Montenegro được gì sau khi độc lập?
Nước cộng hoà Montenegro đang tiến dần đến việc khôi phục tư cách một quốc gia độc lập đầy đủ như trước năm 1918. Nhưng con đường phía trước của vùng đất nhỏ bé vốn thuộc Liên bang Nam Tư này không phải chỉ có hoa hồng.
Bước đi chính thức đầu tiên để khôi phục tư cách một quốc gia đầy đủ của Montenegro như hồi trước Chiến tranh thế giới thứ nhất sẽ liên quan đến việc triệu tập một cuộc họp quốc hội ở thủ đô Podgorica để ra tuyên ngôn độc lập.
Nhưng cái khó ở đây là dù thế nào họ cũng khó thoát ra khỏi cái bóng của Serbia trong tương lai gần. Serbia không chỉ đóng vai trò là "anh cả lớn" đối với Montenegro khi hai nước còn chung một liên bang, mà nay họ vẫn tiếp tục có ý nghĩa quyết định đối với quá trình độc lập của Montenegro vì nhiều lý do.
Theo Hiệp định Belgrade năm 2002, vốn được ký để chắp vá lại liên bang Nam Tư bằng việc ra đời một liên bang lỏng lẻo hơn giữa Serbia và Montenegro, thì Serbia sẽ trở thành quốc gia "ăn thừa tự" của liên bang một khi Montenegro được độc lập.
Nghĩa là Serbia sẽ được thừa kế chiếc ghế tại Liên Hợp Quốc và trong các tổ chức quốc tế khác. Còn Montenegro sẽ trở thành một quốc gia hoàn toàn mới, phải đệ đơn xin gia nhập các tổ chức quốc tế ngay khi họ nhận được sự công nhận của các nước khác.
Quy chế kế thừa cũng cho Serbia những đặc ân và lợi thế trong các cuộc đàm phán sắp tới đây về phân chia số tài sản tương đối ít ỏi của liên bang, đó là các toà nhà nơi đóng trụ sở của các cơ quan chung ở Belgrade, các cơ quan đại diện ngoại giao và khí tài quân đội.
Hơn nữa, Serbia còn có thể đóng vai trò gián tiếp trong việc giúp Montenegro có được một thời kỳ quá độ êm thấm tiến lên thành quốc gia độc lập, bằng cách dùng ảnh hưởng của mình để xoa dịu phe ủng hộ quy chế liên bang vốn cũng rất mạnh ở Montenegro vì đại đa số phe này là người gốc Serbia.
Nhưng cũng không có nghĩa là Montenegro trắng tay sau khi độc lập. Thậm chí họ còn mạnh lên, đồng thời độc chiếm hoàn toàn vùng bờ biển Adriatic, cắt bỏ khả năng tiếp cận trực tiếp của Serbia đối với đại dương cũng như lực lượng hải quân của liên bang.
Bên cạnh đó, việc đàm phán để phân chia tài sản chung sẽ tạo điều kiện cho người Montenegro có thể sử dụng các bệnh viện, đại học và các cơ sở công cộng khác ở Serbia. Với bờ biển hùng vĩ và những hấp dẫn của một nhà nước mới độc lập, Montenegro còn hưởng lợi từ sự bùng nổ du lịch và ngành kinh doanh bất động sản.
Một lợi thế nữa của Montenegro sau khi tách khỏi Serbia là khả năng gia nhập EU, liên minh có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định ở Montenegro nói riêng và cả khu vực Balkan nói chung. Chính EU đã đặt ra tiêu chuẩn bên nào đạt được 55% phiếu bầu trong cuộc trưng cầu mới được coi là chiếm đa số.
Do đó, ngay khi kết quả bỏ phiếu được xác nhận, Montenegro sẽ tìm cách có được sự công nhận của EU và các nước thành viên, đồng thời yêu cầu EU khởi động các cuộc đàm phán để tiến tới việc Montenegro được kết nạp vào khối.
Thủ tướng nước này Milo Djukanovic nhiều lần nhấn mạnh rằng, Montenegro sẽ hoàn tất việc gia nhập EU nhanh hơn nhiều nếu họ đàm phán với Brussels với tư cách là một quốc gia độc lập. Nhưng chắc chắn đó sẽ là một con đường dài và đầy chông gai.
Các quan chức EU vẫn tỏ ra hoài nghi trước khả năng gia nhập của Montenegro vì năng lực quản lý nghèo nàn cũng như hiệu quả thấp kém của quốc gia độc lập non trẻ này trong cuộc chiến chống nạn tham nhũng đang lan tràn và loại tội phạm có tổ chức.
Theo Đình Chính
Vnexpress/BBC, AP