1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mật vụ biến dinh Tổng thống Hàn Quốc thành "pháo đài bất khả xâm phạm"

Minh Phương

(Dân trí) - Cảnh sát và cơ quan điều tra không thể thực thi lệnh bắt giữ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol do cuộc đối đầu căng thẳng với lực lượng an ninh.

Mật vụ biến dinh Tổng thống Hàn Quốc thành pháo đài bất khả xâm phạm - 1

Lực lượng an ninh và những người ủng hộ đã ngăn cảnh sát và nhóm điều tra thực thi lệnh bắt giữ Tổng thống Yoon Suk-yeol ngày 3/1 (Ảnh: AFP).

Cuộc đối đầu căng thẳng ở dinh tổng thống

Đầu giờ chiều 3/1, Văn phòng Điều tra Tham nhũng Hàn Quốc (CIO) thông báo, tạm ngừng thực thi lệnh bắt giữ đối với Tổng thống Yoon Suk-yeol và sẽ xem xét các bước tiếp theo.

"Chúng tôi xác định rằng việc thi hành lệnh bắt giữ sẽ gần như không thể diễn ra do tình trạng đối đầu liên tục, và đã đình chỉ việc thi hành lệnh vì lo ngại cho sự an toàn của nhân viên tại chỗ do sự phản kháng gây ra", CIO thông báo và cho biết họ lấy làm tiếc về hành xử của Tổng thống.

Trước đó, hôm 2/1, cảnh sát và công tố viên cũng phải từ bỏ kế hoạch bắt giữ Tổng thống Yoon sau khi hơn 1.000 người ủng hộ ông tập trung bên ngoài dinh tổng thống.

Trong lần thực thi hôm qua, họ rõ ràng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn với hỗ trợ của khoảng 2.700 cảnh sát. Tuy nhiên, điều này cũng không giúp họ thực thi lệnh bắt giữ.

Họ tiến vào dinh thự tổng thống khoảng 8h. Ban đầu họ bị khoảng 20 cận vệ chặn lại và chỉ được phép vào bên trong sau gần một giờ đồng hồ.

Các nhà điều tra và cảnh sát có mặt bên ngoài dinh tổng thống từ sáng sớm. Họ trình văn bản của tòa án về quyết định bắt giữ Tổng thống, nhưng bị lực lượng an ninh của tổng thống từ chối cho vào với lý do khu vực hạn chế.

Một quan chức của CIO cho hay, nhóm thi hành gồm 20 nhà điều tra và 80 cảnh sát đã tiếp cận dinh tổng thống trong phạm vi 200m, nhưng bị chặn lại bởi hàng chục xe buýt và ô tô, cũng như một "bức tường người" bao gồm khoảng 200 binh sĩ và đặc vụ thuộc Cơ quan An ninh Tổng thống (PSS).

Cuộc đối đầu căng thẳng buộc CIO quyết định đình chỉ thực thi lệnh bắt giữ sau 6 giờ đồng hồ.

Quyền lực của Cơ quan An ninh Tổng thống

Mật vụ biến dinh Tổng thống Hàn Quốc thành pháo đài bất khả xâm phạm - 2

Các nhà điều tra bên ngoài dinh thự tổng thống Hàn Quốc sáng 3/1 (Ảnh: Yonhap).

Được thành lập vào năm 1963, PSS tương đương với Cơ quan Mật vụ Mỹ, chịu trách nhiệm bảo vệ lãnh đạo cao nhất của đất nước.

Thành viên của PSS được tuyển dụng từ các cơ quan cảnh sát, quân đội và tình báo, nhưng tổng thống sẽ chọn người đứng đầu.

Người đứng đầu PSS đầu tiên dưới thời Tổng thống Yoon là bạn học của ông, Kim Yong-hyun, người sau này trở thành bộ trưởng quốc phòng. Ông Kim hiện bị giam giữ vì bị cáo buộc đóng vai trò chính trong vụ việc ban bố thiết quân luật gây tranh cãi hôm 3/12. Ông Kim vẫn trung thành với Tổng thống ngay cả khi ở trong trại giam.

Khi điều hành PSS, ông Kim được cho là đã giao cho Bộ Tư lệnh Phòng vệ Thủ đô chịu trách nhiệm duy nhất bảo vệ khu vực văn phòng tổng thống.

Thông thường, cảnh sát cũng tham gia vào việc đảm bảo an ninh cho tổng thống. Tuy nhiên, trong vụ việc hôm qua, binh sĩ quân đội là những người đầu tiên đối đầu và ngăn cản các nhà điều tra tiếp cận Tổng thống Yoon.

Theo cựu đại tá quân đội Kim Ki-ho, giảng viên Đại học Cơ đốc giáo Seoul, Bộ Tư lệnh Phòng vệ Thủ đô Seoul là một đơn vị tương tự như Lực lượng Vệ binh Hoàng gia.

Binh sĩ thuộc lực lượng này phải tuân thủ những "mệnh lệnh nghiêm ngặt" và sẽ phải tuân theo PSS thay vì cảnh sát hay các nhà điều tra tìm cách tiếp cận Tổng thống Yoon.

"Nếu họ được lệnh bảo vệ nơi ở của tổng thống, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ", ông Kim Ki-ho nói.

Bản thân PSS có một lịch sử đầy sóng gió. Vào những năm 1970, PSS nắm giữ quyền lực to lớn dưới thời Tổng thống Park Chung-hee.

Quyền lực của PSS thậm chí còn là một yếu tố trong cuộc tranh giành quyền lực nội bộ mà đỉnh điểm là vụ ông Park bị giám đốc tình báo ám sát vào năm 1979.

Sau đó, PSS phần lớn đã bị giải tán, nhưng vẫn được Đạo luật An ninh Tổng thống cấp quyền lực sâu rộng, cho phép cơ quan này bảo vệ tổng thống.

Hôm 3/1, PSS đã sử dụng những quyền lực sâu rộng đó để chặn các nhà điều tra, nhưng các chuyên gia đang đặt câu hỏi liệu điều này có thực sự hợp pháp hay không.

Các nhóm dân sự và chính trị gia đối lập ngay lập tức đệ đơn khiếu nại hình sự đối với người đứng đầu PSS Park Jong-jun, cáo buộc ông cản trở công lý.

Giáo sư luật hiến pháp Lim Ji-bong tại Đại học Sogang nói với AFP rằng ông Park và cấp dưới của ông "đã thực hiện một hành động hoàn toàn bất hợp pháp, vi hiến và có thể phải chịu hình phạt vì cản trở công vụ".

Với tư cách là người đứng đầu PSS, ông Park cũng có thể bị xét xử vì tội "lạm dụng quyền lực".

Theo AFP