là như thế nào.
Chính quyền Erdogan nhận thức được rằng, Mỹ điều khiển NATO và sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ như một quân bài để chống phá Nga nhưng những tuyên bố hùng hồn là của cả khối, còn hậu quả thì mình Ankara sẽ phải gánh chịu. Do đó, Erdogan đã quyết định tái hợp tác toàn diện với Nga.
Nếu chính quyền Erdogan đưa các hệ thống phòng không S-300VM về Thổ Nhĩ Kỳ, có nghĩa là hệ thống những quy chuẩn của NATO về đối tượng tác chiến sẽ trở thành đồ bỏ đối với Ankara, căn cứ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ còn mở ra với NATO, mà sẽ rộng cửa với Nga.
Thứ 3: Thổ Nhĩ Kỳ có thể rút đơn xin gia nhập EU, làm thành viên của EAEC
Ngoài ra, việc Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác toàn diện với Nga trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao cũng có thể là dấu chấm hết cho con đường gia nhập Liên minh châu Âu của nước này.
Thổ Nhĩ Kỳ đã từng cho rằng, trở thành một bộ phận của Liên minh châu Âu là vấn đề vô cùng quan trọng đối với nước này. Họ đã ký một hiệp ước liên kết từ năm 1963, nộp đơn xin gia nhập vào năm 1987 và chính thức bước vào đàm phán từ năm 1999.
Tuy nhiên, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi đặt viên gạch đầu tiên trên con đường trở thành thành viên Liên minh châu Âu, triển vọng này vẫn còn rất xa vời, khi quan hệ giữa hai bên ngày càng thêm căng thẳng, châu Âu luôn cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ còn xa mới đạt được các tiêu chuẩn “Tự do, Dân chủ” của EU.
Trong khi đó, Hiệp định FTA giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể được ký kết vào cuối năm nay, tạo tiền đề cho sự hợp tác chặt chẽ và một thỏa thuận có tính chất tương tự giữa Ankara và các nước trong Cộng đồng kinh tế Á-Âu (EAEC) do Moscow lãnh đạo.
Ankara đã từng tuyên bố, họ phải được gia nhập EU chậm nhất là vào năm 2023, mốc kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ. Đó sẽ là một thành tựu cực kỳ lớn lao với nước này và sẽ “không thể chấp nhận được” đối với Thổ Nhĩ Kỳ nếu điều này không xảy ra.
Đây có thể coi là tối hậu thư cuối cùng của Ankara. Từ đây đến mốc thời gian đó chỉ còn 7 năm, tức là việc thống nhất về ý chí phải đạt được vào khoảng năm 2020. Nếu đến thời điểm đó mà việc đàm phán với EU vẫn không có tiến triển, có thể tin rằng, EAEC sẽ có thêm thành viên mới vào năm 2023.
Theo Thiên Nam
Đất Việt