1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Một ảo tưởng mang tên châu Âu

Thời điểm hiện tại dường như không thích hợp để EU chào đón một Ukraine bất ổn, kiệt quệ và có thể mất lãnh thổ, trong khi bản thân EU cũng thiếu đoàn kết, nghèo đi vì khủng hoảng.

Một ảo tưởng mang tên châu Âu

Người biểu tình ủng hộ Nga tuần hành gần tượng Lenin ở Simferopol, thủ phủ Crimea ngày 1/3. Ảnh: AFP/TTXVN
 
Nhật báo lớn thứ ba của Italy "La Stampa" mới đây đăng bài viết của cây bút bình luận chính trị Roberto Toscano nhận định: Sau những diễn biến nhanh chóng đang xảy ra ở bán đảo Crimea thuộc Ukraine, gần đây nhất là việc quân đội Nga đã xuất hiện ở bán đảo này và nguy cơ chia rẽ Ukraine càng tăng lên, giờ là lúc những người đã phế truất Tổng thống Viktor Yanukovych để lập một chính phủ lâm thời ở Kiev phải hành động để đối phó với mọi nguy cơ xấu nhất có thể xảy ra.
 
Ông Toscano đặt ra nhiều câu hỏi: Làm thế nào để chuyển quyền lực từ quảng trường Độc lập sang một cơ chế quyền lực bình thường của nhà nước? Làm thế nào để bình thường hóa đất nước dựa trên những nhân vật chính trị như bà Yulia Tymoschenko, người vừa ra khỏi tù sau nhiều năm bị ông Yanukovych trừng phạt nhưng lại thuộc về một hệ thống cũ mà chính những người tham gia đấu tranh ở quảng trường Độc lập không thể chấp nhận được? Làm thế nào để kiểm soát những kẻ quá khích, trong đó có những phần tử dân tộc - xã hội cực đoan? Làm thế nào để vực dậy một đất nước đang đứng bên bờ vực sụp đổ về kinh tế?.

Theo nhà bình luận Toscano, vấn đề chính mà Ukraine đang phải đối mặt là nguy cơ xung đột vũ trang có khả năng làm chia rẽ đất nước. Từ chỗ người ta mới chỉ nhắc đến sự chia rẽ giữa một bên là khu vực miền tây muốn hội nhập với châu Âu và một bên là khu vực miền đông nói tiếng Nga và hướng về nước Nga, giờ đây, vấn đề nghiêm trọng là nguy cơ chính phủ mới ở Kiev sẽ mất vùng Crimea. Bán đảo Crimea, năm 1954 được chuyển giao từ Nga sang Ukraine, lúc đó là một nước cộng hòa thuộc Liên Xô. Về mặt dân số và ngôn ngữ cũng như ảnh hưởng, đa phần người dân ở đây vẫn coi mình là người Nga. Và bây giờ, sau những sự kiện ở Kiev, họ lo sợ những kẻ theo chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi của Ukraine sẽ tàn phá cuộc sống của họ, lôi họ ra khỏi vòng tay của nước mẹ Nga.

Chính phủ các nước châu Âu và Mỹ đã đe dọa rằng mọi hành động quân sự của Nga ở Crimea sẽ chỉ làm cho tình hình trở nên căng thẳng, rằng chiến tranh có thể nổ ra và Nga sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Nhưng Nga đã phớt lờ tất cả: Quân đội của họ đã có mặt ở Crimea. Hạm đội Biển Đen của họ đã đi tuần trên vùng biển thuộc lãnh hải Ukraine.

Điều gì ẩn phía sau những hành động chuyển quân ấy? Đó là một lời cảnh báo đối với chính phủ lâm thời Ukraine: Không được sử dụng vũ lực chống lại người nói tiếng Nga ở Crimea hay bất cứ đâu trên đất Ukraine, không ai được phép nghi ngờ tính hợp pháp của Hạm đội Nga tại Crimea và tất cả đều phải nhớ rằng mùa hè năm 2008, chỉ một tuần sau khi bị Gruzia khiêu khích, quân đội Nga đã đánh bại họ, sáp nhập hai vùng lãnh thổ tự trị thuộc Gruzia là Nam Ossetia và Abkhazia vào phần lãnh thổ rộng mênh mông do Nga kiểm soát.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phải đặt cược rất nhiều vào cuộc chơi ở Ukraine. Những diễn biến nhanh chóng của cuộc khủng

Thời điểm hiện tại dường như không thích hợp để EU chào đón một Ukraine bất ổn, kiệt quệ và có thể mất lãnh thổ, trong khi bản thân EU cũng thiếu đoàn kết, nghèo đi vì khủng hoảng.

hoảng đã đặt ra những câu hỏi như: Liệu sự can thiệp quân sự của Nga vào Crimea có đạt được hiệu quả như Nga kì vọng? Hành động này sẽ cho thế giới thấy vai trò quan trọng của Nga trong ổn định khu vực này hay sẽ đẩy Ukraine tiến sâu hơn vào quỹ đạo của EU và NATO - điều mà Tổng thống Nga không hề mong đợi?

Nga đã hơn một lần lên tiếng cảnh báo khả năng cắt khoản cho vay trị giá 15 tỉ USD mà họ dành cho Ukraine, nhưng chưa hề đề cập đến một thứ vũ khí mạnh mẽ mà họ đang có thể "chơi" với cả châu Âu và Ukraine, đó là khí đốt. Sự xuất hiện của quân đội Nga ở Crimea không chỉ được coi là một lời đe dọa về nguy cơ Ukraine mất đứt bán đảo này vào tay Nga, mà còn là một lời cảnh báo rõ ràng rằng Nga có nhiều "đồ chơi" để đem ra thi thố với phương Tây.

Theo ông Toscano, những người Ukraine - đặc biệt là giới trẻ, những người đã thực hiện cuộc cách mạng ở quảng trường Độc lập và tìm cách đẩy Ukraine xích lại với phương Tây - trên thực tế là những người quá ảo tưởng. Điều mà phương Tây cần phải làm là không tạo ra thêm nhiều ảo tưởng nữa cho Ukraine. Trong bối cảnh nền kinh tế của Ukraine đã rơi vào tình trạng kiệt quệ như hiện tại, hội nhập Liên minh châu Âu (EU) không thể diễn ra vào ngày mai, ngày kia, thậm chí là năm sau mà còn rất lâu nữa. Ukraine đã đề nghị phương Tây cấp cho họ ít nhất 35 tỉ USD trong vòng hai năm, khoản tiền mà không phải ai và tổ chức tiền tệ quốc tế nào cũng sẵn sàng, nhất là trong giai đoạn kinh tế thế giới đang khủng hoảng nghiêm trọng. Vốn đang đối mặt nhiều vấn đề lớn, từ khủng hoảng kinh tế đến trào lưu chống châu Âu đang lan rộng, EU cũng không dễ tìm ra một khoản tài chính nào để sẵn sàng cung cấp cho một quốc gia nổi tiếng là tham nhũng và từng khiến phương Tây thất vọng sau thất bại của cuộc Cách mạng Cam cách đây 10 năm.

Về phần mình, Ukraine cũng không thể tự thoát khỏi các mối ràng buộc với Nga về mặt tài chính, thương mại và đặc biệt là nguồn cung cấp khí đốt. Khi nhắc đến khả năng can thiệp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm cứu trợ Ukraine, cũng không thể loại trừ việc tổ chức này đưa ra các điều kiện buộc Ukraine phải gạt bỏ các ảnh hưởng của "chính trị năng lượng" mà Nga đã áp đặt lên họ.

Điều đó có nghĩa, Ukraine đang phải trả một cái giá rất đắt cho việc lái con tàu của họ về phía châu Âu với rất nhiều ảo tưởng.

Theo TTK