1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

“Món quà” của ông Tập Cận Bình giúp lãnh đạo Đài Loan lội ngược dòng

(Dân trí) - Bài phát biểu cứng rắn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã giúp nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn giành được sự ủng hộ từ người dân hòn đảo này trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bờ eo biển đang có xu hướng leo thang.

“Món quà” của ông Tập Cận Bình giúp lãnh đạo Đài Loan lội ngược dòng - 1

Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn. (Ảnh: Getty)

Chỉ vài tuần trước đây, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn vẫn đang vật lộn với “bài toán” chính trị. Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) của bà Thái đã thua trong các cuộc bầu cử địa phương, gây khó khăn cho cuộc chạy đua nhiệm kỳ thứ hai của bà trong năm tới.

Tuy nhiên, bà Thái Anh Văn bất ngờ nhận được “sự trợ giúp” từ một nhân vật đặc biệt, đó là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong bài phát biểu gửi tới người dân Đài Loan, một hòn đảo mà Bắc Kinh luôn coi là phần lãnh thổ không thể tách rời vào tháng này, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Đài Loan “phải và sẽ được” thống nhất với Trung Quốc đại lục. Ông Tập còn cảnh báo những nỗ lực đòi độc lập của hòn đảo này có thể vấp phải sự phản kháng bằng vũ lực từ phía Bắc Kinh.

Bài phát biểu của ông Tập đã làm dấy lên nhiều lo ngại tại Đài Loan rằng bà Thái có thể “phản pháo” bằng cách đưa ra tuyên bố khước từ đề xuất của nhà lãnh đạo Trung Quốc, và đây là động thái khác biệt hiếm hoi so với lập trường mơ hồ cẩn trọng thường thấy của bà Thái trong mối quan hệ với Bắc Kinh.

“Những giá trị dân chủ là những giá trị và phong cách sống mà người Đài Loan coi trọng. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc dũng cảm đi theo nền dân chủ này”, bà Thái Anh Văn nói.

Theo truyền thông Đài Loan, sau bài phát biểu của mình, tỷ lệ ủng hộ dành cho bà Thái Anh Văn tăng vọt. Bà Thái dường như cũng tái khẳng định tầm ảnh hưởng của bà trong nội bộ đảng Dân chủ Tiến bộ bằng việc bổ nhiệm đồng minh Cho Jung-tai làm chủ tịch đảng trong tháng này.

Sự hồi sinh trong triển vọng chính trị của bà Thái Anh Văn càng nhấn mạnh những thách thức mà chính quyền Bắc Kinh phải đối mặt khi đưa ra một công thức chính trị cho kịch bản thống nhất hai bờ eo biển Đài Loan.

Phần lớn 23 triệu người dân Đài Loan ủng hộ việc duy trì nền độc lập không chính thức đang được duy trì tại hòn đảo này, thay vì thực hiện bất kỳ động thái chính thức nào mà có thể dẫn tới xung đột quân sự với Trung Quốc đại lục. Tuy vậy, Đài Loan vẫn có khuynh hướng đáp trả những lời đe dọa từ Bắc Kinh.

Theo Hans H. Tung, phó giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Đài Loan, phản ứng của bà Thái Anh Văn “rất mang dáng dấp của một nhà lãnh đạo” và giúp bà giành được sự ủng hộ lớn hơn từ đảng Dân chủ Tiến bộ - một đảng ủng hộ việc Đài Loan độc lập.

Đây cũng là cú lội ngược dòng ngoạn mục của bà Thái Anh Văn sau khi đảng DPP của bà bị thua trong các cuộc bầu cử thị trưởng quan trọng hồi tháng 11 trước đảng đối lập Quốc dân đảng, phần lớn bởi vì các cử tri không hài lòng với cách chính quyền của bà Thái xử lý các vấn đề kinh tế.

Thất bại trong cuộc bầu cử buộc bà Thái Anh Văn phải từ chức chủ tịch đảng và giảm bớt cơ hội đưa bà trở thành ứng viên của đảng DPP trong cuộc chạy đua cho ghế lãnh đạo Đài Loan sắp tới.

Việc bà Thái Anh Văn phản bác thẳng thừng bài phát biểu của ông Tập Cận Bình đã giúp bà giành được sự ủng hộ của các cử tri như bà Li Imte, một người dân sống ở Đài Bắc. Bà Li nói rằng mãi cho tới gần đây, bà vẫn thất vọng với việc bà Thái không dành sự ưu tiên cho hôn nhân đồng giới. Đây cũng là vấn đề mà bà Thái từng vấp phải trước khi được bầu làm lãnh đạo Đài Loan hồi năm 2016.

“Xét đến việc thay đổi Đài Loan theo chiều hướng tốt đẹp hơn, tôi thực sự cho rằng không còn ai đủ khả năng hơn bà Thái Anh Văn”, bà Li nói.

Theo New York Times, sự ủng hộ dành cho bà Thái Anh Văn còn xuất hiện rộng khắp trên mạng xã hội Đài Loan khi bà được mô tả như một người mẹ che chở cho các con trước một kẻ bắt nạt. Hàng trăm nữ bác sĩ trên khắp Đài Loan đã xuất hiện trên một quảng cáo trang bìa tại hai tờ báo địa phương để kêu gọi độc giả ủng hộ cho bà Thái Anh Văn.

"Ghi điểm" trước đảng đối lập

“Món quà” của ông Tập Cận Bình giúp lãnh đạo Đài Loan lội ngược dòng - 2

Màn hình tại Đài Bắc chiếu hình ảnh ông Tập Cận Bình phát biểu về Đài Loan hồi đầu tháng. (Ảnh: AFP)

Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình cũng giúp nhà lãnh đạo Thái Anh Văn ghi điểm bằng cách “giáng một đòn” vào Quốc dân đảng - một đảng ủng hộ việc thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với Trung Quốc đại lục, đồng thời là đối tác đối thoại ưa thích của Bắc Kinh.

Trọng tâm trong cuộc tranh cãi giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan là Đồng thuận 1992, một thỏa thuận không chính thức giữa Bắc Kinh và chính quyền Quốc dân đảng khi đảng này nắm quyền lực chính trị tại Đài Loan. Đồng thuận 1992 đã giữ lập trường rằng chỉ có “một Trung Quốc”, bao gồm cả Đài Loan. Tuy vậy, mỗi bên có cách hiểu của riêng mình về khái niệm “một Trung Quốc”.

Bà Thái Anh Văn đã phản đối Đồng thuận 1992 và điều này khiến chính quyền ông Tập Cận Bình đình chỉ mọi liên hệ chính thức với chính quyền của bà Thái.

Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình cho biết đối với kịch bản thống nhất hòa bình, Đài Loan sẽ được vận hành theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ” như cách Bắc Kinh đang sử dụng để quản lý Hong Kong.

Giới phân tích nhận định bà Thái Anh Văn đã khéo léo sử dụng bài phát biểu của ông Tập Cận Bình để đánh đồng Đồng thuận 1992 với mô hình “một quốc gia, hai chế độ” của Bắc Kinh. Điều này đặt Quốc dân đảng vào thế “phòng thủ” dè chừng do đảng này ủng hộ Đồng thuận 1992.

“Quốc dân đảng không muốn bị xem là ủng hộ mô hình thống nhất của ông Tập”, Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, nhận định.

Tại Trung Quốc, Ma Xiaoguang, người phát ngôn của Văn phòng Các vấn đề Đài Loan, ngày 16/1 cho biết Đồng thuận 1992 và mô hình “một quốc gia, hai chế độ” không giống nhau.

“Lãnh đạo của đảng Dân chủ Tiến bộ đã cố ý trộn lẫn hai khái niệm này để đánh lạc hướng người dân Đài Loan”, ông Ma nói.

Việc bà Thái Anh Văn phản đối mô hình “một quốc gia, hai chế độ” dường như đã nhận được sự ủng hộ tại Đài Loan và lan sang các hệ thống đảng. Chủ tịch Quốc dân đảng Wu Den-yil đã phát biểu trước các thành viên trong đảng rằng Đồng thuận 1992 “không liên quan” tới mô hình “một quốc gia, hai chế độ” như ông Tập Cận Bình đề xuất.

Wayne Chiang, một nhà lập pháp của Quốc dân đảng, đã khen ngợi bà Thái Anh Văn khi nhấn mạnh sự cần thiết của Bắc Kinh trong việc tôn trọng nền dân chủ và tự do của Đài Loan. Ông Chiang cũng phản đối đề xuất “một quốc gia, hai chế độ” của ông Tập, cho rằng Đài Loan không phải là Hong Kong và phần lớn người dân Đài Loan không chấp nhận đề xuất này.

Một nhà lập pháp khác của Đài Loan là Jason Hsu, cũng cho rằng bài phát biểu của ông Tập Cận Bình cho thấy Đồng thuận 1992 không còn là cách tiếp cận khả thi cho Quốc dân đảng trong mối quan hệ với Trung Quốc và Quốc dân đảng cần suy nghĩ về một chiến lược mới.

Hiện chưa rõ làn sóng ủng hộ dành cho bà Thái Anh Văn có giúp bà tăng cơ hội đắc cử trong cuộc bỏ phiếu sắp tới hay không vì sự ủng hộ này chưa thay đổi nhiều những thách thức nội bộ mà bà đang phải đối mặt.

“Câu hỏi đặt ra là liệu sự gia tăng trong tỷ lệ ủng hộ bà Thái Anh Văn có phải chỉ là tạm thời hay không”, chuyên gia Glaser cho biết.

Tuy nhiên, bà Glaser cho rằng mối đe dọa của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan có xu hướng mang lại lợi thế cho đảng Dân chủ Tiến bộ khi đảng này vốn không thân với Bắc Kinh.

“Người dân (Đài Loan) muốn một chính quyền có thể bảo vệ họ từ các mối đe dọa bên ngoài khi họ cảm thấy bất an”, bà Glaser nhận định.

Thành Đạt

Theo New York Times