1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

“Mặt trái” làn sóng đầu tư ồ ạt của Trung Quốc vào Campuchia

(Dân trí) - Làn sóng đầu tư từ Trung Quốc đã góp phần “thay da đổi thịt” nhiều khu vực tại Campuchia, song cũng mang lại những hệ quả về kinh tế xã hội cho quốc gia Đông Nam Á.

“Mặt trái” làn sóng đầu tư ồ ạt của Trung Quốc vào Campuchia - 1

Người Trung Quốc chơi bên trong sòng bài NagaWorld tại Phnom Penh. (Ảnh: Asiatimes)

Một thập niên vừa qua đã chứng kiến làn sóng đầu tư và du lịch chưa từng có tiền lệ từ Trung Quốc vào Campuchia. Dòng chảy vốn và lượng khách du lịch ngày càng tăng đã mang lại lợi ích, song cũng phá vỡ sự gắn kết xã hội và phát triển kinh tế của Campuchia.

Theo Kimkong Heng, nhà nghiên cứu tại Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia, các khoản đầu tư từ Trung Quốc không chỉ tác động tới chính sách đối nội và đối ngoại của Campuchia, mà còn dẫn tới những thay đổi sâu rộng về văn hóa xã hội và môi trường của quốc gia Đông Nam Á.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Campuchia bắt đầu có động lực phát triển sau khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2010. Trọng tâm của mối quan hệ này là sự gắn kết chặt chẽ của Campuchia với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Kể từ năm 2013, Campuchia đã có những bước tiến vượt bậc về phát triển cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường, chẳng hạn Đặc khu kinh tế Sihanoukville và Đường cao tốc Phnom Penh - Sihanoukville, dự án được khởi công từ tháng 3 năm nay.

Trong những năm vừa qua, Trung Quốc đã thay thế vị trí của Nhật Bản, trở thành nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất, đồng thời cũng là đồng minh thân cận nhất của Campuchia. Trung Quốc đã rót vốn xây dựng 7 dự án đập thủy điện, đáp ứng một nửa nhu cầu sử dụng điện của Campuchia. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng xây dựng 3.000 km đường cao tốc và 8 cây cầu tại Campuchia kể từ giữa thập niên 1990.

Thời báo Phố Wall ngày 21/7 dẫn các nguồn tin từ quan chức Mỹ cho biết, Campuchia thậm chí còn lên kế hoạch cho phép Trung Quốc sử dụng một phần căn cứ hải quân Ream. Tuy nhiên, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã bác bỏ thông tin này.

Từ năm 2013-2017, Trung Quốc đã đầu tư 5,3 tỷ USD vào Campuchia, tương đương gần 1 tỷ USD/năm. Năm 2018, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Campuchia đạt 3,1 tỷ USD, trong đó Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất.

Kim ngạch thương mại song phương đạt 6 tỷ USD vào năm 2017, trong đó xuất khẩu từ Trung Quốc vào Campuchia chiếm tới 87% trong số liệu trên. Theo Thủ tướng Hun Sen, Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương với Campuchia lên 10 tỷ USD vào năm 2023.

Gần đây nhất, đầu năm 2019, Trung Quốc cam kết hỗ trợ cho Campuchia 4 tỷ Nhân dân tệ (588 triệu USD) dưới hình thức viện trợ trực tiếp trong vòng 3 năm tới.

Các hình thức hỗ trợ khác của Trung Quốc dành cho Campuchia nằm trong khuôn khổ sáng kiến hợp tác Lancang - Mekong, trong đó Trung Quốc tuyên bố sẽ nhập khẩu 400.000 tấn gạo Campuchia trong năm 2019, viện trợ 90 triệu USD hỗ trợ ngành quốc phòng của Campuchia và cam kết hỗ trợ nếu Campuchia không còn được hưởng cơ chế ưu đãi về tiếp cận thương mại vào thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Nhiều khoản đầu tư lớn của Trung Quốc gần đây đổ dồn vào tỉnh Sihanoukville ven biển của Campuchia. Đây là nơi có vị trí thuận lợi và được chính phủ Campuchia mở cửa đón đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản và sòng bạc.

Hiện có hơn 80 sòng bạc, chủ yếu thuộc sở hữu của Trung Quốc, tại Sihanoukville. Sự đầu tư này đã thu hút thêm khách du lịch Trung Quốc tới Sihanoukville để chơi bài, biến khu vực này thành “thỏi nam châm” hấp dẫn các nhà đầu tư Trung Quốc.

Theo số liệu từ Bộ Du lịch Campuchia, năm 2018, khoảng 2 triệu du khách Trung Quốc đã tới Campuchia. Con số này dự kiến tăng lên 3 triệu người vào năm 2020.

Phía sau các dự án đầu tư Trung Quốc

“Mặt trái” làn sóng đầu tư ồ ạt của Trung Quốc vào Campuchia - 2

Hiện trường vụ sập nhà tại Sihanoukville khiến 28 người chết. (Ảnh: AP)

Theo báo cáo gần đây của chính quyền tỉnh Sihanoukville, công dân Trung Quốc hiện sở hữu hơn 90% cơ sở kinh doanh tại Sihanoukville, gồm khách sạn, sòng bạc, nhà hàng và quán mát xa. Tình trạng này khiến nhiều người lo ngại về “sự thống trị” của Trung Quốc đối với nền kinh tế địa phương tại Sihanoukville.

Nhiều hãng truyền thông địa phương và quốc tế đã vẽ ra bức tranh không mấy sáng sủa về sự lột xác của Sihanoukville, từ một thị trấn ven biển im lìm thành một trung tâm bài bạc theo kiểu Macau. Giới chỉ trích tin rằng khu vực này đang mất đi sự cuốn hút vốn có trong làn sóng bùng nổ của người Trung Quốc.

Cuộc nghiên cứu gần đây do Viện Hòa bình và Hợp tác Campuchia thực hiện đã ghi nhận sự lo ngại và tâm lý bài Trung Quốc ngày càng tăng trong cộng đồng người dân địa phương về sự phát triển của Sihanoukville, bất chấp sự chuyển mình về cơ sở hạ tầng và cơ hội việc làm do các khoản đầu tư Trung Quốc mang lại.

Vụ sập tòa nhà cao tầng đang được xây dựng tại Sihanoukville hôm 22/6 khiến 28 người thiệt mạng và ít nhất 26 người bị thương, trong đó phần lớn là công nhân xây dựng Campuchia, càng khoét sâu thêm tâm lý tiêu cực của người dân Campuchia về các khoản đầu tư của Trung Quốc.

Thông tin về các vụ quấy rối tình dục, bắt cóc và tai nạn giao thông liên quan tới người Trung Quốc cũng “đổ thêm dầu vào lửa”. Nhiều người Campuchia hiện nay có xu hướng tránh xa Sihanoukville, nơi từng là một điểm đến du lịch phổ biến với người dân địa phương, vì cho rằng khu vực này đã trở thành “vùng đất của Trung Quốc”. Một lý do khác khiến người Campuchia không còn hào hứng tới Sihanoukville là giá thực phẩm và nơi ở tăng vọt.

Mặc dù các dự án của Trung Quốc có liên quan tới Sáng kiến Vành đai và Con đường đóng góp đáng kể vào sự phát triển về kinh tế của Sihanoukville, song phần lớn người dân địa phương không được hưởng những lợi ích do đầu tư của Trung Quốc mang lại. Dường như chỉ có tầng lớp tinh hoa hay những người Campuchia sở hữu đất đai, nhà cửa hoặc có các cơ sở kinh doanh phục vụ người Trung Quốc mới được hưởng lợi.

Đã có những bằng chứng cho thấy nhiều công trình do Trung Quốc xây dựng tại Campuchia không được chính quyền địa phương kiểm soát hoặc giám sát chặt chẽ. Sau thảm kịch sập nhà gần đây, một ủy ban giám sát mới được giao nhiệm vụ rà soát tất cả dự án xây dựng trên cả nước Campuchia. Bộ Quản lý đai, Quy hoạch Đô thị và Xây dựng Campuchia cho biết đã phát hiện ít nhất 5 công trình hoạt động không có giấy phép tại Sihanoukville.

Theo nhà nghiên cứu Kimkong Heng, là một nước nhỏ, đang mở cửa và có nền kinh tế thị trường tự do với nguồn lực hạn chế, Campuchia khó có thể áp đặt các quy định chặt chẽ để giám sát và kiểm soát các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chính quyền Campuchia cũng cần hành động nếu tránh “hội chứng Sihanoukville” lan sang các khu vực khác trên cả nước.

Thành Đạt

Theo Nikkei