1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Món "đặc sản tinh thần" độc nhất vô nhị của Triều Tiên

(Dân trí) - Các kênh truyền hình Triều Tiên thường phát sóng các bản tin và chương trình mang dấu ấn riêng biệt của đất nước này, trong đó hướng người dân tới sự trung thành dành cho đảng và các nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Hình ảnh cố lãnh đạo Kim Jong-il thường xuất hiện trước các bản tin hàng ngày của KCTV (Ảnh: ABC)
Hình ảnh cố lãnh đạo Kim Jong-il thường xuất hiện trước các bản tin hàng ngày của KCTV (Ảnh: ABC)

Từ ngày 22-26/1, phóng viên Hakyung Kate Lee của đài ABC News và các đồng nghiệp tại Seoul, Hàn Quốc đã dành thời gian để xem các kênh truyền hình của Triều Tiên. Từ đó, họ đã nhận ra những điểm đặc biệt từ các chương trình được xem là “món ăn tinh thần” của người dân nước này.

Muốn theo dõi các chương trình truyền hình Triều Tiên tại Hàn Quốc, người xem cần một loại chảo vệ tinh được thiết lập đặc biệt để có thể thu sóng. Người dân Hàn Quốc thông thường không thể xem được các kênh này từ quốc gia láng giềng.

Kênh truyền hình trung ương Triều Tiên (KCTV) là kênh truyền hình hoạt động “năng suất” nhất tại Triều Tiên. KCTV phát sóng các chương trình với thời lượng khoảng 7 giờ/ngày. Các kênh truyền hình khác như kênh Mansudae TV hay kênh Văn hóa Giáo dục Triều Tiên chỉ phát sóng vài giờ mỗi ngày. Theo An Chan-Il, người đào tẩu Triều Tiên và hiện là lãnh đạo Viện nghiên cứu Triều Tiên tại Seoul, việc các kênh truyền hình khác không có nhiều thời lượng phát sóng là do tình trạng thiếu điện và các vấn đề khác liên quan tới kinh tế tại Triều Tiên.

Hình ảnh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành xuất hiện trong bộ phim tài liệu do KCTV phát sóng (Ảnh: ABC)
Hình ảnh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành xuất hiện trong bộ phim tài liệu do KCTV phát sóng (Ảnh: ABC)

Các chương trình phát sóng hàng ngày trên KCTV thường bắt đầu vào lúc 15h. Trước khi bắt đầu các chương trình, màn hình tivi sẽ xuất hiện xuất hiện hình ảnh cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il trên nền màu đỏ và không có bất kỳ chi tiết nào khác.

Các bản tin thời sự thường được phát sóng 2 lần/ngày và thời lượng của các bản tin phụ thuộc vào số lượng tin tức mà KCTV có thể xây dựng được. Ngoài thời sự, KCTV cũng chiếu các bộ phim tài liệu, các bản tin về những chuyến thị sát tới nhà máy mới, phim hoạt hình cho trẻ em và đôi khi có cả các bộ phim nghệ thuật để nâng cao trình độ văn hóa của người dân Triều Tiên.

Không khí lao động

Không khí lao động hăng say của người dân Triều Tiên được phản ánh trong bản tin của KCTV (Ảnh: ABC)
Không khí lao động hăng say của người dân Triều Tiên được phản ánh trong bản tin của KCTV (Ảnh: ABC)

Sau khi xem các tin tức thời sự của KCTV với tần suất 2 lần/ngày, Lee và các đồng nghiệp đã nhận ra rằng các bản tin thường đi theo một “lộ trình” quen thuộc.

Các bản tin thường bắt đầu bằng việc ca ngợi nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đồng thời nhấn mạnh việc các quốc gia bên ngoài bày tỏ sự tôn kính với “Lãnh tụ vĩ đại” của Triều Tiên như thế nào. Đôi lúc, bản tin trên KCTV chuyển sang nội dung chỉ trích Mỹ theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Ước tính trong gần một tuần, KCTV đã dành tổng cộng 6 phút để công kích Mỹ.

Theo thống kê của các phóng viên ABC, truyền hình Triều Tiên dành 7 phút trong một tuần để giới thiệu các hợp tác xã và đưa tin về việc hàng tấn phân bón đã sẵn sàng được sử dụng cho hoạt động gieo trồng vào mùa xuân như thế nào. Ngoài ra, có rất nhiều bản tin về các nhà máy ở Trièu Tiên với tổng thời lượng 13 phút, trong đó có 9 phút để nói về nhà máy dược phẩm - nơi ông Kim Jong-un tới thị sát hôm 26/1.

KCTV dành 9 phút đưa tin về chuyến thị sát nhà máy dược phẩm của ông Kim Jong-un (Ảnh: ABC)
KCTV dành 9 phút đưa tin về chuyến thị sát nhà máy dược phẩm của ông Kim Jong-un (Ảnh: ABC)

Truyền hình Triều Tiên thường đưa tin rằng các nhà máy tại nước này đã đạt được năng suất lao động phá kỷ lục. Những công nhân được phỏng vấn cũng thể hiện sự vui mừng khi được làm việc theo tinh thần chỉ đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong diễn văn mừng năm mới, trong đó ông Kim kêu gọi người dân Triều Tiên tiếp sinh lực cho toàn bộ nền kinh tế.

Ngoài đưa tin về việc các hợp tác xã trên khắp cả nước đã lao động tích cực để chuẩn bị đủ lượng phân bón cho trồng trọt, các nhà máy sản xuất của Triều Tiên cũng được ca ngợi vì đã tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất cho người dân. Nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới thăm một cơ sở nào, truyền hình Triều Tiên sẽ ưu tiên đặt bản tin đó lên vị trí cao nhất trong ngày.

“Chúng ta là số 1”

Một phát thanh viên của Triều Tiên (Ảnh: ABC)
Một phát thanh viên của Triều Tiên (Ảnh: ABC)

Nếu người dân ở thủ đô Bình Nhưỡng xem truyền hình, họ sẽ thấy Triều Tiên là một đất nước rất thịnh vượng. Các bản tin trên tivi đều nói rằng các nhà máy năng lượng tái tạo đã thắp sáng bầu trời tuyệt đẹp của Bình Nhưỡng, hay một trường sư phạm của Triều Tiên đã đào tạo thế hệ giáo viên tương lai bằng những cơ sở vật chất hiện đại.

Theo các phóng viên của ABC, kênh truyền hình KCTV đã nỗ lực hết sức để hướng người dân đi theo con đường xã hội chủ nghĩa của đảng Lao động Triều Tiên, đồng thời khích lệ niềm tin của họ vào nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

“Hãy cùng đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc. Chủ nghĩa xã hội vĩ đại đã soi sáng đất nước chúng ta” - đó là những lời bình thường thấy trên truyền hình Triều Tiên.

Chỉ trích nước ngoài

KCTV phát bản tin về cơn bão ở Đức (Ảnh: ABC)
KCTV phát bản tin về cơn bão ở Đức (Ảnh: ABC)

Truyền hình Triều Tiên không ngần ngại chỉ trích các quốc gia khác. Bản tin hôm 26/1 của nước này đã chỉ trích cựu Tổng thống Hàn Quốc là “kẻ phản bội” hoặc “người xấu xa” và nhiều lần gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump là “người loạn trí hiếu chiến”.

Một phát thanh viên đọc bản tin chính tại Triều Tiên vào lúc 17 giờ đã chỉ trích Mỹ vì cho rằng Washington là yếu tố gây bất hòa và cản trở tiến trình tái thống nhất bán đảo Triều Tiên. Phát thanh viên này ngày 25/1 cảnh báo “những cuộc tập trận do Mỹ và các lực lượng hạt nhân chiến lược tiến hành sẽ dẫn tới thảm kịch”, đồng thời khẳng định sức mạnh hạt nhân của Bình Nhưỡng là cách thức để nước này để kiểm soát sự can thiệp ngày càng tăng từ Washington.

Trước khi đọc bản tin trên truyền hình, các phát thanh viên Triều Tiên thường cúi đầu chào (Ảnh: ABC)
Trước khi đọc bản tin trên truyền hình, các phát thanh viên Triều Tiên thường cúi đầu chào (Ảnh: ABC)

Các bản tin và phim tài liệu của KCTV thường mô tả nước ngoài như những thế lực thù địch với âm mưu thách thức sự tồn vong của chính quyền cộng sản Triều Tiên. KCTV nhấn mạnh việc Mỹ trở thành mối đe dọa như thế nào đối với mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc trong bối cảnh hai quốc gia láng giềng đang cho thấy tín hiệu hòa hoãn trước thềm Thế vận hội mùa Đông.

Trong gần 1 tuần theo dõi các chương trình truyền hình của Triều Tiên, các phóng viên của ABC không tìm thấy bất kỳ lời khen ngợi nào dành cho nước ngoài. Thay vào đó, các bản tin chỉ tập trung đưa tin về các vấn đề tiêu cực xảy ra trên toàn thế giới như chiến tranh, quan chức chính phủ tham nhũng hay dịch bệnh.

Chẳng hạn vào ngày 22/1, KCTV đưa tin chính phủ Mỹ phải đối mặt với việc đóng cửa chính phủ và người dân Mỹ đang biểu tình phản đối Tổng thống Trump. Tiếp đó, bản tin ngày 23/1 có đoạn: “Người dân ở nhiều nước đã thiệt mạng vì dịch cúm lây lan. Người dân từ nhiều nơi như Trung Quốc, Hong Kong, Macao, Pakistan, Ireland, Nhật Bản, Canada, Albania, Đức, Mỹ và Tunisia đều phải hứng chịu dịch bệnh này”. Trong chương trình ngày 26/1, KCTV đưa tin về thiệt hại do bão gió ở Đức.

Ca nhạc giải trí

Các video ca nhạc phát trên truyền hình Triều Tiên thường có phụ đề bên dưới (Ảnh: ABC)
Các video ca nhạc phát trên truyền hình Triều Tiên thường có phụ đề bên dưới (Ảnh: ABC)

Truyền hình Triều Tiên không chiếu quảng cáo giữa các chương trình, thay vào đó là các ca khúc tuyên truyền. Đó có thể là một đoạn nhạc của ca khúc mang tựa đề “Bảo vệ đảng trọn đời”, với hình ảnh quân đội và quốc kỳ Triều Tiên. Các giai điệu thường bắt tai trong khi lời bài hát thường ngắn và đi vào trọng tâm khiến người nghe dễ nhớ dễ thuộc.

Các bài hát được phát trên truyền hình Triều Tiên có thể đính kèm lời bên dưới để người xem có thể hát theo hoặc ít nhất cũng hiểu được nội dung của ca khúc. Các bài hát thường được phát sóng cùng với những hình ảnh về vẻ đẹp của đất nước Triều Tiên và thủ đô Bình Nhưỡng. Ngoài ra, hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un với nụ cười thường trực và vẫy tay chào người dân cũng xuất hiện trong các video ca nhạc.

KCTV cũng dành một giờ mỗi ngày để chiếu phim dành cho trẻ em với các nội dung mang tính giáo dục. Tuy nhiên, công nghệ làm phim của Triều Tiên khiến các phóng viên của ABC cảm thấy như họ đang trở về những năm 1980.

Thành Đạt

Theo ABC