1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những dự án “triệu đô” đưa Campuchia xích lại gần Trung Quốc

(Dân trí) - Chín thỏa thuận được Campuchia ký với Trung Quốc bên lề Diễn đàn Vành đai và Con đường tại Bắc Kinh tuần trước chỉ là một phần trong làn sóng đầu tư ngày càng tăng của Bắc Kinh vào quốc gia Đông Nam Á.

Những dự án “triệu đô” đưa Campuchia xích lại gần Trung Quốc - 1

Thủ tướng Campuchia Hun Sen bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi tháng 4. (Ảnh: AP)

Thời báo Hoa nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, cam kết của Trung Quốc về việc cung cấp gói viện trợ trị giá 90 triệu USD để hỗ trợ ngành quốc phòng của Campuchia chỉ là một trong 9 thỏa thuận mà quốc gia Đông Nam Á đã ký với Bắc Kinh hồi tuần trước trong khuôn khổ Diễn đàn Vành đai và Con đường.

Các thỏa thuận này tiếp tục khẳng định mối quan hệ gần gũi giữa Campuchia với Trung Quốc và đẩy Phnom Penh rời xa một đối tác phát triển lớn là Liên minh châu Âu (EU).

Ngoài viện trợ quốc phòng, Trung Quốc cũng đồng ý tăng nhập khẩu gạo của Campuchia từ 300.000 tấn lên 400.000 tấn. Bắc Kinh cũng thông báo kế hoạch khởi động giai đoạn thứ hai của dự án phát triển tại tỉnh Sihanoukville ven biển Campuchia, nơi Trung Quốc đã xây dựng hơn 100 sòng bạc và hàng chục khách sạn cùng khu nghỉ dưỡng.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng cam kết giúp Campuchia giảm nhẹ thiệt hại từ các lệnh trừng phạt của châu Âu. EU trừng phạt Campuchia vì vấn đề nhân quyền cũng như một số vi phạm như bắt giữ thủ lĩnh đối lập Kem Sokha và giải tán đảng của ông này trước bầu cử.

“Là đối tác chiến lược toàn diện và bạn bè thân thiết của nhau, chúng tôi cũng là những người anh em chia sẻ một tương lai chung”, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói về mối quan hệ với Trung Quốc trong một bình luận trên Facebook sau Diễn đàn Vành đai và Con đường.

Theo Astrid Noren-Nilsson, nhà khoa học chính trị kiêm giảng viên tại Đại học Lund ở Thụy Điển, đây là “tín hiệu rõ ràng mà Trung Quốc gửi tới EU, rằng Trung Quốc sẽ thay thế vị trí mà EU vừa rút ra” tại Campuchia.

Hồi tháng 2, EU bắt đầu tiến trình xem xét lại thỏa thuận thương mại mà khối này đã ký với Campuchia. Theo thỏa thuận mang tên Mọi thứ trừ Vũ khí (EBA), EU cho phép Campuchia xuất khẩu mọi hàng hóa, ngoại trừ vũ khí, sang thị trường EU mà không đặt ra yêu cầu về hạn ngạch hay trách nhiệm.

Việc EU rút lại thỏa thuận EBA sẽ tác động rất lớn tới ngành may mặc, một ngành phát triển mạnh mẽ tại Campuchia với kim ngạch xuất khẩu lên tới 5 tỷ USD và 750.000 lao động. Theo bức thư do bộ trưởng thương mại Campuchia gửi Thủ tướng Hun Sen, nếu EU đình chỉ quy chế ưu đãi thương mại dành cho Campuchia, nước này sẽ phải trả 676 triệu USD/năm tiền thuế cho hàng hóa xuất khẩu sang thị trường EU.

Trong khi đó, EU đã áp thuế bảo hộ đối với mặt hàng gạo nhập khẩu từ Campuchia, khởi điểm ở mức 200 USD/tấn gạo và tỷ lệ này giảm nhẹ từng năm trong vòng 3 năm.

Trung Quốc "thế chân" EU?

Những dự án “triệu đô” đưa Campuchia xích lại gần Trung Quốc - 2

Máy móc được tập kết tại dự án đường cao tốc đầu tiên của Campuchia do công ty nhà nước Trung Quốc xây dựng. (Ảnh: AP)

Noren-Nilsson, chuyên gia về chính trị Campuchia, nhận định sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Campuchia đồng nghĩa với việc Thủ tướng Hun Sen có thể tin rằng, ông không cần đưa ra bất kỳ sự nhượng bộ nào với EU để tránh nguy cơ bị mất thỏa thuận EBA.

“Cam kết của Trung Quốc với Campuchia chắc chắn sẽ khiến cho triển vọng nhượng bộ (của Campuchia với EU) trở nên xa vời hơn”, chuyên gia Noren-Nilsson nhận định.

Ngoài các thỏa thuận đã ký kết, Thủ tướng Hun Sen được cho là đã đề nghị một doanh nghiệp Trung Quốc hợp tác với Tập đoàn Hoàng gia Campuchia để phát triển mạng lưới đường sắt của nước này. Ngoài ra, Tập đoàn Huaneng Trung Quốc cũng thông báo kế hoạch phát triển dự án điện mặt trời công suất 200 megawatt tại Campuchia. Chính phủ Campuchia cũng ký hợp đồng sơ bộ để phát triển mạng 5G với tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc.

Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Campuchia với số tiền đầu tư lên tới 12,6 tỷ USD kể từ năm 1994, trong đó phần lớn tập trung vào những năm gần đây. Theo số liệu của Hội đồng Phát triển Campuchia, Trung Quốc đã đầu tư 3,6 tỷ USD trong năm 2016 và chỉ một năm sau đó, số tiền này đã tăng lên 6,3 tỷ USD.

Greg Poling, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở ở Washington, dự đoán Trung Quốc sẽ còn tiếp tục viện trợ và đầu tư thêm cho Campuchia khi mối quan hệ giữa hai nước trở nên gần gũi hơn.

“Bắc Kinh ngày càng tăng cường miễn phí viện trợ, đầu tư và xóa nợ để đổi lấy sự ủng hộ về mặt chính trị của Phnom Penh cũng như khả năng tiếp cận của các công ty Trung Quốc”, chuyên gia Poling cho biết, đồng thời dự đoán “nhiều khả năng” sự ủng hộ về chính trị sẽ bao gồm sự tiếp cận về quân sự.

Hồi tháng 3, công ty xây dựng nhà nước Trung Quốc đã cam kết xây dựng tuyến đường cao tốc đầu tiên của Campuchia. Dự án 2 tỷ USD sẽ kết nối thủ đô Phnom Penh với khu du lịch ven biển Sihanoukville với khoảng cách 190km.

Khu nghỉ dưỡng ven biển Sihanoukville của Campuchia đã “thay da đổi thịt” do có sự đầu tư của Trung Quốc trong vài năm qua. Hơn 150 sòng bạc đã được xây dựng và hàng chục cần cẩu vẫn đang làm việc. Thủ tướng Hun Sen nói rằng giai đoạn phát triển tiếp theo tại Sihanoukville sẽ tạo thêm 800.000 việc làm, tăng đáng kể so với con số 200.000 trong giai đoạn đầu tiên.

Campuchia đã cho phép Union Development Group, một công ty tư nhân Trung Quốc, sử dụng 45.000 hecta “đất vàng” tại tỉnh Koh Kong và khoảng 20% diện tích bờ biển tại khu vực này để xây dựng khu du lịch với giá thuê khởi điểm chỉ 1 triệu USD/năm trong thời hạn 99 năm.

Mặc dù nhiều chủ sở hữu đất và người dân địa phương tại Campuchia được hưởng lợi từ các dự án đầu tư của Trung Quốc, song cũng ngày càng nhiều người lo ngại về những hệ quả của làn sóng đầu tư này.

Tháng 1/2018, tỉnh trưởng tỉnh Preah Sihanouk Yun Min đã bày tỏ sự thất vọng về tình trạng tội phạm và mất ổn định ngày càng tăng tại Sihanoukville liên quan tới các dự án đầu tư của Trung Quốc. Trong thư gửi Bộ Nội vụ Campuchia, tỉnh trưởng Yun Min than phiền về một loạt vấn đề như giá thuê bất động sản tăng cao hay việc các doanh nghiệp địa phương không đủ sức cạnh tranh với các công ty Trung Quốc hoặc “sự đổ bộ” ồ ạt của các lao động Trung Quốc tại các công trường xây dựng ở Campuchia.

Ngoài ra, các dự án của Trung Quốc tại Campuchia cũng bị chỉ trích vì gây hại tới môi trường hay dẫn đến các tranh chấp căng thẳng vì giá bất động sản leo thang.

Thành Đạt

Theo SCMP