1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Một năm nhìn lại cuộc biểu tình Maidan

Ngày này một năm về trước, khi được một người bạn rủ cùng đến tham gia cuộc biểu tình tại Quảng trường Độc lập (Maidan trong tiếng Ukraine) ở thủ đô Kiev, ông Ignor Romanenko không ngờ rằng sẽ chứng kiến sự ra đời của một phong trào làm thay đổi cả đất nước Ukraine vĩnh viễn.

Một năm nhìn lại cuộc biểu tình Maidan
Người Ukraine tham gia một cuộc tuần hành ủng hộ Liên minh châu Âu tại trung tâm Kiev, ngày 27/11/2013 (ảnh: AFP)

Một năm trước, vị đạo diễn phim có mái tóc vàng đang ở trong tâm trạng giận dữ và thất vọng sau khi nghe được thông tin Tổng thống Viktor Yanukvych đã quay lưng lại với một thỏa thuận liên kết quan trọng với Liên minh châu Âu (EU) vì những mối quan hệ gần gũi với nước Nga láng giềng.

Như vài trăm người khác cũng tụ tập vào buổi tối hôm 21/11 năm đó, ông hy vọng rằng chính phủ sẽ thay đổi quyết định về thỏa thuận liên kết với EU. Nhưng những gì xảy ra sau đó là điều mà ông chưa từng nghĩ tới. Theo ông Igor Romanenko, một năm trước, “nếu có ai đó nói với tôi rằng trong khoảng 4 tháng nữa thôi, Tổng thống Yanukovych sẽ không còn ở đất nước này, tôi sẽ chẳng thể tin được”.

Trong những tháng tiếp theo kể từ buổi tối hôm đó trên Quảng trường Độc lập, đất nước Ukraine đã trải qua một chuỗi những biến cố lịch sử với cuộc chiến tranh đang diễn ra dai dẳng và đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.100 người ở miền đông quốc gia này. Sau đêm biểu tình đầu tiên, số người tham gia nhanh chóng tăng lên hàng chục ngàn người. Cách giải tán đám đông thô bạo của cảnh sát Ukraine với dùi cui và khí ga đã gây phản tác dụng. Dòng người biểu tình mỗi lúc một đông thêm, và họ bắt đầu dựng lán trại để phục vụ cho cuộc đấu tranh của mình.

Tiếp sau đó, người biểu tình yêu cầu phải có một sự thay đổi toàn diện trên đất nước Ukraine và có vẻ như họ đã đạt được điều mình mong muốn. Tổng thống Yanukovych đã sang Nga hồi tháng 2 năm nay, sau khi chính phủ không thể chấm dứt việc người dân Ukraine đổ ra các con phố hò hét và la ó. Tuy nhiên, sự ra đi của Tổng thống Yanukovych đã không thể mang lại một cái kết. Ngược lại, đó chỉ là sự khởi đầu của thêm nhiều rối ren tiếp diễn.

Tháng 3/2014, bán đảo Crimea (Crưm) được sáp nhập vào Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý gây nhiều tranh cãi. Tiếp đó, vào tháng 4, Kiev tổ chức các cuộc tấn công quân sự nhằm vào những phần tử nổi loạn đã chiếm giữ một dải các thị trấn, thành phố ở miền đông Ukraine. Các cuộc giao tranh giữa hai phía đã biến thành một cuộc chiến tranh đẫm máu.
 
Một năm nhìn lại cuộc biểu tình Maidan
Người dân mang theo cờ Nga ngắm pháo hoa ăn mừng kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu dân ý tại thủ phủ Simferopol ngày 16/3/2014

Và giờ đây, vượt ra ngoài biên giới Ukraine, Nga và phương Tây đang có những bất đồng về cuộc khủng hoảng đã làm vang lên nhiều cảnh báo về một cuộc Chiến tranh lạnh mới có nguy cơ làm đóng băng các mối quan hệ trong nhiều năm tới.

Một năm đã trôi qua, những người có liên quan trong cuộc biểu tình đầu tiên trên Quảng trường Độc lập cho biết họ không hối hận với những gì đã làm, đồng thời cho rằng người biểu tình không phải là nguyên nhân tạo ra những cuộc hỗn loạn sau này của Ukraine. “Nếu được, tôi sẽ vẫn tham gia vào cuộc biểu tình hôm đó. Giống như câu nói rằng vụ ám sát Thái tử Franz Ferdinand đã dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ nhất, việc nói rằng cuộc biểu tình ở Quảng trường Độc lập là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh là không chính xác”, ông Romanenko nói.

Trên Quảng trường Độc lập, vết tích của những lều trại do người biểu tình dựng nên đã biến mất trong mùa hè vừa qua. Ở đó giờ đây là những tấm áp phích kêu gọi ủng hộ cho quân đội Ukraine trong cuộc chiến chống lực lượng đòi ly khai ở miền đông, cũng như hình ảnh của những người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình trước đó.

Nhìn quanh khu quảng trường trống vắng, cô Liza Tatarinova, một nhà sản xuất chương trình truyền hình 34 tuổi, khẽ lắc đầu trước những kí ức về tất cả những chuyện đã xảy ra kể từ ngày cô đứng nhấp ngụm trà và đuổi theo những người bạn trong cuộc biểu tình như vừa rất xa nhưng cũng thấy thật gần.

“Một mặt, có cảm giác như cả đời người đã trôi qua, nhưng mặt khác, cuộc sống giờ đây quá khắc nghiệt đến nỗi thật khó có thể hình dung được một năm đã trôi qua rồi. Tất cả những sự kiện này, tất cả những nỗi buồn và niềm vui này… Chuyện như mới chỉ ngày hôm qua”, cô nói.

Trong tháng này, Tổng thống Petro Poroshenko đã gọi ngày 21/11 là ngày Nhân phẩm và Tự do. Một chuỗi các sự kiện kỷ niệm đã được lên kế hoạch để diễn ra trong ngày hôm nay. Và dù giờ đây, khi các nhà lãnh đạo thân phương Tây của Ukraine cuối cùng cũng đã đặt bút kí vào thỏa thuận với EU, các nhà hoạt động cho rằng chiến tranh đã chặn bước tiến của cuộc đại trùng tu hệ thống cũng như việc đấu tranh chống tệ tham nhũng như mong muốn của những người biểu tình một năm về trước.

Theo cô Tatarinova, hệ thống bị thay đổi đã mục nát song nền kinh tế Ukraine đang ngày càng trở nên tệ hơn. “Cuộc biểu tình ở Quảng trường Độc lập vẫn chưa kết thúc. Chúng tôi vẫn còn đang tiếp tục câu chuyện này”, Mustafa Nayem, một nhà làm luật nói.

Theo Anh Tiếu/ASI/AFP