1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Miếng đánh vờn trước khi vào trận

“Thỏa thuận Geneva” về việc giải quyết khủng hoảng Ukraine đạt được hôm 17/4 làm cả thế giới bất ngờ và được miêu tả như một bước đi lịch sử nhằm tháo ngòi nổ căng thẳng ở Ukraine. Tuy nhiên, việc thực hiện không dễ dàng, phụ thuộc rất nhiều vào việc Moscow có thuyết phục được lực lượng ủng hộ Nga ở Ukraine hay không.



Sau khi khủng hoảng Ukraine bùng nổ, lần đầu tiên hai phe ở thế đối chọi gay gắt là Nga và phương Tây ngồi vào bàn đàm phán tại Geneva vào hôm 17/4. Sau 7 giờ đấu tranh căng thẳng, 4 bên tham gia đàm phán gồm Nga, Mỹ, liên minh châu Âu (EU) và Ukraine đã đạt được thỏa thuận giải giáp vũ trang các tổ chức phi pháp, triệt thoái các phần từ phi pháp chiếm giữ trụ sở chính quyền, đặc xá cho những người chiếm giữ chủ động giao nộp vũ khí và rút khỏi trụ sở chính quyền, sửa đổi Hiến pháp… (dưới đây gọi tắt là “Thỏa thuận Geneva”).

Miếng đánh vờn trước khi vào trận
Người biểu tình miền đông-nam Ukraine ủng hộ liên bang hóa hóa vẫn chưa cho thấy dấu hiệu lùi bước. Ảnh: AFP/TTXVN

Hi vọng giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine kéo dài nhiều tháng qua lóe lên, nhưng ngay sau đó đã trở nên mờ mịt bởi các phần tử vũ trang chiếm giữ trụ sở chính quyền ở hơn 10 thị trấn thuộc miền Đông Ukraine từ chối rút đi. Người phát ngôn tự phong của cái gọi là “Nước Cộng hòa Donetsk” chỉ trích những người nắm quyền ở Kiev hiện nay đã giành lấy chính quyền bằng chính biến, đó là hành động phi pháp, cho nên, họ chỉ rút đi sau khi chính phủ lâm thời ở Kiev bị giải tán.

Nếu các phần tử vũ trang Donetsk không tự động rút khỏi những nơi đang chiếm giữ, chính phủ lâm thời ở Kiev cũng không biết phải làm sao. Bởi trước đó khi họ trống giong cờ mở thực hiện “chiến dịch chống khủng bố toàn diện chưa từng có”, nhưng gì diễn ra tiếp theo đã trở thành trò cười, lực lượng chính quy cả đi trấn áp “phần tử khủng bố” rốt cuộc lại để hàng loạt xe bọc thép rơi vào tay kẻ địch. Rõ ràng, đến trang bị vũ khí của mình còn không bảo vệ được thì đâu có thể nói tới việc hoàn thành nhiệm vụ. Vì chuyện này, chính phủ lâm thời ở Kiev được một phen hú hồn, tin rằng sau này không dám khinh suất trong việc xuất quân trấn áp nữa và sẽ phải đặt hi vọng vào việc “phần tử khủng bố” ở Donetsk nghe theo ‘lời khuyên” của Nga.

Tuy nhiên, người biểu tình ở Donetsk mà Kiev gọi là “phần tử khủng bố” đã tuyên bố rằng họ chỉ rút khỏi các trụ sở chính quyền và hạ vũ khí khi Kiev phóng thích tất cả tù nhân chính trị và thực hiện các bước để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về hệ thống chính trị của Ukraine. Việc này có thể trở thành cái cớ để Mỹ trách cứ Nga không thuyết phục được phái ủng hộ Nga ở miền Đông Ukraine. Nhưng Moskva hoàn toàn có thể mỉm cười và trả lời rằng ở những nơi bị chiếm giữ phi pháp hoàn toàn không phải chỉ có mình phần tử vũ trang Đông Ukraine, các phần tử cánh hữu, thân phương Tây lật đổ Tổng thống lưu vong Viktor Yanukovych cũng làm điều tương tự ở Kiev. Những điều khoản trong “Thỏa thuận Geneva” có phạm vi bao phủ toàn Ukraine chứ không phải chỉ bó hẹp ở khu vực miền Đông Ukraine.

Nói tóm lại, “Thỏa thuận Geneva” đạt được, nhưng việc thực thi nó còn là một câu hỏi. Chính Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tỏ ý hoài nghi về tương lai của “Thỏa thuận Geneva” khi nói rằng "Chúng tôi sẽ không tính đến thỏa thuận, nếu chưa nhìn thấy nó được thực thi". Washington cũng đe dọa sẽ tăng mức trừng phạt với Moscow nếu khủng hoảng tại Ukraine tiếp diễn. Nhưng nếu “cây gậy” vẫn treo lơ lửng, cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ khó lòng chấm dứt bởi nếu tình hình loạn lạc ở Ukraine tiếp tục, Nga càng có thêm thời gian và không gian để xoay xở.

Khi “Thỏa thuận Geneva” biến thành mớ giấy lộn, người ta sẽ phải tính tới việc đàm phán cho ra đời một thỏa thuận mới và có thể phương Tây sẽ rơi vào thế trận “đánh lấn” mà Nga bày ra. Vì thế, “Thỏa thuận Geneva” có thể chỉ là “miếng đánh vờn” trước khi các “đô vật” vào trận.

Theo Huyền Linh
Baotintuc.vn