"Mưa máu" mang theo sự sống từ ngoài trái đất
(Dân trí) - Khi hiện tượng lạ xảy ra ở một khu vực rộng lớn thuộc Miền Nam Ấn Độ - một trận mưa màu đỏ như máu bất ngờ chút xuống toàn vùng - người ta vẫn tin rằng đó là do bụi sa mạc. Nhưng có một nhà khoa học không tin vào điều đó...
Tháng 7-2001, một hiện tượng lạ đã xảy ra ở một khu vực rộng lớn thuộc Miền Nam Ấn Độ. Một trận mưa màu đỏ như máu bất ngờ chút xuống toàn vùng. Ngay lập tức người ta cho rằng đây là kết quả của bụi sa mạc Ả rập thổi đến. Nhưng nhà khoa học, Tiến sĩ Godfrey Louis, nhà vật lý học thuộc trường đại học Mahatma Gandhi vẫn không chấp nhận cách lý giải đơn giản đó và đã quyết tâm tìm hiểu.
Qua nghiên cứu, Louis cho biết hạt nước mưa màu đỏ có cấu trúc rất kỳ lạ. Thành dày, màu đỏ giống như tế bào, kích thước khoảng 10 micro và đặc biệt nó không chứa ADN, thành phần chủ yếu của mọi dạng sống trên trái đất. Ngoài ra, mưa đỏ còn có thể được tái tạo ở nhiệt độ 300 độ C, một thuộc tính của vi sinh vật ngoài không gian, có thể chịu được nhiệt độ cực cao. Từ đó ông phỏng đoán đây là các dạng sống ngoài hành tinh.
Ông lập luận, rất có thể các phần tử nước này là vi khuẩn ngoài trái đất. Loài vi khuẩn này thích ứng cao với các điều kiện khắc nghiệt trong không gian. Các vi khuẩn này bám vào sao chổi, hay các thiên thạch sau đó vỡ ra trong khí quyển trên cao, hòa vào các đám mây và gây ra hiện tượng mưa màu đỏ kỳ lạ đó.
Nếu lý thuyết của Louis là đúng thì các tế bào này sẽ là bằng chứng đầu tiên về sự sống ngoài hành tinh và từ đó có thể là bằng chứng mới về nguồn gốc sự sống trên trái đất.
Kết luận của Louis đã được nhà thiên văn học Anh, gốc Sri Lanka, ông Chandra Wickramasinghe thuộc trường đại học Cardiff, xứ Wales thực sự quan tâm. Trước đó ông này đã đưa ra giả thiết sự sống trên trái đất có nguồn gốc từ hành tinh khác. Ông nói: "Nếu sự sống được sao chổi đưa vào trái đất cách đây 4 tỷ năm thì có thể khẳng định các vi sinh vật vẫn tiếp tục thâm nhập vào môi trường chúng ta. Mưa màu đỏ chính là ví dụ rõ nhất".
Hiện nay 2 nhà bác học vẫn đang tiếp tục hợp tác cùng nghiên cứu lý thuyết này nhằm đi đến khẳng định chắc chắn về sự sống đến từ không gian bên ngoài trái đất.
HH
Theo Sience.gouv.fr