1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Madison Nguyễn - chính khách gốc Việt đầu tiên ở California

Vừa đi thang máy lên văn phòng ở tầng 18, Madison Nguyễn vừa vui vẻ nói chuyện với đồng nghiệp ở toà thị chính. Trên đôi giày cao 7 cm, cô cũng chỉ cao đến điểm thắt trên cà vạt của họ.

Nữ uỷ viên hội đồng thành phố đã nhận việc được khoảng 4 tháng. Ở người phụ nữ 30 tuổi này, người ta luôn thấy sức mạnh, sự tự tin và toát ra cảm giác rằng không gì có thể đe doạ được và dường như cô được sinh ra để làm chính trị.

 

Lòng quyết tâm đã đưa người phụ nữ nhập cư từ tuổi thơ nghèo khó lên một vị trí mà cô chưa từng nghĩ là có thể.

 

Nhưng với những người biết về cô từ thời trung học tại trường Modesto, thì tiềm năng của Nguyễn là rõ ràng. "Dù trông nhỏ xíu, cô ấy cũng chiếm hết không gian mỗi khi bước vào phòng", Jim Autry, giáo viên tiếng Anh của cô tại trường trung học đầu những năm 1990, cho hay. "Cô ấy được sinh ra để làm lãnh đạo và tôi không hề ngạc nhiên trước những gì Nguyễn đạt được".

 

Autry cũng cho biết thêm rằng Nguyễn là một trong số những học sinh có thể nói chuyện với người lớn như một người lớn và "ở cô có sự lạc quan và tự tin mà ít người ở lứa tuổi đó có được".

 

Còn Denise Nguyễn, 28 tuổi, cho hay chị gái mình làm gì cũng rất tập trung.

 

"Khi còn rất trẻ chị ấy đã đặt mục tiêu rất cao rồi", Denise, giáo viên tiểu học ở Newark, phía bắc San Jose, cho hay. "Không gì có thể cản trở chị ấy và tính cách lạc quan đã mang lại những gì chị có được ngày nay".

 

Hồi tháng 11, khi Nguyễn nhận nhiệm sở tại Hội đồng thành phố San Jose, cô trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên trong hội đồng gồm 10 thành viên này. Cô cũng là người Mỹ gốc Việt đầu tiên trúng cử ở California.

 

Sau khi giành được bằng cử nhân tại Đại học California và cao học tại Đại học Chicago, Nguyễn đã trở lại thung lũng Silicon và làm trong ngành giáo dục. Giờ đây, với chức uỷ viên hội đồng thành phố, cô nhận lương 75.000 USD mỗi năm.

 

Nguyễn là con thứ 5 trong số 9 người con của ông bà Nho và Dang Nguyễn. Gia đình này đã rời làng quê ở Nha Trang đến Mỹ những năm đầu 1980. Họ đã sống trong một trại tỵ nạn ở Philippines hai năm trước khi đến Arizona.

 

Những đứa trẻ của gia đình này bắt đầu đi học. Madison Nguyễn, khi đó 7 tuổi, bắt đầu học lớp 2 tại trường tiểu học James Marshall và sau đó là trường trung học Mark Twain.

 

Nguyễn cho biết cô thích đến trường từ khi còn bé. "Thật là may mắn khi được đi học, ở đó có bạn bè, được học và ăn uống trong canteen", cô nói và cho biết với một gia đình có 9 người con như nhà cô, hiếm khi nào có đồ ăn vặt ở nhà.

 

Và đến trường cũng đồng nghĩa với việc Nguyễn không phải ra đồng cùng bố mẹ. Từ lúc 12 tuổi đến khi 18, cô làm việc cùng bố mẹ và các anh chị em vào mỗi mùa hè. Họ hái mơ và dâu tây ở Patterson và Westley.

 

Nguyễn cho biết người quản đốc sẽ bấm lỗ vào chiếc thẻ của cô mỗi khi cô hái được một giỏ quả. Và với công việc đó, Nguyễn kiếm được khoảng 1 USD mỗi giờ. Người quản đốc thường phân biệt đối xử với người làm, Nguyễn kể, và chính vì vậy cô quyết định nghiên cứu lịch sử và xã hội học khi lên đại học.

 

"Chúng tôi bị đối xử như công dân hạng hai. Tôi muốn tìm hiểu xem tại sao họ làm thế, đối xử với người khác tồi tệ chỉ vì trông họ khác biệt. Tôi muốn biết đất nước này xoay chuyển như thế nào và muốn thấu hiểu luật pháp của họ nữa", Nguyễn nói.

 

Gia đình cô là lớp người Việt đầu tiên đến Modesto. Cha mẹ của cô không biết tiếng Anh nhưng cô phiên dịch giúp họ. Từ khi còn là thiếu niên, Nguyễn đã đi cùng các nhân viên hoạt động xã hội của quận và giúp các gia đình Việt NamModesto làm thẻ cư trú và thẻ an sinh xã hội.

 

Ông bà Nho và Dang Nguyễn, giờ đã 64 và 69 tuổi, vẫn sống tại Modesto. Họ làm nghề hái quả và đóng hộp cho đến lúc nghỉ hưu nhưng hy vọng mà họ đặt vào con cái thì lớn hơn thế nhiều.

 

"Cha mẹ tôi dạy chúng tôi rằng chúng tôi cần học hành để có thể tồn tại tại đất nước này và họ muốn chúng tôi làm gì đó để giúp đỡ cộng đồng", Nguyễn cho hay.

 

Trong số 9 người con của ông bà Nguyễn, 8 người đã tốt nghiệp đại học. Họ làm trong ngành giáo dục và dược phẩm, 3 người trong số đó có cơ sở làm ăn riêng. Và nửa trong số đó đã đổi tên.

 

Khi Nguyễn lên 18 tuổi và trở thành công dân Mỹ, cô đã đổi tên từ Phuong Tuu thành Madison. Bố cô thì giải thích rằng vì cô thích cựu tổng thống Madison nhưng Nguyễn lại có cách giải thích khác.

 

"Tôi chọn Madison vì đó là tên của cô gái người cá trong phim “Splash” với diễn viên Daryl Hannah và Tom Hanks. Đó là bộ phim tiếng Anh duy nhất mà gia đình tôi xem khi tôi còn nhỏ", cô cho biết.

 

Nguyễn cũng là người con duy nhất trong gia đình chọn chính trị làm sự nghiệp. Khi còn theo học lịch sử tại Đại học California, cô đã tham gia hoạt động xã hội vì quyền lợi của người lao động tại các nông trại và tuần hành tại WatsonvilleSalinas.

 

Ít năm sau, vào năm 2002, cô làm giám đốc Trung tâm phi lợi nhuận Cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại San Jose. Thất vọng vì số người gốc Việt đi bầu cử thấp, cô tổ chức một cuộc tuần hành tại hội chợ quận Santa Clara. Sự kiện này đã thu hút được 17.000 người và 5.000 người đã đăng ký đi bỏ phiếu.

 

Thành công của Nguyễn đã thu hút được sự chú ý của các nhà lãnh đạo cộng đồng người Việt tại San Jose, những người đã khuyến khích cô chạy đua giành chức giám đốc hội đồng giáo dục trường FranklinMcKinley. Đó là cuộc chạy đua đầu tiên của Nguyễn.

 

Là một người trẻ tuổi, Nguyễn không có nhiều tài sản để đóng góp. Cô đã phát động chiến dịch vận động đến từng người dân trong cộng đồng người Việt tại San Jose, khoảng 1/10 cư dân thành phố. Cô đến gõ cửa từng nhà, bắt tay các cử tri, tham dự các cuộc gặp mặt ở địa phương, tạo thành mạng lưới tại các nhà hàng và quán cà phê. Sự kiên nhẫn của cô đã mang lại kết quả.

 

Là người đầy triển vọng trong cuộc đua gồm 4 người để giành 3 chức trong Hội đồng giáo dục của trường, Nguyễn đã dễ dàng đánh bại người đương chức với 5.000 phiếu, chiếm 28%. Cô làm việc trong hội đồng giáo dục đến tận năm ngoái, khi cánh cửa tiếp theo trên con đường chính trị của cô mở ra.

 

Một thành viên Hội đồng thành phố San Jose từ chức và để khuyết một ghế, các nhà lãnh đạo cộng đồng người Việt lại khuyến khích Nguyễn chạy đua giành vị trí này.

 

Cuộc bầu cử lên đến đỉnh điểm khi cô bước vào cuộc đấu loại với một ứng viên gốc Việt khác: Linda Nguyễn, một luật sư 28 tuổi và xuất phát từ một gia đình giàu có và quyền thế.

 

Nhờ có sự ủng hộ từ Hội đồng Lao động South Bay và Phòng Thương mại thung lũng Silicon, Madison Nguyễn cuối cùng đã đánh bại Linda Nguyễn trong một cuộc đua gay cấn. Cô giành được 62% tổng số phiếu.

 

Tại Hội đồng thành phố, Nguyễn đại diện cho quận nghèo và tệ nạn nhất ở phía nam San Jose. Đa số các cử tri của cô là người Latinh và người Việt.

 

Thị trưởng San Jose Ron Gonzales cho biết Nguyễn là người điềm đạm và có sự kiên định cần thiết để đáp ứng những gì mà cử tri của cô cần.

 

Theo yêu cầu của Gonzales, Nguyễn mới được đề bạt vào ban giám đốc cơ quan quản lý giao thông của thành phố. Mục tiêu đầu tiên của Nguyễn là nâng cấp vỉa hè, đường phố và những ngã tư bị lãng quên. Cô cũng phụ trách dự án xây dựng công viên và vườn văn hoá Việt Nam.

 

Vì trúng cử giữa nhiệm kỳ nên Nguyễn sẽ tiếp tục chạy đua vào tháng 6 này. Cô hy vọng sẽ làm việc tối đa 8 năm trong hội đồng thành phố.

 

"Tôi yêu mọi giây phút của quãng thời gian này. Tôi cảm thấy mình ở vị trí mà có thể làm rất nhiều việc cho mọi người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội", Nguyễn nói.

 

Kế hoạch cho tương lai tiếp sau đó của Nguyễn chưa chắc chắn. Cô cho biết có thể cô sẽ trở lại ngành giáo dục. Lớn lên tại Modesto, Nguyễn mang theo mình những giá trị cộng đồng mà cô cho rằng những đứa trẻ ở các thành phố lớn không thể có.

 

Bất kỳ ai biết Nguyễn từ khi cô còn học tại trường trung học Modesto đều không hề ngạc nhiên trước những gì mà người phụ nữ đầy quyết tâm này đạt được.

 

"Cô ấy đã rất rất tích cực", Stacy McLean, một bạn học cũ của Nguyễn cho hay. "Cô ấy luôn đạt điểm cao và tham gia tất cả các câu lạc bộ mà bạn có thể nghĩ ra được. Tôi luôn biết rằng cô ấy sẽ tiến xa và có thể làm tốt".

 

Tima Mendez, một bạn học khác của Nguyễn, đã mất liên lạc với cô suốt 10 năm liền sau khi họ tốt nghiệp năm 1994 và vừa gặp lại. "Tôi cảm thấy mình chẳng làm được gì cả nếu so với những gì cô ấy đã đạt được", Mendez, người phụ nữ có hai con và làm nội trợ, cho biết. "Nhưng cô ấy bảo với tôi rằng chúng tôi chỉ chọn những con đường đi khác nhau mà thôi". 

 

Theo Ngọc Sơn

Vnexpress/Modbee