1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Máy bay Iran “đã bốc cháy trên không trung”

(Dân trí) - Chiếc máy bay Tupolev đâm xuống cánh đồng tại tây bắc Iran vào ngày 15/7 đã giết chết 168 người, trong đó có nhiều nhân vật quan trọng. Một quan chức cấp cao Iran cho hay, chiếc máy bay đã bắt lửa trên không sau khi gặp trục trặc kỹ thuật.

Máy bay Iran “đã bốc cháy trên không trung” - 1
Hiện trường chiếc máy bay gặp nạn.
 
Trong vụ tai nạn tồi tệ nhất Iran suốt 6 năm qua, chiếc máy bay của hãng hàng không Caspian Airlines đã lao xuống cánh đồng cùng với 153 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn, tạo ra một hố sâu, rộng mù mịt khói trên mặt đất.

 

Chiếc máy bay, đang đi từ Tehran tới thủ đô Yerevan của Armenia, đã đâm xuống đất gần thành phố Qazvin, tây bắc Iran trưa ngày 15/7, sau khi cất cánh được khoảng 16 phút.
 
 
Máy bay Iran “đã bốc cháy trên không trung” - 2
Một mảnh vỡ của máy bay.
 

“Đây là một vụ tai nạn khủng khiếp, các mảnh vụn của máy bay trải rộng trên một diện tích 200m2”, một quan chức cứu hỏa cho hay. “Đã có một vụ nổ lớn, để lại một hố lớn sâu tới 10m trên mặt đất. Chúng tôi không thể giúp được gì nữa. Chúng tôi chỉ cố gắng dập lửa càng nhanh càng tốt”, quan chức này nói trên đài truyền hình quốc gia.

 

Nhiều nhân vật quan trọng trên chiếc máy bay gặp nạn

 

Arsen Pogosian, phó chủ tịch cơ quan hàng không dân dụng của Armenia cho hay hầu hết hành khách trên máy bay là người Iran, với nhiều người thuộc cộng đồng người Armenia. Ngoài ra, có 6 công dân Armenia, 2 người Gruzia. 2 người Gruzia gồm một người là quan chức sứ quán Gruzia tại thủ đô Yerevan của Armenia; trong khi người kia là vợ của đại diện ngoại giao của Gruzia tại Tehran, Gocha Gvaramadze.
 
 
Máy bay Iran “đã bốc cháy trên không trung” - 3
Phần còn lại của đuôi máy bay.
 

Trong số những người trên máy bay còn có 8 thành viên của đội tuyển võ judo quốc gia Iran và 2 huấn luyện viên. Ngoài ra còn có một cựu nghị sỹ đại diện cho cộng đồng người Armenia ở Iran.

 
Hãng hàng không Caspian Airline cho hay, khoảng 20-25 hành khách trên máy bay là người Armenia. Tại Iran có khoảng 100.000 người dân tộc Armenia sinh sống. Rất nhiều người Armenia thường xuyên bay đi về giữa Tehran và Yerevan để thăm người thân ở Armenia.

 

Tại hiện trường người ta cũng tìm thấy tấm card của một người Nhật, hãng thông tấn IRNA cho hay.
 
 
Máy bay Iran “đã bốc cháy trên không trung” - 4
Mảnh vỡ được cho là một phần cánh máy bay.
 

Những người thân, bạn bè mắt ngấn lệ đã tới sân bay Yerevan để đọc bảng liệt kê danh sách những người trên máy bay. Iran là nhà của hàng ngàn người dân tộc Armenia. Các bác sỹ phải điều trị cho rất nhiều người thân của các nạn nhân bị sốc và bị đau tim.

 

Fina Karapetian, một người Armenia trong độ tuổi 30, cho biết chị gái cô cùng 2 cháu trai, một 11 tuổi và một 6 tuổi, đã ở trên chiếc máy bay gặp nạn. “Tôi nghe mọi người nói là tất cả đều đã chết. Tôi sẽ làm được gì nếu không có Armen and Vahe”, cô nói trước khi ngất đi.

 

“Chiếc máy bay Tupolev đã bị phá hủy hoàn toàn và các thi thể, thật đáng buồn, cũng bị cháy rụi”, chỉ huy cảnh sát thành phố Qazvin, ông Massoud Jafarinasab, cho biết trên hãng thông tấn bán chính thức Fars của Iran.

 

Đài truyền hình Iran cho thấy các mảnh vỡ và các mảnh thi thế cùng một chiếc hố sâu rộng, mịt mù khói với các mảnh kim loại rải rác khắp nơi. Khói bốc lên từ hiện trường trong khi cảnh sát và những người khác đứng quanh.

 

“Máy bay bốc cháy trên không”
 
 
Máy bay Iran “đã bốc cháy trên không trung” - 5
Vụ tai nạn đã để lại một hố rộng và sâu tới 10m trên mặt đất
 
Quan chức cấp cao của tỉnh Sirous Saberi cho hay chiếc máy bay đã gặp trục trặc kỹ thuật và đã cố gắng hạ cánh khẩn cấp. “Nhưng rất tiếc nó đã bốc cháy trong không trung và đâm xuống”, ông cho biết trên hãng thông tấn Fars.

 

Một nhân chứng cho biết trên đài truyền hình quốc gia IRIB rằng đã nhìn thấy động cơ bên trái của máy bay bốc cháy trên không trung.

 

Tuy nhiên, đài phát thanh quốc gia Iran lại khẳng định phi công không hề nhắc đến trục trặc kỹ thuật nào trong đoạn hội thoại đã được ghi âm lại với trạm điều khiển không lưu.

 

“Trên máy bay có 151 người lớn, 2 trẻ em và 15 thành viên phi hành đoàn”, đại diện của hãng hàng không Caspian Airline cho hay.
 
 
Máy bay Iran “đã bốc cháy trên không trung” - 6
Mảnh vỡ và các mảnh thi thể rải khắp một diện tích 200m2.

 

“15 hoặc 16 phút sau khi cất cánh, máy bay đã bị rơi gần thành phố Qazvin, cách bắc Tehran khoảng 150km”. Ông cũng cho biết thêm chiếc máy bay gặp nạn là chiếc Tu-154 và nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn chưa được sáng tỏ.

 

Hộp đen của máy bay cũng chưa được tìm thấy.

 

“Máy bay Iran cũ kỹ do bị Mỹ cấm vận”

 

Theo các chuyên gia an toàn hàng không, vài thập kỷ trở lại đây, Iran đã phải trải qua rất nhiều vụ tai nạn máy bay thảm khốc, mà không ít liên quan đến máy bay do Nga sản xuất. Do Mỹ áp đặt lệnh cấm vận Iran, ngăn không cho nước này mua các máy bay hoặc bộ phận máy bay mới của phương Tây, buộc họ phải bổ sung vào đội máy bay Boeing và Airbus “già cỗi” bằng các máy bay có từ thời Liên Xô cũ.
 
 
Máy bay Iran “đã bốc cháy trên không trung” - 7
Các nhân viên cứu hộ đã không giúp được gì nhiều ngoài dập lửa.
 

Đây là vụ tai nạn máy bay thảm khốc thứ ba liên quan đến một chiếc Tupolev Tu-154 tại Iran kể từ năm 2002 và là vụ tai nạn thảm khốc nhất kể từ năm 2003, khi một chiếc Ilyushin Il-76, cũng Liên Xô sản xuất, đã bị đâm ở vùng núi Iran.

 

Tháng 6/2006, 29 người đã thiệt mạng khi chiếc máy bay chở khách Air Tour Tupolev 154 bốc cháy lúc hạ cánh ở thành phố Mashhad, đông bắc Iran. Năm 2002, toàn bộ 118 người trên chiếc Air Tours Tupolev 154 khác thiệt mạng khi máy bay gặp tai nạn gần thành phố miền tây Khorramabad.

 

Tháng 2/2003, một chiếc máy bay chở binh sỹ Ilyushin-76 bị đâm ở đông nam Iran, khiến toàn bộ 276 binh sỹ thuộc Lực lượng vệ binh Cách mạng Iran và phi hành đoàn thiệt mạng.

 

Hãng hàng không Caspian Airlines thành lập vào năm 1993, có trụ sở tại Tehran. Đội máy bay toàn là loại Tupolev của họ kết nối các thành phố ở Iran và các tuyến đường tới Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Ukraine và Armenia.

 

Phan Anh

Theo Reuters