1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mảnh vỡ tiết lộ chiến thuật "bắn mồi" giúp Ukraine tập kích tầm xa Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia nhận định Ukraine dường như đã sử dụng tên lửa "mồi" Mald nhằm gia tăng năng lực tấn công cho dòng tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow/SCALP.

Mảnh vỡ tiết lộ chiến thuật bắn mồi giúp Ukraine tập kích tầm xa Nga - 1

Mảnh vỡ được cho là tên lửa Mald của Ukraine dùng làm mồi nhử phòng không Nga (Ảnh: X).

Kiyv Post đưa tin, kể từ khi nhận được tên lửa Storm Shadow của Anh và Scalp của Pháp, Ukraine đã thực hiện nhiều cuộc tấn công tầm xa nhằm vào mục tiêu chiến lược của Nga.

Ukraine tuyên bố dòng tên lửa này đã đánh trúng một số mục tiêu của Nga ở Hạm đội Biển Đen, các chiến hạm ở vịnh Sevastopol, căn cứ Saky ở Crimea...

Theo giới quan sát, dù Storm Shadow/SCALP được biết tới là dòng tên lửa uy lực, khó bị đánh chặn, nhưng việc loại vũ khí có tốc độ tương đối chậm có thể xuyên qua hàng phòng thủ kiên cố của Nga ở khu vực chiến lược như Crimea được xem là gây ra bất ngờ.

Manh mối về cách các tên lửa Storm Shadow/SCALP được cho tập kích thành công đã xuất hiện, khi mảnh vỡ tên lửa mồi nhử phóng từ trên không cỡ nhỏ ADM-160 (Mald) được phát hiện sau khi Storm Shadow bắn vào 3 nhà máy ở khu vực Lugansk do Nga kiểm soát.

Mald được Raytheon chế tạo như một tên lửa mồi nhử phóng từ trên không, được bắn ra để gây nhầm lẫn và đánh lạc hướng hệ thống phòng không của đối phương. Nó tương tự như tên lửa hành trình nhưng có thể được lập trình để mô phỏng kiểu bay và bắt chước tín hiệu radar của nhiều loại máy bay hoặc tên lửa.

Mồi nhử đặc biệt hữu ích trong việc thu hút sự chú ý của lực lượng phòng không đối phương, giúp máy bay và/hoặc tên lửa tấn công có cơ hội tiếp cận mục tiêu tốt hơn.

Mald điều hướng bằng hệ thống dẫn đường quán tính và GPS kết hợp. Nó nặng khoảng 130kg, dài 2,85m với sải cánh dài 1,7m, được trang bị động cơ phản lực Pratt & Whitney TJ-150 với tầm bay gần 1.000km và tốc độ 0,9 Mach.

Mỹ và Ukraine chưa bao giờ xác nhận rằng họ đã sử dụng Mald trong chiến sự, nhưng Kiyv Post cho biết các mảnh vỡ sau cuộc tấn công của Storm Shadow cho thấy Mald dường như đã được triển khai.

Theo giới quan sát, trong một số trường hợp Nga tuyên bố bắn rơi tên lửa Storm Shadow/ SCALP của Ukraine nhưng dường như các vũ khí đó là Mald.

Cả Nga và Ukraine chưa bình luận về thông tin này.

Mảnh vỡ tiết lộ chiến thuật bắn mồi giúp Ukraine tập kích tầm xa Nga - 2

Tên lửa Mald (Ảnh: Raytheon).

Kiyv Post dẫn nguồn tin cho hay, toàn bộ tên lửa Mald ở Ukraine hiện tại dường như là dòng ADM-160B chỉ phát ra tín hiệu thụ động. Các phiên bản mới hơn của Mald gồm Mald-J có khả năng gây nhiễu điện tử, biến thể Mald có đầu đạn nổ có thể chống lại thiết bị phát radar phòng không. Ngoài ra, còn có tên lửa tấn công và tìm kiếm tự động Massm cho phép tìm kiếm trên diện rộng các hệ thống phòng không.

Bí ẩn khác xung quanh việc Ukraine sử dụng tên lửa mồi nhử là họ đã ứng dụng nền tảng nào để phóng Mald. Giới quan sát cho rằng Ukraine dường như đang triển khai Mald trên các máy bay chiến đấu MiG-29. Đây là dòng tiêm kích yểm trợ cho Su-24, loại máy bay có khả năng mang Storm Shadow của Ukraine.

MiG-29 trước đó đã được sửa đổi để mang tên lửa chống radar AGM-88 HARM và bom lượn tầm xa JDAM.

Theo Kyiv Post
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm