1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mâu thuẫn với phương Tây, Trung Quốc gặp khó với "Con đường tơ lụa Bắc Cực"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trung Quốc đang có quan hệ căng thẳng với nhiều nước Bắc Cực và giới quan sát cho rằng điều này có thể gây trở ngại cho kế hoạch xây dựng "Con đường tơ lụa Bắc Cực" của Bắc Kinh trong thời gian tới.

Mâu thuẫn với phương Tây, Trung Quốc gặp khó với Con đường tơ lụa Bắc Cực - 1

Tàu phá băng của Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa Xã).

Ba năm sau khi lần đầu Trung Quốc thông báo về kế hoạch xây dựng "Con đường tơ lụa vùng Cực", Bắc Kinh đã có nhiều động thái mở rộng hiện diện ở Bắc Cực.

Trung Quốc đã mở tuyến vận tải hàng hóa mới và tiến hành các cuộc thám hiểm khoa học trong khu vực. Và cuối năm ngoái, nước này cũng đã công bố kế hoạch phóng vệ tinh vào năm 2022 để theo dõi các tuyến đường vận chuyển và theo dõi sự thay đổi của băng trên biển.

Kế hoạch này nằm trong sáng kiến tỷ USD "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế thông qua hoạt động đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng tầm nhìn trên của Trung Quốc có thể bị cản trở bởi quan hệ có dấu hiệu lao dốc của nước này với phương Tây, dù Bắc Kinh vẫn đang nhận được sự hỗ trợ từ Nga.

Trung Quốc giới thiệu "Con đường tơ lụa vùng Cực" hồi năm 2018, tuyên bố họ sẽ kêu gọi các công ty tăng cường hoạt động ở Bắc Cực, dù nước này không phải là một quốc gia có lãnh thổ ở Bắc Cực.

Diễn đàn quốc tế chính cho những vấn đề liên quan tới khu vực trên là Hội đồng Bắc Cực, bao gồm 8 quốc gia có lãnh thổ ở Vòng Bắc Cực - Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ.

Trung Quốc, nước hiện đang đóng vai trò quan sát viên ở hội đồng trên từ năm 2013, hiện đang gặp phải những căng thẳng với nhiều nước trong khu vực.

Chỉ riêng trong tuần trước, Trung Quốc đã áp lệnh trừng phạt trực tiếp lên Mỹ và Canada và gián tiếp lên Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Điển thông qua Liên minh châu Âu (EU). Động thái của Bắc Kinh nhằm trả đũa những chỉ trích và cả lệnh trừng phạt mà phương Tây nhằm vào chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương.

Quan hệ xấu đi với các nước phương Tây đồng nghĩa Trung Quốc có thể gặp trở ngại trong việc triển khai kế hoạch liên quan tới Bắc Cực. Vào thời điểm này, Trung Quốc được xem sẽ cần phải nghiêng sang Nga, quốc gia dự kiến sẽ nhận chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bắc Cực trong 2 năm tới từ tháng 5.

Thách thức của Trung Quốc

Tuy nhiên, Wang Chuanxing, chuyên gia về khoa học chính trị từ đại học Đồng Tế, Trung Quốc, nhận định rằng Bắc Kinh không thể hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ Nga để mở rộng khả năng tiếp cận tại Bắc Cực.

"Trung Quốc sẽ cần phát triển cả quan hệ song phương và quan hệ liên chính phủ ở cấp độ hội đồng để thúc đẩy các kế hoạch", ông Wang nói.

"Nga coi Bắc Cực là sân sau và có hàng loạt lợi ích về an ninh ở đây. Đã có những thành công khi bắt tay với Trung Quốc trong khu vực và vẫn còn nhiều khả năng để hợp tác hơn, nhưng trên thực tế, Nga cũng có nhiều cân nhắc, bao gồm cả mối quan hệ với Mỹ. Vì vậy, sẽ không thực tế nếu mong đợi những động thái lớn từ Nga có thể mang lại lợi ích một cách đơn phương cho Trung Quốc".

Một nhà nghiên cứu tại Đại học Bắc Cực của Na Uy đồng ý rằng Trung Quốc cần nhiều hơn sự hợp tác với Nga để hiện thực hóa tầm nhìn của họ.

Chuyên gia trên cho biết một số dự án thành công của Trung Quốc tại Bắc Cực cho đến nay đều liên quan tới dự án hợp tác với Nga. Tuy nhiên, Trung Quốc đã thất bại trong việc đấu thầu dự án tân trang sân bay Greenland ở Đan Mạch, sân bay Kemijärvi ở Phần Lan, và một mỏ vàng ở Nunavut ở miền bắc Canada.

Giới quan sát cho rằng dù Trung Quốc đang nâng cao khả năng tiếp cận Bắc Cực bằng việc chế tạo tàu phá băng nhưng họ cũng phải đối mặt với viễn cảnh rằng lộ trình đầu tư của họ tại khu vực đang "ngày càng thu hẹp".

"Việc cả Mỹ, Đan Mạch, Phần Lan và Canada đều chặn đầu tư của Trung Quốc trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và tài nguyên trong thời gian qua khiến các công ty Bắc Kinh sẽ phải đối mặt môi trường đầu tư khá 'thù địch' trên hầu hết khu vực Bắc Cực", một chuyên gia tới từ đại học Hong Kong nhận xét.