1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Mặt trận" mới trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung

(Dân trí) - Ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận sau cuộc chiến thương mại căng thẳng, giới chuyên gia cho rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa thể chấm dứt tình trạng đối đầu.

Mặt trận mới trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Bắc Kinh năm 2017. (Ảnh: Getty)

Cả Mỹ và Trung Quốc đã đối đầu nhau trong cuộc chiến thương mại kéo dài suốt một năm qua, gây tác động lớn tới nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, không chỉ dừng lại ở lĩnh vực thương mại. Mâu thuẫn này thể hiện qua cuộc đua giành quyền lực giữa hai quốc gia với hai tầm nhìn hoàn toàn khác biệt về thế giới.

Dù cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có kết thúc bằng một thỏa thuận hay không, tình trạng đối đầu giữa hai nước được cho là sẽ ngày càng mở rộng và trở nên khó giải quyết hơn.

“Chúng ta đã bước vào một tình thế mới khi cuộc cạnh tranh địa chính trị Mỹ - Trung leo thang hơn và trở nên rõ ràng hơn. Thỏa thuận thương mại sẽ chỉ làm lắng dịu một giai đoạn trong cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc, tuy nhiên sự lắng dịu đó chỉ mang tính chất tạm thời và có hiệu lực hạn chế”, Michael Hirson, giám đốc châu Á tại hãng tư vấn Eurasia Group, nhận định.

Giới phân tích cho rằng cuộc đối đầu Mỹ - Trung có thể sẽ tiếp diễn trong lĩnh vực công nghệ then chốt khi cả hai nước đều tìm cách nâng cao vị thế như một nhà lãnh đạo công nghệ toàn cầu.

Các vấn đề liên quan tới chuyển giao công nghệ là phần trọng tâm trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong những tháng gần đây.

“Mỗi nước hiện nay đều nhận ra rằng sự thịnh vượng, giàu có, an ninh kinh tế, an ninh quân sự của họ đều liên quan tới việc duy trì thế mạnh về công nghệ”, Stephen Olson, nhà nghiên cứu tại cơ quan tư vấn thương mại toàn cầu Hinrich Foundation, nhận định.

Cuộc đua công nghệ

Nhiều người cho rằng cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra và tập đoàn Huawei, hãng công nghệ khổng lồ của Trung Quốc, đang là trọng tâm trong cuộc chiến này.

Huawei đã trở thành cái tên gây chú ý toàn cầu khi Mỹ và nhiều nước cảnh báo về nguy cơ an ninh có thể xảy ra nếu sử dụng các sản phẩm của Huawei.

Mỹ đã cấm các cơ quan liên bang sử dụng các sản phẩm của Huawei và kêu gọi các đồng minh cũng gia nhập làn sóng tẩy chay tập đoàn này. Cả Australia và New Zealand đều cấm sử dụng các thiết bị của Huawei trong mạng lưới di động 5G thế hệ mới.

Tuy nhiên, Huawei cho biết họ hoạt động độc lập với chính phủ Trung Quốc. Nhà sáng lập Huawei hồi tháng 2 khẳng định công ty của ông không bao giờ tiến hành bất kỳ hoạt động gián điệp nào.

Mâu thuẫn bị đẩy lên cao trào sau vụ Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, con gái nhà sáng lập Huawei và là giám đốc tài chính của tập đoàn, theo yêu cầu của Mỹ hồi tháng 12 năm ngoái và gần đây nhất là vụ Huawei khởi kiện chính phủ Mỹ.

Huawei cũng thực hiện chiến dịch “phản công” nhằm vào công chúng. Tập đoàn công nghệ Trung Quốc đã đăng quảng cáo trên tạp chí Wall Street Journal, nhắc nhở người dân Mỹ rằng họ “không nên tin vào những gì bạn nghe thấy”.

“Cụm từ “chiến tranh Lạnh” bị lạm dụng trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung, tuy nhiên cụm từ này ngày càng chính xác trong việc mô tả cuộc cạnh tranh công nghệ giữa hai nước”, chuyên gia Hirson nói.

Theo ông Hirson, mâu thuẫn Mỹ - Trung về vấn đề Huawei “là biểu hiện của cuộc cạnh tranh địa chính trị ngày càng leo thang” giữa hai nước.

“Cuộc cạnh tranh này (công nghệ) khó giải quyết hơn nhiều so với các vấn đề thương mại đơn thuần”, ông Hirson nói thêm.

Mặt trận mới trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung - 2

Phái đoàn Mỹ và Trung Quốc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 (Ảnh: Reuters)

Khi cuộc đua công nghệ Mỹ - Trung ngày càng tăng tốc, giới phân tích dự đoán Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp phi thuế quan để đối phó với Trung Quốc.

Theo giới phân tích, Mỹ có thể tiến hành các động thái như cản trở đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, hạn chế khả năng của các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc, gây sức ép mạnh hơn với các công ty Trung Quốc.

“Các biện pháp phi thuế quan không khiến thị trường chú ý như các biện pháp thuế quan, một phần bởi vì tác động của các biện pháp phi thuế quan khó đong đếm hơn, tuy nhiên chúng lại có tác động lớn hơn”, chuyên gia Hirson nhận định.

Năm ngoái Mỹ đã thông qua một đạo luật mới để hỗ trợ cho cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.

Đạo luật này đã củng cố quyền lực của chính phủ Mỹ trong việc xem xét, thậm chí ngăn chặn, các thỏa thuận kinh doanh có liên quan tới các doanh nghiệp nước ngoài. Đạo luật mở rộng phạm vi của các thỏa thuận được rà soát bởi Ủy ban về Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS).

Theo đó, CFIUS có trách nhiệm ra soát các thỏa thuận đầu tư nước ngoài xem chúng có gây ra nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Mỹ hay không.

Năm ngoái, ngay trước khi đạo luật mới được thông qua, CFIUS đã chặn thương vụ Ant Finanical, công ty con chuyên về thanh toán trực tuyến của tập đoàn Trung Quốc Alibaba, mua lại MoneyGram, công ty cung cấp dịch vụ chuyển tiền quốc tế của Mỹ.

Hợp tác toàn diện?

Các chuyên gia cho rằng mối quan hệ Mỹ - Trung phát triển tiếp theo như thế nào sẽ phụ thuộc một phần vào thỏa thuận thương mại mà hai nước đạt được.

Với những đòn trừng phạt thuế quan lẫn nhau, cả hai nước đều cho thấy sự sẵn sàng đàm phán sau khi thống nhất “đình chiến” thương mại vào tháng 12 năm ngoái.

Tuy nhiên, giới phân tích nói rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ đi theo một hướng khác, bất chấp thỏa thuận hai nước đạt được là gì.

Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ duy trì mối quan hệ hợp tác, phát triển và mang lại lợi ích cho nhau trong một số lĩnh vực. Tuy nhiên, họ cũng có thể dựng lên các rào cản trong một số lĩnh vực khác.

Thành Đạt

Theo BBC