1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mò kim đáy biển

Theo các chuyên gia Âu - Mỹ, việc phát hiện và ngăn chặn sát thủ “sói đơn độc” vô cùng khó khăn

Sát thủ “sói đơn độc” gồm có nhiều dạng. Dạng tự biên tự diễn nhân danh tổ chức khủng bố nào đó nhưng thật sự không thuộc bất cứ tổ chức nào, cũng không hành động theo lệnh ai, đang làm đau đầu các cơ quan an ninh và tình báo Pháp, Mỹ, Anh...

Việc phát hiện và ngăn chặn những kẻ này rất khó song cũng chưa khó bằng các sát thủ có tiền sử tâm thần hành động khi lên cơn điên bất tử. Càng khó hơn nữa khi dạng sát thủ này đang hiền lành bỗng dưng biến thành chiến binh thánh chiến.

An ninh, tình báo hầu như bất lực

Sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng trong đêm Quốc khánh Pháp (14-7) do một công dân Pháp gốc Tunisia tên Mohamed Lahouaiej Bouhlel, 31 tuổi, lái xe tải gây ra làm 86 người chết và 343 người bị thương (số liệu cập nhật hôm 19-8), người ta tự hỏi tại sao cảnh sát và tình báo không phát hiện và ngăn chặn kịp thời? Lý giải sự thất bại này thế nào đây?

Ông Francois Molins, biện lý TP Paris - Pháp, cho biết Bouhlel không xa lạ gì với cảnh sát. Từ năm 2010 đến 2016, gã từng bị tạm giữ về tội trộm cắp, bạo hành, gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, do không có sự chia sẻ thông tin nội bộ, Bouhlel hoàn toàn xa lạ với bên tình báo, ngay cả với bộ phận chống khủng bố cấp quốc gia hoặc cấp địa phương vì “không thấy bất cứ dấu hiệu bị cực đoan hóa nào”.

Lính Israel kiểm tra giấy căn cước của người Palestine tại TP Ramallah, Bờ Tây Dải Gaza (Ảnh minh họa: Times of Israel)
Lính Israel kiểm tra giấy căn cước của người Palestine tại TP Ramallah, Bờ Tây Dải Gaza (Ảnh minh họa: Times of Israel)

Alain Bauer, nhà tội phạm học Pháp, giải thích trên tờ L’Opinion: “Nói chung, các đơn vị chống khủng bố từ ngành phản gián mà ra, chủ yếu đấu tranh chống tội phạm có tổ chức như Al-Qaeda hay ISIS. Họ có phương pháp riêng chống những mạng lưới chân rết của các tổ chức này. Đặc điểm của họ là hoạt động bí mật, thành công hay thất bại đều “chết để bụng” ngoài việc báo cáo với cấp trên”.

Trong dịp Euro 2016 tổ chức tại Pháp, DGSI (Cục An ninh nội bộ) và DGSE (Cục Tình báo hải ngoại) đã ngăn chặn thành công 2 âm mưu khủng bố ở đêm diễn ra trận chung kết, đồng thời phá vỡ 16 âm mưu khác trước đó, bắt được một số nghi phạm.

Theo ông Alain Bauer, cách làm xưa nay không thể đối phó với Bouhlel, vốn là “sói đơn độc”. DGSI phải có các công cụ và phương pháp hoạt động khác mới có thể nắm bắt những “tín hiệu yếu”. Ví dụ, Bouhlel khoái nhậu đột nhiên bỏ rượu. Ngoài ra, phải biết liên hệ với những “tín hiệu yếu khác” như đối tượng có tiền sử rối loạn tâm thần, bạo hành trong gia đình, ly dị vợ hay mâu thuẫn với ông chủ…

Phương thức tấn công của “sói đơn độc” cũng khác các tổ chức khủng bố như ISIS từng gây ra hàng loạt ở Paris hay Brussels - Bỉ. Hãng tin Reuters dẫn lời các chuyên gia khẳng định những hệ thống thu thập thông tin tình báo hiện có không thể phát hiện “sói đơn độc” có tiền sử tâm thần hoặc chịu ảnh hưởng tuyên truyền qua mạng của các tổ chức khủng bố, như Bộ trưởng Quốc phòng Jean Yves Le Drian từng phát biểu: “Kể cả trường hợp không trực tiếp chỉ huy, ISIS cũng có thể truyền cảm hứng tấn công khủng bố”.

Dự báo những điều không thể

Giải pháp nào để chống “sói đơn độc”? Cho đến nay, hình như Israel là quốc gia duy nhất thành công trong việc kéo giảm tội phạm do dạng sát thủ này gây ra.

Do hoàn cảnh chính trị đặc biệt, Israel thường xuyên bị “sói cô đơn” Palestine tấn công. Kể từ mùa thu năm ngoái, từ TP Jerusalem đến TP Hebron thuộc Bờ Tây Dải Gaza, quân đội và người định cư Israel hứng chịu một đợt sóng bạo lực chưa từng thấy có tên gọi “Intifada của sói cô đơn” sau khi Palestine tố cáo mạnh mẽ hơn lúc nào hết Israel xâm chiếm Núi Đền - vùng đất thiêng liêng của Do Thái giáo, Thiên chúa giáo và Hồi giáo từ ngàn xưa. Intifada là phong trào nổi dậy của người Palestine đòi lại lãnh thổ bị Israel chiếm đóng.

Tính đến tháng 6 vừa qua, theo số liệu của Shin Bet (tình báo nội địa Israel), đã có 38 người Israel thiệt mạng, 298 bị thương trong gần 2.000 vụ tấn công của “sói cô đơn”. Tháng cao nhất là 620 vụ (tháng 10-2015), thấp nhất là 130 vụ (tháng 6-2016). Hầu hết hung thủ là thanh niên Palestine không thuộc Tổ chức Hamas - kẻ thù trực tiếp của Israel - hay ISIS.

Để đối phó làn sóng mới này, Israel xây dựng một hệ thống phát hiện và theo dõi sát thủ tiềm năng từ cuối năm 2015. Ví dụ, một thanh niên Palestine bất ngờ cướp dao làm bếp của mẹ chạy ra đường “bắt người Israel phải đổ máu”. Động cơ giết người Israel có thể là yêu nước hay đơn giản chỉ “giận cá chém thớt” sau một vụ xích mích trong gia đình.

Hệ thống trên bao gồm thu thập “tín hiệu yếu” từ một hỗn hợp “truyền thông xã hội, tình báo truyền thống và tình báo điện tử”. Hệ thống hoạt động như thế nào là một bí mật. Rút kinh nghiệm từ những vụ tấn công trước và sau khi phân tích thông tin thu thập được, hệ thống đưa ra dự báo về các vụ tấn công tiềm năng. Các bước tiếp theo là theo dõi sát sao từng động tĩnh của đối tượng tiềm năng, vận động gia đình họ hợp tác với chính quyền địa phương để giám sát và huy động lực lượng chống khủng bố đến địa điểm nghi ngờ sắp xảy ra chuyện. Cuối cùng là bắt giữ đối tượng nếu thấy có dấu hiệu khả nghi…

Liên minh châu Âu (EU) đánh giá rất cao hệ thống dự báo điều không thể dự báo nêu trên của Israel. Bởi lẽ, hiệu quả của nó cao hơn gấp nhiều lần so với các giải pháp của EU.

Twitter xóa 360.000 tài khoản

Công ty Twitter, có trụ sở chính tại San Francisco - Mỹ, cho biết từ đầu năm 2016 đến tháng 6 vừa qua, đã xóa 235.000 tài khoản, nâng tổng tài khoản vi phạm chính sách cấm tuyên truyền và xúi giục khủng bố trên mạng xã hội này kể từ giữa năm ngoái lên 360.000.

Twitter có dịch vụ nhắn tin một người đến nhiều người và các tổ chức thánh chiến đã sử dụng để cổ súy những hành vi khủng bố. Trước áp lực của cơ quan an ninh Mỹ yêu cầu phải cân đối việc tôn trọng quyền tự do ngôn luận với việc ngăn chặn tuyên truyền thánh chiến và tuyển mộ người của các tổ chức khủng bố, Twitter đã thực thi chính sách kiểm duyệt tin nhắn của người sử dụng.

Hiện nay, việc kiểm duyệt tin nhắn "nhạy cảm" hằng ngày đã tăng hơn 80% kể từ năm 2015, nhất là ngay sau khi có một vụ tấn công khủng bố nào đó trên thế giới. Hậu quả là số người theo dõi mạng Twitter giảm mạnh nhưng công ty vẫn cam kết tiếp tục chính sách này.

Theo Nguyễn Cao

Người Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm