1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Một sáng trở về Việt Nam của hai cựu binh Úc

(Dân trí) - Không phải là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai cựu binh người Úc Derill de Heer và Bob Hall với các thân nhân liệt sỹ Việt Nam, nhưng cuộc gặp vào sáng ngày 28/7 tại huyện Yên Dũng, Bắc Giang có những trăn trở, khắc khoải xen lẫn hạnh phúc nghẹn ngào riêng.


Bob Hall (phải) và Derill de Heer tại Yên Dũng, Bắc Giang, sáng 28/7

Bob Hall (phải) và Derill de Heer tại Yên Dũng, Bắc Giang, sáng 28/7
.

 

Những cựu binh Úc gắn bó với Việt Nam

 

Với độc giả Dân trí, cái tên cựu binh Úc Derill de Heer và Bob Hall có lẽ không còn xa lạ. Derill de Heer, năm nay đã vào cái tuổi thất thập, chính là người đã cùng với cựu binh Úc khác Laurens Wildeboer, mang cuốn sổ có bài thơ “Lá thư Xuân” của người lính họ Phan đầy xúc động trao trả cho Việt Nam vào tháng 4 năm ngoái. Ông cùng tiến sỹ Bob Hall là những người sáng lập và làm việc không biết mệt mỏi với Dự án Những linh hồn phiêu bạt, thuộc Trung  tâm Nghiên cứu Xung đột vũ trang và Xã hội của Úc, Đại học New South Wales, chi nhánh tại Canberra. Suốt nhiều năm qua, hai ông và 2 thành viên khác của nhóm đã nghiên cứu các chiến dịch của Úc từ năm 1966 đến 1971 tại Phước Tuy (nay thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) và Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Đồng Nai) và chuyển cho chính phủ Việt Nam và một số nhóm cựu chiến binh nhiều thông tin đánh dấu vị trí những địa điểm binh sỹ Úc và New Zealand đã chôn cất bộ đội Việt Nam.

 

Dự án Những linh hồn Phiêu bạt cũng kêu gọi các cựu binh Úc và New Zealand trao trả những kỷ vật chiến tranh mà họ còn lưu giữ suốt gần 40 qua. Thành quả của họ được thấy trong lần trao trả cuốn sổ thơ “Lá thư xuân” của người lính họ Phan cùng một cuốn sơ yếu lý lịch và một chiếc khăn quàng cổ vào những ngày đầu tháng 4 năm ngoái.

 

Trong chuyến trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8 lần này, kết hợp với Trung tâm quản lý dữ liệu liệt sỹ và người có công (MARIN) tại Hà Nội cùng các cơ quan liên quan khác, họ dự định trao trả toàn bộ trên 150 di vật của các liệt sỹ Việt Nam các binh sỹ Úc và New Zealand lưu giữ trong cuộc chiến tranh Việt Nam từ 1966-1971. Trong số này có 90 lá thư, 19 bức phác họa màu, một số bức họa bằng than chì, một chiếc nhẫn, giấy khen cùng các kỷ vật khác. Qua sự phối hợp với trung tâm MARIN, họ đã tìm thấy tổng cộng 10 thân nhân của các kỷ vật để trao trả trong dịp này. Và đáng lưu ý là bức ảnh người mẹ Phan Thị Diễn, thông qua bài viết của báo Dân trí, chúng tôi đã giúp các ông tìm lại được con trai của người mẹ trong ảnh.

 

Về cá nhân, kể từ sau khi kết thúc chiến tranh, Derill đã trở lại Việt Nam tổng cộng 11 lần, đã chứng kiến Việt Nam thay đổi nhiều qua từng giai đoạn. Ông kể vui với tôi, giờ đây đường sá Việt Nam đã phát triển hơn nhiều, không như dạo đầu ông đến, mỗi lần trên đường là mỗi lần ông được “khiêu vũ” mệt nghỉ. Còn với Bob số lần trở lại Việt Nam khiêm tốn cũng đã là con số 4.

 

Với người viết, Bob và Derill là hai cái tên đã quá quen thuộc từ bài viết “Cựu binh Úc và 40 năm dằn vặt vì lưu giữ bài thơ của người lính Việt” vào năm ngoái. Dù đây là lần gặp gỡ trực tiếp đầu tiên, nhưng tôi có cảm giác như mình được gặp lại người quen đi xa trở về. Bob và Derill cũng liên tục cảm ơn tôi và báo Dân trí về những bài viết về các ông cũng như dự án Những linh hồn phiêu bạt, đặc biệt là bài viết đã giúp tìm ra con trai của người mẹ Phan Thị Diễn mà các ông cất công tìm kiếm bấy lâu nhưng không thành.

 

Cuộc gặp xúc động

 

Trên đường tới Bắc Giang, Bob và Derill tỏ ra thích thú với cánh đồng lúa đang thời con gái xanh rì hai bên đường, được chia thành những thuổng nhỏ xinh. Bob kể ở Úc lúa được trồng trên những cánh đồng rộng lớn, do một công ty cai quản, chứ không chia thửa cho từng hộ nông dân như ở Việt Nam. Và gạo thu được chủ yếu là nhằm xuất khẩu, “cạnh tranh” với vị trí số 1 của Việt Nam - như cách đùa của Derill.

Mới đáp máy bay xuống Hà Nội vào chiều hôm trước, và chỉ ngủ được khoảng 2 tiếng trong đêm, 5h sáng ngày 28/7 Bob và Derill bồn chồn xen lẫn háo hức chuẩn bị khởi hành tới huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, như thể trước đây các ông chưa bao giờ có cuộc hẹn gặp tương tự.
 
Trên đường đi, Bob cũng tranh thủ giới thiệu với chúng tôi những tài liệu các ông đã dày công chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ sắp tới cũng như chuyến trao trả kỷ vật lần này. Các ông đã cẩn thận in các lá thư và các kỷ vật thu thập được thành hai cuốn sách màu, một cuốn là những lá thư và kỷ vật ở Phước Tuy và một cuốn ở Bình Định. Mỗi cuốn sách này đều kèm theo đĩa CD.  
 

Chúng tôi tới Ủy ban nhân dân huyện Yên Dũng, Bắc Giang mới hơn 7h sáng, nhưng khi bước vào hội trường của Ủy ban rất đông bà con là thân nhân liệt sỹ đã có mặt. Họ tới với mong muốn được lục tìm, chia sẻ những kỷ niệm về người thân, muốn biết người thân của mình đã ngã xuống như thế nào, ở đâu và liệu có thể đưa được hài cốt trở về hay không. Hay liệu trong số những kỷ vật mà Bob và Derill mang trao trả, có cơ may nào có một kỷ vật là của người thân đã mãi mãi ra đi của họ hay không.

 
Bob và Derill chuẩn bị phông giới thiệu cho chuyến trao trả kỷ vật của mình.
Bob và Derill chuẩn bị phông giới thiệu cho chuyến trao trả kỷ vật của mình.
 
Bob và Derill nhanh chóng mở hai túi “đồ nghề” của mình, cặm cụi lắp ráp giá đỡ cho những tấm phông về chương trình Những lĩnh hồn phiêu bạt và các kỷ vật trao trả cho Việt Nam trên khán đài hội trường. Nhìn các ông, khó có ai nghĩ họ đã từng tham chiến ở Việt Nam, đã từng là những người ở bên kia chiến tuyến.

 

Trên bức phông, hai ông đã chọn được những hình ảnh, chi tiết đắt giá về các kỷ vật mang theo lần này. Đó là những dòng thơ đề Nguyễn Du mà một người lính đã chép vội giữa những phút nghỉ hành quân, hình ảnh người lính tay cầm vũ khí vững vàng giữa chiến trường khói lửa, hay một nhóm bộ đội bền bỉ hành quân trong mưa, rồi hình ảnh hiền hậu của một người mẹ Việt Nam. Ở một bức phông hình khác là bức chân dung bà mẹ Phan Thị Diễn được phóng to mà báo Dân Trí đã giúp tìm lại được con trai của bà và hình ảnh một binh sỹ quân y cho đến nay vẫn chưa rõ tên tuổi, thân nhân.

 

Phát biểu trước hội trường chật kín các thân nhân liệt sỹ, Bob xúc động nói lời cảm ơn những người bạn Việt Nam đã giúp cho ông được gặp gỡ các thân nhân liệt sỹ. Bản thân ông cũng không nghĩ rằng, mấy chục năm sau khi tham chiến ở Việt Nam, ông lại được đón tiếp trong tình hữu nghị chân thành như vậy. Chính vì vậy mà ông càng thấy việc làm của ông cho dự án Những linh hồn phiêu bạt ý nghĩa hơn, những việc làm xuất phát từ nhân tình và từ cả sự tôn trọng. Ông nói, nước Úc cũng có mất mát, nên ông thấu hiếu những mất mát của Việt Nam, của những người mẹ mất con, của người vợ mất chồng, của người con mất cha, cháu mất chú, anh mất em…

 
Khoảnh khắc xúc động của Bob tại cuộc gặp với các thân nhân liệt sỹ.
Khoảnh khắc xúc động của Bob tại cuộc gặp với các thân nhân liệt sỹ.
 
Rồi bất chợt, một cụ bà chừng ngoài 70 đứng lên, giọng nghẹn ngào kể hai người thân của bà đã hy sinh gần 40 năm nay, nhưng đến giờ bà vẫn không biết họ đã hi sinh như thế nào, hài cốt nằm lại nơi đâu. Bấy nhiêu năm tháng là bấy nhiêu canh cánh trong lòng bà. Không kìm được nước mắt, bà hỏi: Giờ tôi phải tìm họ ở đâu? Cả hội trường lặng đi trước câu hỏi khó có thể trả lời và có lẽ sẽ không bao giờ trả lời được. Đó chỉ là một sự thật rất nhỏ nhưng cũng rất đắng của chiến tranh.
 
 
Khoảnh khắc xúc động của Bob tại cuộc gặp với các thân nhân liệt sỹ.
Cụ bà nghẹn ngào kể về người thân hi sinh trong chiến tranh nhưng không tìm thấy hài cốt suốt mấy chục năm qua.
 
Với Derill, ông chọn cách lặng lẽ hơn của một người đã “từng trải” ở Việt Nam hơn Bob và trong tư thế của một người trở lại Việt Nam lần cuối do tuổi đã cao và sắp về hưu. Ông không ngồi trong hàng ghế đầu dành cho khách trong hội trường, mà một mình tìm lối lên vài hàng ghế được xếp trên tầng hai, lặng lẽ quan sát và thỉnh thoảng chĩa chiếc máy ảnh cá nhân xuống dưới bấm. Rồi khi buổi gặp gỡ chính thức kết thúc, ông vẫy tay gọi nhờ tôi phiên dịch, khi tiến đến nắm chặt tay một bà cụ, cám ơn bà đã đến dự buổi gặp gỡ và hỏi bà là thân nhân như thế nào với liệt sỹ. Khóe mắt ông rưng rưng khi được biết bà có chồng là liệt sỹ và chồng bà hy sinh ở chiến trường miền nam khi mới 25 tuổi, để lại cho bà 2 cô con gái thơ dại. Nhưng giờ đây, bà chỉ còn lại một, bởi một cô con gái của bà cũng không còn.
 
 
Derill lặng lẽ ngồi một mình trên tầng 2 của hội trường.
Derill lặng lẽ ngồi một mình trên tầng 2 của hội trường.
 

Rồi ông lại hỏi trong thời gian chiến tranh chồng bà có viết cho bà lá thư nào hay không, có thể là ông mong được lục tìm trong số lá thư ông mang trao trả Việt Nam một lá thư của chồng bà, để bù đắp cho những mất mát mà bà phải gánh chịu. Nhưng khóe mắt ông rưng rưng hơn, khi bà cụ nói chồng bà có viết vài bức thư và mỗi lần mở ra đọc lại bà đều khóc. Sau, không muốn mình khóc nhiều nữa, bà đã đem đốt chúng.

 

Giờ đây, mấy chục năm đã trôi qua, có lẽ bà đã tĩnh tâm hơn. Bà cười với Derill, nắm lại tay ông thật chặt, nói cảm ơn ông và chúc sức khỏe ông. Derill bất chợt đáp lại bằng những từ tiếng Việt khó nhọc nhưng chân thành “cám ơn bà” và “chúc sức khỏe”.

 

Buổi gặp gỡ của Bob và Derill dường như tròn trịa hơn khi kết thúc bằng cái bắt tay và chén rượu uống cùng với một người lính cụ Hồ, người nhỏ nhắn và tóc giờ đã bạc trắng, từng chiến đấu ở Biên Hòa. Ông nói với Bob và Derill, “tôi với ông từng là kẻ thù, nhưng nay là bạn và hi vọng sẽ là bạn mãi mãi.” Đương nhiên, Bob và Derill không thể không tán thành lời đề nghị tuyệt vời này.

 

Cùng với buổi gặp gỡ của hai cựu binh Bob Hall và Derill de Heer, Trung tâm MARIN sáng ngày 28/7 đã phối hợp tổ chức tư vấn và hỗ trợ thông tin cho khoảng 300 thân nhân liệt sỹ ở 6 xã tại huyện Yên Dũng, Bắc Giang, để giúp cho các thân nhân có thể biết được hoàn cảnh, vị trí thân nhân mình đã hi sinh, từ đó có thể tìm được hài cốt của họ.

Vũ Quý