Quan chức Đức: Tên lửa Taurus là cơ hội còn lại duy nhất cho Ukraine
(Dân trí) - Thủ hiến bang Bavaria của Đức kêu gọi nước này viện trợ tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine và cho rằng đây là "cơ hội còn lại duy nhất" cho Kiev trong cuộc xung đột với Nga.
Phát biểu tại một cuộc họp ngày 7/1, lãnh đạo đảng Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU), Thủ hiến bang Bavaria, ông Markus Soeder, nhấn mạnh nếu Ukraine có được tên lửa hành trình tầm xa Taurus của Đức, họ "sẽ có khả năng đẩy lùi các cuộc tấn công tên lửa và máy bay không người lái liên tiếp" của Nga.
Ông cho rằng: "Đây là cơ hội duy nhất cho Ukraine để tìm lại động lực và ngăn Nga giành chiến thắng".
Theo ông, nếu Nga chiếm ưu thế và Mỹ tránh xa các cuộc khủng hoảng quốc tế nhiều hơn hiện nay, thì Đức và EU sẽ phải đối mặt với "vấn đề an ninh thực sự".
Do vậy, ông kêu gọi chính phủ Đức đáp ứng đề nghị lâu nay của Ukraine về việc viện trợ tên lửa Taurus.
Trong tuần qua, đại diện một số chính đảng ở Đức cũng kêu gọi viện trợ tên lửa này cho Kiev. Thậm chí, một số chính trị gia Đức công khai kêu gọi tấn công vào các hạ tầng ở Nga.
Đến nay, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn tỏ ra khá thận trọng và quyết định chưa đáp ứng đề nghị của Ukraine. Ông nhiều lần nhấn mạnh, tất cả các lô hàng vũ khí đang được đàm phán với các đối tác, bao gồm cả những lô hàng đang vận chuyển trên biển. Ông cũng lưu ý rằng việc cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không và đạn pháo vẫn là ưu tiên hàng đầu của Đức.
Cách đây 10 năm, Đức đã trang bị cho quân đội nước này khoảng 600 tên lửa hành trình Taurus.
Taurus là tên lửa hành trình tầm xa dành cho máy bay do Đức - Thụy Điển hợp tác sản xuất. Tên lửa này có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách hơn 500km. Taurus được đánh giá là một trong những tên lửa hành trình tiên tiến nhất do châu Âu sản xuất.
Ở một số khía cạnh, Taurus tương tự tên lửa Storm Shadow mà Anh đã cung cấp cho Ukraine, song tên lửa của Anh có tầm bắn hạn chế hơn.
Tên lửa của Đức có thể bắn trúng cả các mục tiêu riêng biệt như xe tăng, pháo, radar, sở chỉ huy, bệ phóng tên lửa và các mục tiêu lớn hơn như đoàn xe quân sự, cụm sở chỉ huy, căn cứ quân sự, kho bãi. Hơn nữa, máy bay mang tên lửa không cần phải đi vào khu vực phòng không của đối phương.
Đức là một trong những nước viện trợ nhiều nhất cho Kiev kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra cách đây gần 2 năm. Mặc dù vậy, Berlin còn khá dè dặt với các đề nghị cung cấp một số loại vũ khí cho Ukraine do lo ngại nguy cơ đối đầu trực tiếp với Moscow.
Nga nhiều lần tuyên bố việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí và huấn luyện cho quân đội Ukraine sẽ chỉ khiến xung đột kéo dài và có nguy cơ lan rộng, trong khi không thể thay đổi cục diện chiến trường.