Một tháng 5 nước đòi sáp nhập, Nga có thêm nhiều Kaliningrad?
Sau Cộng hòa Pridnestrovie (tách ra từ Moldova), Nam Ossetia-Abkhazia (ly khai khỏi Gruzia), đến lượt 2 tỉnh Donbass của Ukraine là Donetsk và Lugansk cũng đòi sáp nhập Nga.
Pridnestrovie tuyên bố trước sau cũng trở về Nga
Ngày 10-5, Tổng thống nước Cộng hòa Pridnestrovie Moldavi (một nước Cộng hòa ly khai tự xưng tách ra từ thành phần của Moldova-PMR) là ông Evgeny Shevchuk tuyên bố rằng sớm hay muộn nước Cộng hòa cũng sẽ trở lại vào thành phần một quốc gia duy nhất là Nga.
Pridnestrovie (hay còn gọi là Transnistria) là quốc gia độc lập tự xưng, tách ra từ Moldova vào những năm 1990 của thế kỷ trước và đòi sáp nhập vào Nga. Lãnh thổ của nước cộng hòa ly khai này là dải đất hẹp chạy dài, giáp Moldova và vùng Odessa của Ukraine.
Về thành phần dân tộc, sinh sống ở Pridnestrovie phần lớn là cư dân Nga, Moldova và Ukraine. Do đó, ở đây chủ yếu là người nói tiếng Nga và mang đậm bản sắc văn hóa Nga.
Do Nga có sự hiện diện quân sự (lực lượng gìn giữ hòa bình) tại nước cộng hòa nằm bên sườn phía tây nam Ukraine này, nên Tòa án Nhân quyền châu Âu xem Pridnestrovia "nằm dưới quyền lực trên thực tế hoặc ít nhất là chịu ảnh hưởng mang tính quyết định từ Moscow".
Ngày 9-5 vừa qua, Pridnestrovie cũng tổ chức lễ diễu binh kỷ niệm 71 năm Ngày chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại với sự tham gia của nhóm quân nhân gìn giữ hòa bình Nga. Trong buổi lễ diễu binh, ông Shevchuk đã bày tỏ nguyện vọng sáp nhập vào lãnh thổ của Nga.
"Trong những ngày chiến tranh (ý nói chiến tranh chống phát xít Đức của nhân dân Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới thứ 2), tất cả chúng ta đều thống nhất, bất kể là dân tộc nào, để bảo vệ quê hương chung của mình. Điều đó gắn kết tất cả chúng ta” - nhà lãnh đạo Pridnestrovie nói.
Tuyên bố trước đông đảo nhân dân trong nước và các quân nhân Nga trong cuộc diễu binh, được tổ chức tại thủ phủ Tiraspol, ông Evgeny Shevchuk khẳng định rằng: “Tôi tin rằng sớm hay muộn, mà sớm thì càng tốt, chúng ta sẽ sống trong một quốc gia thống nhất…".
Nam Ossetia và Abkhazia sẽ sáp nhập Nga năm 2017?
Vừa qua, giới chức lãnh đạo nước Cộng hòa Nam Ossetia (đòi ly khai khỏi Gruzia, cùng với Abkhazia) đã tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2017, để lấy ý kiến toàn dân về vấn đề sáp nhập vùng lãnh thổ ly khai này với Liên bang Nga.
Văn bản chính thức đã được Tổng thống Leonid Tibilov và Chủ tịch Quốc hội Anatoly Bibilov ký vào ngày 26/5, trong đó quyết định cuộc trưng cầu ý kiến sẽ được tổ chức sau cuộc bầu cử tổng thống Nam Ossetia.
Văn bản cho biết, quyết định này của Hội đồng chính trị dưới quyền Tổng thống nước Cộng hoà Nam Ossetia xuất phát từ những lợi ích lâu dài của nhân dân nước này và nỗ lực đảm bảo sự ổn định tình hình chính trị-xã hội tại nước này, trong thời kỳ mới.
Hơn 50.000 công dân Nam Osetia sẽ được hỏi về việc sửa đổi Điều 10 của Hiến pháp nước Cộng hoà, theo hướng nước này sẽ có quyền tham gia liên minh với các quốc gia khác và chuyển giao cho các cơ quan lãnh đạo của liên minh đó một phần quyền hạn của mình.
Họ sẽ được yêu cầu chấp thuận bổ sung vào Hiến pháp một điều, trong đó quy định Tổng thống nước này (sau khi được quốc hội thông qua) sẽ có quyền đề nghị và ký kết thỏa thuận với giới chức lãnh đạo Moscow các Hiệp định có liên quan đến việc sáp nhập Cộng hoà Nam Ossetia vào Liên bang Nga.
Được biết, Nam Ossetia và Abkhazia là 2 vực đòi độc lập, tách ra từ Gruzia. Họ cũng là nguyên nhân gây ra “Cuộc chiến tranh 5 ngày” giữa Nga với Gruzia vào ngày 8/8/2008, dẫn tới việc Nga công nhận nền độc lập của 2 quốc gia ly khai này.
Sau đó, Moscow đã ký “Hiệp định hợp tác quân sự và kinh tế” với Abkhazia vào ngày 25/11/2014 và ký “Hiệp ước Liên minh và Hội nhập” với Nam Ossetia vào ngày 6/3/2015. Do đó, nếu Nam Ossetia đã đòi sáp nhập vào Nga thì tất yếu Abkhazia cũng sẽ làm như vậy.
Donbass tuyên bố nhiều vùng ở Ukraine muốn sáp nhập vào Nga
Ngày 31-5, trong một cuộc phỏng vấn với “Lenta.ru”, một quan chức lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng vừa phát biểu chính thức về khả năng sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga của họ và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng.
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) là ông Denis Pushilin đã phát biểu rằng, trong thời gian sắp tới, không chỉ 2 nước cộng hòa ly khai này mà có thể còn nhiều vùng của Ukraine sẽ đòi sáp nhập với Liên bang Nga.
Vị Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng cho rằng, trước hết là người dân ở Zaporozhye và Kharkov sẽ loại bỏ ý tưởng chủ nghĩa dân tộc điên cuồng để lựa chọn sự an toàn và phúc lợi cho người dân, các tỉnh này của Ukraine sẽ đòi sáp nhập với Nga.
Theo ông, nếu Kiev càng chần chừ trong việc tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận Minsk 2 được ký kết vào hồi tháng 2-2015, sẽ càng thôi thúc các vùng của Ukraine đòi độc lập, thỏa thuận này đổ vỡ sẽ càng củng cố ý tưởng đòi sáp nhập vào Nga của họ.
Được biết, ngay từ khi cuộc nội chiến ở miền Đông Ukraine bắt đầu nổ ra, 2 tỉnh Donbass là Lugansk và Donetsk đã tuyên bố phản đối chính quyền trung ương ở Kiev, đòi tách ra khỏi Ukraine, đồng thời đề nghị Tổng thống Putin và Quốc hội nước này cho phép sáp nhập vào Nga.
Tuy nhiên, khi đó ông Putin đã trả lời rằng đây là một việc quan trọng và nó chỉ có thể được quyết định bởi nhân dân. Sau đó, hai nước cộng hòa ly khai này không nhắc lại đề nghị đó, nhưng hiện nay họ lại tiếp tục tái khẳng định tư tưởng muốn sáp nhập vào Nga.
Con bài ly khai: Vũ khí giấu mặt nguy hiểm của Nga
Trước đây, Pridnestrovia cùng với 3 quốc gia không được công nhận khác là Abkhazia và Nam Ossetia; Nagorno-Karabakh (một vùng đất trước đây thuộc Azerbaijan), duy trì quan hệ hữu nghị với nhau và hình thành Cộng đồng vì Dân chủ và Quyền của các Dân tộc.
Hiện nay, sau cuộc chính biến lật đổ chính quyền của ông Viktor Yanukovych, dẫn đến cuộc nội chiến Ukraine nổ ra ở miền đông nước này, nhóm quốc gia ly khai đòi sáp nhập vào Nga có thêm Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) thuộc vùng Donbass.
Nga có ảnh hưởng rất lớn đến nhóm nước ly khai trên. Ngoài vai trò không được Moscow thừa nhận ở miền Đông Ukraine, Nga đã chi phối các vùng khác về kinh tế-xã hội, cũng như chính sách đối ngoại và quốc phòng, trong khi duy trì quyền tự chủ tương đối của họ.
Moscow đã “giương ô bảo hộ” cho các vùng lãnh thổ ly khai này bằng các Hiệp định Liên minh. Trong đó, ngoài các vấn đề về kinh tế, điểm quan trọng nhất của các Hiệp định này là việc hợp nhất các lực lượng an ninh và quân đội 2 nước dưới quyền chỉ huy của Moscow.
Điều này đồng nghĩa với việc tuy không sáp nhập các khu vực ly khai trên vào lãnh thổ của mình nhưng trên thực tế, Moscow đã biến 2 nước cộng hòa ly khai này đã trở thành một thực thể thuộc Nga và duy trì “ô bảo hộ” toàn diện với họ, để làm con bài mặc cả với phương Tây.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ và EU tiếp tục tăng cường các lệnh cấm vận Nga, bên cạnh đó tăng cường vây ép các nước cộng hòa ly khai này bằng cách đưa quân vào Gruzia, Moldova, Ukraine với cái cớ tập trận, Moscow hiểu rằng Washington sẽ không chừa cho mình lối thoát nào.
Không ai tin rằng việc các nước cộng hòa ly khai này đồng loạt lên tiếng đòi sáp nhập vào Nga trong cùng 1 tháng điều trùng hợp ngẫu nhiên. Đây là đòn cảnh cáo cuối cùng, nếu Mỹ-NATO không dừng vòng vây, Moscow hoàn toàn có thể sẽ sáp nhập các vùng này vào lãnh thổ của mình.
Khi đó, Nga sẽ có nhiều Kaliningrad (vùng lãnh thổ hải ngoại duy nhất nằm ven bờ biển Baltic, lọt thỏm giữa các quốc gia NATO) để “chêm” những “cái dằm” khó chịu vào giữa vòng vây của Mỹ và đồng minh, nhằm sẵn sàng phá vỡ chúng lúc cần thiết.
Theo Thiên Nam
Đất Việt