Mon men ra xa bờ, Liêu Ninh rất dễ bị “hạ sát”
Sáng 26/11, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã khởi hành từ Thanh Đảo xuống khu vực biển Đông, đi theo làm nhiệm vụ hộ tống cho nó là 2 tàu hộ vệ và 2 tàu khu trục, mang theo một số máy bay trực thăng.
Trong một cuộc phỏng vấn của Nhân dân nhật báo, chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho biết, đây là chuyến hải hành viễn dương huấn luyện dài ngày đầu tiên của tàu sân bay này. Thông thường, hành trình xuyên qua nhiều vùng biển khác nhau là hình thức kiểm nghiệm tính năng của các thiết bị trong tình huống hoạt động liên tục, dài ngày; rèn luyện và khảo nghiệm trình độ huấn luyện tổng hợp cho bộ đội; nghiệm chứng tính năng của các trang bị trong nhiều điệu kiện thời tiết khác nhau.
Hàng không mẫu hạm luôn là đối tượng tấn công của các loại tên lửa chống tàu sân bay (ảnh minh họa)
Ông Lý Kiệt tiết lộ, kể từ sau khi biên chế vào lực lượng hải quân Trung Quốc ngày 25-12-2012 đến nay, các hoạt động huấn luyện và thử nghiệm của Liêu Ninh vẫn liên tục diễn ra nhằm hoàn thiện tính năng tác chiến của biên đội tàu sân bay. Hiện nay, tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc vẫn đang trong quá trình huấn luyện và thực nghiệm, cuộc hành trình xuống biển Đông lần này là một hoạt động bình thường, nằm trong kế hoạch huấn luyện và thử nghiệm thường xuyên của nó.
Hiện nay, Liêu Ninh đã hoàn tất nhiều hạng mục huấn luyện, bao gồm: Cất cánh, hạ cánh trên tàu sân bay bằng cáp hãm đà; bay thường trực trên tàu sân bay; cất cánh trên đường băng ngắn; cất, hạ cánh với đầy tải bom đạn; cất cánh trong điều kiện thời tiết phức tạp, cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn trên tàu sân bay đối với sĩ quan chỉ huy bay và phi công… Các thành tựu này đã tạo nền tảng vững chắc cho công tác huấn luyện và thử nghiệm những giai đoạn tiếp theo.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc
Ông Lý Kiệt nhận định, năng lực trinh sát, chống ngầm có vai trò vô cùng quan trọng đối với biên đội tàu sân bay nên phải triển khai một số chiến hạm có tính năng săn ngầm làm nhiệm vụ hộ tống. Ngoài ra, hiện nay các biên đội hộ vệ tàu sân bay ngày càng nhấn mạnh khả năng tác chiến đa nhiệm, nên cũng cần phải bố trí thêm một số chiến hạm có tính năng tác chiến tổng hợp.
Trung Quốc vẫn chưa có 1 loại máy bay cảnh báo sớm trên tàu sân bay giống như E-2C Hawkeye trên tàu sân bay Mỹ
Năng lực tác chiến phòng không của biên đội tàu sân bay Trung Quốc được đánh giá cao nhất. 2 tàu khu trục Type 051C là 115 Thẩm Dương và 116 Thạch Gia Trang được trang bị hệ thống phòng không hạm S-300F có phạm vi tác chiến 150km, vượt quá tầm tầm tấn công của các tên lửa không đối hạm trên đa phần các máy bay chiến thuật hiện nay (thường chỉ từ 120-130km) nên nó thực sự là “lá chắn phòng không” hữu hiệu. Tuy nhiên, nếu gặp các máy bay chiến lược, được trang bị các tên lửa hành trình đối hạm tầm xa thì Liêu Ninh chỉ có thể phòng thủ bằng các hệ thống đánh chặn tầm gần.
Tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay Khalije Fars “Persian Gulf” của Iran mang đầu đạn nặng tới 650kg, có khả năng phá hủy hoàn toàn một tàu sân bay hạng trung
Hiện nay, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh không được trang bị máy bay cảnh báo sớm và máy bay trinh sát, chống ngầm cánh cố định (loại cất cánh trên đất liền cũng chưa có) nên khả năng chống ngầm của nó rất kém. Radar trên các tàu mặt nước có phạm vi phát hiện tàu ngầm chỉ vài chục km, trực thăng săn ngầm cũng chỉ có phạm vi tác chiến vài trăm km. Điều này là rất nguy hiểm khi đối đầu với các tàu ngầm của đối phương được trang bị hệ thống tên lửa hành trình ngầm đối hạm tiên tiến như Club-S hoặc P-700 của Nga.
Ngoài ra, không có máy bay cảnh báo sớm trên tàu sân bay giống như E-2C trên các hàng không mẫu hạm Mỹ cũng khiến Liêu Ninh gặp khó khăn khi đối đầu với các chiến hạm mặt nước trang bị “sát thủ tàu sân bay”, như tuần dương hạm lớp Slava (trang bị tên lửa hành trình chống hạm P-500 Bazalt có tầm phóng 550km) hoặc lớp Kirov (trang bị tên lửa hành trình chống hạm P-700 Granit, tầm phóng 625km) của Nga. Các chiến hạm này đều có thể đứng từ xa phóng tên lửa tiêu diệt nó.
Hệ thống ống phóng tên lửa P-700 “Granit” đặt trên tàu sân bay Kuznetsov của Nga
Ngoài ra, sự uy hiếp các tàu sân bay còn đến từ các hệ thống tên lửa đạn đạo chống hạm phóng từ đất liền như tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay Khalije Fars “Persian Gulf” của Iran, có đầu đạn nặng tới 650kg hoặc giống như tên lửa Đông Phong-21D (DF-21D) của chính Trung Quốc hoặc là chiến thuật “bầy sói” của hàng loạt tàu tên lửa cao tốc, có khả năng di chuyển cực nhanh, tấn công ồ ạt vài chục quả tên lửa chống hạm rồi rút chạy.
Với việc không có máy bay cảnh báo sớm, không có máy bay chống ngầm cánh cố định, tiêm kích hạm J-15 chưa có khả năng tác chiến để tăng cường khả năng trinh sát phát hiện và phạm vi đánh chặn từ xa, có thể nói là khả năng tự bảo vệ của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh rất yếu, tất cả những phương tiện tác chiến trên không, trên biển và đất liền đều có khả năng hạ sát tàu sân bay này khi nó hoạt động xa bờ.