1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mối quan hệ tay 3: Netanyahu, Trump và Putin

(Dân trí) - Nhà lãnh đạo Israel Benjamin Netanyahu đã gây chú ý khi thúc đẩy mối quan hệ chính trị với cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Netanyahu đã có 5 cuộc gặp chính thức với ông Trump chỉ trong 2 năm qua, và 13 cuộc gặp với ông Putin trong 4 năm qua.

Mối quan hệ tay 3: Netanyahu, Trump và Putin - 1

(Từ trái sang phải) Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters)

Theo Aljazeera, chỉ trong vòng 2 tuần trước cuộc tổng tuyển cử ngày 9/4 tại Israel, Thủ tướng  Benjamin Netanyahu đã có các cuộc gặp thượng đỉnh thành công với ông chủ Nhà Trắng và ông chủ điện Kremlin.

Động cơ của ông Netanyahu đã rõ, nhưng rõ ràng là đó không chỉ là câu chuyện sử dụng ngoại giao để phục vụ mục đích bầu cử. Có những tác động chiến lược lớn hơn từ các cuộc gặp cấp cao như vậy và mối quan hệ tay ba này có thể định hình Trung Đông trong những năm tới.

Mối quan hệ bắt đầu với một cuộc gặp ở Tháp Trump vào cuối tháng 9/2016. Ông Netanyahu, khi đó tới thành phố New York tham dự hội nghị cấp cao thường niên của Liên Hợp Quốc, đã có một cuộc gặp “làm quen” với ông Donald Trump, khi đó là ứng viên của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Theo cựu cố vấn của ông Trump, Steve Bannon, cuộc họp nhanh chóng biến thành một “lớp học” về địa chính trị thế giới, khi Thủ tướng Israel 4 nhiệm kỳ và dày dạn kinh nghiệm đã “đào tạo” tỷ phú bất động sản chưa có kinh nghiệm chính trị về tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ-Israel trong bức tranh thực tại đầy mâu thuẫn ở Trung Đông.

Cả hai đã tỏ ra rất tâm đầu ý hợp. Không chỉ trả lời thỏa đáng tất cả các câu hỏi của Trump, ông Netanyahu còn hợp lý hóa và hệ thống hóa các khuynh hướng chính sách đối ngoại của ông Trump về an ninh, nhập cư, khủng bố, Hồi giáo, thậm chí cả những lợi thế của bức tường biên giới.

Ông Netanyahu tập trung tất cả vào một “công thức” đơn giản: Iran, chứ không phải Nga, mới là kẻ thù chính “của chúng ta”. Theo các chuyên gia, ông Netanyahu thực sự là một bậc thầy trên bàn cờ khi khéo léo “ve vãn” ông Trump để kết thân với ông Putin và cải thiện quan hệ với Nga.

Dường như có một liên minh khá dễ dàng ở cấp độ cá nhân. Ông Netanyahu, ông Trump và ông Putin dường như thích nhau và thường khen nhau, dù họ có nền tảng và phong cách khác nhau.

Mặc dù ông Trump và ông Putin có thể suy nghĩ giống nhau, nhưng hai quốc gia của họ lại ở vị thế đối đầu nhau ở mọi mặt: chiến tranh mạng, vũ khí hạt nhân, an ninh khu vực tại châu Âu và Trung Đông, và cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ.

Quan hệ tốt với cả hai "ông lớn"

Nhưng ông Trump và ông Putin lại tỏ ra đồng thuận về Israel - hay ít nhất là về Thủ tướng Netanyahu, điều mà ông Netanyahu khó bị cáo buộc là lợi dụng.

Ông Trump và Putin mới chỉ có một cuộc gặp thượng đỉnh, vốn kết thúc trong thất bại, và 4 lần gặp ngắn. Nhưng ông Netanyahu đã có 5 cuộc gặp thành công với ông Trump trong 2 năm qua, và 13 cuộc gặp thành công với ông Putin trong 4 năm qua.

Ông Netanyahu đã liên tục đầu tư cho mối quan hệ thân thiết với ông Putin, dù Nga là cường quốc duy nhất mở cửa đối thoại với tất cả “nhân vật chính” ở Trung Đông, trong đó có Hamas và Hezbollah, các đối thủ khu vực như Iran, Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.

Ông Netanyahu đã tận dụng mối quan hệ đặc biệt với ông Trump để tìm kiếm những nhượng bộ từ ông Putin, bắt đầu từ Syria.

Trong khi đó, Tổng thống Nga dường như đã nhanh chóng bỏ qua vai trò của Israel trong vụ bắt rơi máy bay quân sự Nga làm 15 công dân Nga thiệt mạng vào tháng 9/2018, và đã nhất trí thiết lập một nhóm làm việc để xem xét đưa các lực lượng nước ngoài khỏi Syria.

Ông Putin cũng bỏ qua việc Israel thường xuyên vi phạm không phận Syria và các vụ đánh bom công khai nhằm vào các mục tiêu của Iran tại đó.

Kremlin thậm chí còn đi xa hơn khi gần đây đề nghị ông Netanyahu làm trung gian cho một thỏa thuận rút quân lớn giữa Mỹ, Syria và Iran, mà Thủ tướng Israel đã từ chối vì đề xuất này kêu gọi dỡ bỏ sớm các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran - nước mà Israel xem là đối thủ chính trong khu vực.

Ông Netanyahu đã đầu tư mạnh vào quan hệ với Nga tới nỗi ông đã bị Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham cảnh báo “cần rất thận trọng” khi có các thỏa thuận với Nga và Syrira, vốn có thể ảnh hưởng tới các lợi ích của Mỹ.

Tuy nhiên, cảnh báo của ông Graham lại thành vô nghĩa, khi chỉ vài tháng sau đó, ông Graham ủng hộ ông Netanyahu về vấn đề Cao nguyên Golan, và kêu gọi chính quyền Trump công nhận cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel.

Ông Trump gần đây đã bất chấp luật pháp quốc tế và chính sách ngoại giao của Mỹ khi ông cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel. Đáp lại, ông Putin không làm gì và dường như không đề cập về việc này trong cuộc gặp thượng đỉnh gần đây nhất với ông Netanyahu.

Rõ ràng ông Netanyahu chưa từng có một đối tác tốt hơn tại Nhà Trắng. Ông Trump đã hoàn toàn ủng hộ lập trường của Irsrael về Iran, Jerusalem và Cao nguyên Golan.

Tiếp theo là Bờ Tây. Ông Netanyahu đã cam kết hồi tuần trước rằng ông sẽ bắt đầu sáp nhập các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây nếu ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 9/4. Và một lần nữa, ông Trump được dự đoán sẽ ủng hộ điều đó, trong khi ông Putin có thể im lặng.

Ông Netanyahu có thể đã thất bại trong việc đưa Mỹ và Nga hợp tác để định hình lại Trung Đông, nhưng rõ ràng nhà lãnh đạo Do Thái đã thành công trong việc giành sự ủng hộ của cả ông Trump và ông Putin khi Israel định hình lại khu vực đông Địa Trung Hải.

An Bình

Theo Aljazeera