1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Máy bay năng lượng mặt trời vượt Thái Bình Dương

(Dân trí) - Sáng sớm 31/5, chiếc máy bay năng lượng mặt trời Solar Impulse 2 đã khởi hành từ Nam Kinh, Trung Quốc với đích đến là đảo Hawaii của Mỹ, trong chặng thứ 7 trên hành trình vòng quanh thế giới mà không cần nhiên liệu.

Solar Impulse 2 đang hướng tới mục tiêu chinh phục Thái Bình Dương (Ảnh: AFP)
Solar Impulse 2 đang hướng tới mục tiêu chinh phục Thái Bình Dương (Ảnh: AFP)

Phi công Andre Borschberg, 62 tuổi, đã cất cánh từ thành phố Nam Kinh vào khoảng 2 giờ 40 phút sáng (18 giờ 40 GMT), sau nhiều ngày nghỉ để chờ đợi điều kiện thuận lợi.

Theo các nhà tổ chức, chặng bay dài tới 8500km sẽ lập kỷ lục về thời gian bay của chỉ một phi công. Dự kiến ông Borschberg sẽ phải mất 6 ngày 6 đêm mới hoàn tất chuyến đi.

“Tôi đã cầu sẽ gặp may và hy vọng có thể vượt Thái Bình Dương”, ông Borschberg phát biểu với các phóng viên ít giờ trước khi cất cánh. “Chúng tôi có điều kiện thời tiết thuận lợi, có nghĩa là chúng tôi có một hành lang ổn định để tới Hawaii”.

Đây là chặng thứ 7 và cũng là chặng dài nhất trong nỗ lực lần đầu bay vòng quanh thế giới bằng máy bay năng lượng mặt trời, nhằm quảng bá cho năng lượng xanh.

Khởi hành từ Abu Dhabi hồi tháng 3, và dự kiến có 12 chặng bay kéo dài tổng cộng 25 ngày bay, tuy nhiên Solar Impulse 2 đã phải dừng lại 2 tháng ở Trung Quốc do thời tiết xấu.

Trong mỗi ngày bay qua Thái Bình Dương, ông Borschberg sẽ bay ở độ cao 28.000 feet (8534m), và chịu sự thay đổi nhiệt độ lên tới 55 độ C trong buồng lái hoàn toàn không được điều áp và cũng không có hệ thống sưởi. Ngoài ra, phi công cũng chỉ có được những phút ngủ ngắn, bằng cách ngả ghế lái ra sau – do cần phải kiểm tra chế độ lái tự động.

Trong trường hợp sự cố, máy bay sẽ phải bung dù và đáp xuống biển. Sẽ không có tàu cứu hộ nào đi theo máy bay, do vận tốc di chuyển 140km/h của máy bay là quá nhanh để các tàu có thể bắt kịp.

“Tôi không thấy việc này có gì mạo hiểm, bởi chúng tôi đã làm việc rất lâu để trả lời toàn bộ những câu hỏi khác nhau đó”, Borschberg nói.

Các nhà tổ chức đã xác định một số sân bay tại Nhật để máy bay có thể hạ cánh nếu gặp trục trặc kỹ thuật. Nhưng một khi máy bay đã ở giữa Thái Bình Dương, lựa chọn này sẽ không còn nữa.

“ngay khi chúng tôi ra khỏi khu vực này của thế giới, sau đó sẽ là đại dương bao la. Sẽ không còn cách nào để quay đầu lại”, phi công Borschberg thừa nhân.

Solar Impulse 2 được trang bị hơn 17.000 pin năng lượng mặt trời, gắn trên hai cánh với chiều dài tới 72m, dài hơn cả sải cánh của một chiếc Boeing 747. Trước khi bay qua Thái Bình Dương, máy bay đã được gỡ bỏ một số chi tiết, để giảm bớt trọng lượng, vốn đã chỉ khoảng 2,3 tấn.

Thanh Tùng
Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm