Lý Quang Diệu giúp đảo quốc sư tử "hóa rồng" như thế nào?
(Dân trí) - Với tầm nhìn rộng và tư duy lãnh đạo đầy thực tế, Thủ tướng đầu tiên của Singapore Lý Quang Diệu đã biến đất nước này từ một đảo quốc nhỏ khan hiếm tài nguyên thiên nhiên thành một "con rồng" châu Á, một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ kinh tế, du lịch thế giới.
Lý Quang Diệu - nhà khai quốc công thần của Singapore. (Ảnh: Getty)
Lý Quang Diệu sinh ngày 16/9/1923 trong một gia đình người Hoa di dân sang Singapore. Cái tên Quang Diệu trong tiếng Quan Thoại là "guang yao", có nghĩa là “thông minh và sáng láng”, ẩn chứa sự kỳ vọng của cả gia đình dành cho ông.
Cha của ông Lý Quang Diệu là một người chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn hóa Anh. Cựu Thủ tướng Singapore từng được gọi với cái tên mang đậm chất Anh là Harry Lee trong suốt thời trai trẻ.
Cậu bé Harry Lee theo học tại một ngôi trường của Anh ở Singapore và luôn có thành tích học tập xuất sắc, thường giành vị trí đứng đầu lớp. Nhưng sau đó, việc học của cậu bị gián đoạn do phát xít Nhật tới chiếm đóng đảo quốc này hồi năm 1942.
Sau chiến tranh, ông đến học tại Trường cao đẳng Raffles, Singapore trong một khoảng thời gian ngắn trước khi chuyển sang Đại học Cambridge của Anh học ngành luật. Tại trường Raffles, ông đã gặp và yêu bà Kha Ngọc Chi, một sinh viên hơn ông 2 tuổi, học cùng lớp và thường thắng ông trong cuộc cạnh tranh ngôi vị sinh viên giỏi nhất.
Ông Lý sau đó đã kết hôn với bà Kha năm 1947 sau khi bà giành được học bổng, sang Cambridge hội ngộ với ông.
Sau khi trở về Singapore, ông Lý Quang Diệu và vợ đã trở thành những luật sư xuất sắc. Với tố chất lãnh đạo bẩm sinh, sở hữu trí tuệ sắc sảo của một luật sư, cộng với sự cống hiến, hỗ trợ thầm lặng của người vợ Kha Ngọc Chi, ông Lý đã dễ dàng gia nhập con đường chính trị và nhanh chóng trở thành lãnh đạo của Singapore.
Lý Quang Diệu khi đang trong chiến dịch tranh cử hồi năm 1958. (Ảnh: Getty)
Tháng 11/1954, Đảng nhân dân hành động (PAP) được thành lập với sự góp công sáng lập của Lý Quang Diệu. Năm 1955, ông trở thành Tổng thư ký của PAP.
Ngày 31/8/1957, Liên bang Malaysia giành được độc lập. Đảng PAP đã thắng cử với số lượng ghế lớn trong cuộc bầu cử ngày 5/6/1959, sau đó, ông Lý Quang Diệu tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng của bang tự trị Singapore.
Khoảnh khắc đầy đau khổ
Năm 1960, đất nước Singapore được một tờ tạp chí mô tả như một “vũng nước tù đọng, nghèo nàn và lạc hậu”. Singapore gần như là một đảo quốc không có tài nguyên gì đáng giá ngoài biển cả mênh mông và nước mặn vây quanh, phải nhập khẩu cả nước ngọt để uống và sinh hoạt.
Dưới sự lãnh đạo của ông Lý, Singapore đã sáp nhập vào Malaysia năm 1963. Nhưng những mâu thuẫn về tư tưởng và các cuộc xung đột liên miên xảy ra giữa các nhóm sắc tộc trong lòng Malaysia đã buộc Singapore ly khai 2 năm sau đó, trở thành một nhà nước hoàn toàn độc lập.
Tháng 8/1965, Quốc hội Malaysia biểu quyết thông qua nghị quyết cắt đứt quan hệ với tiểu bang Singapore. Thủ tướng Lý Quang Diệu đã phải đứng ra gánh vác trọng trách xây dựng Cộng hoà Singapore mới được hình thành, không có tài nguyên thiên nhiên, không có nguồn nước và khả năng quốc phòng.
Trong thông cáo về quyết định ly khai, ông Lý Quang Diệu viết: “Suốt cuộc đời tôi, tôi luôn tin tưởng vào sự kết hợp và thống nhất của hai vùng lãnh thổ... Ngay lúc này, tôi, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, nhân danh nhân dân và chính quyền Singapore, tuyên bố rằng kể từ hôm nay, ngày 9/8/1965, Singapore sẽ vĩnh viễn là một quốc gia độc lập, dân chủ với đầy đủ chủ quyền… ".
Đây là một bước đi khó khăn đối với nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu, người nhìn nhận rằng liên minh với Malaysia là cách để rũ bỏ hoàn toàn quá khứ thuộc địa của Singapore. Ông Lý đã gọi đây là một “khoảnh khắc đầy đau khổ”. Trong cuốn hồi ký của mình, Lý Quang Diệu nói rằng ông không thể ngủ ngon và từng ngã bệnh sau ngày Singapore ly khai.
Tuy nhiên, khi Thủ tướng Anh Harold Wilson bày tỏ những quan ngại của mình về hoàn cảnh của Singapore lúc đó, ông đã nhận được hồi đáp của Lý Quang Diệu: "Đừng lo cho Singapore… Chúng tôi sẽ cân nhắc mọi hệ lụy có thể xảy ra khi quyết định bất cứ động thái nào trên bàn cờ chính trị...".
Singapore từ một vũng ao thành "con rồng" châu Á
Ông Lý đã tiến hành một cuộc cải cách khổng lồ. (Ảnh: Getty)
Theo New York Times, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã tiến hành một cuộc cải cách khổng lồ nhằm biến đổi Singapore từ một nơi “nghèo khổ và xuống cấp” trở thành một đất nước công nghiệp hiện đại.
Để làm được điều này, ông đã duy trì sự kiểm soát về chính trị nghiêm ngặt đối với mọi mặt của đảo quốc này, biến nó thành một trong các xã hội quy củ nhất thế giới.
Về đối nội, Singapore thực thi một đường lối của riêng mình với chế độ một đảng lãnh đạo với những luật lệ nghiêm khắc (phạt từ những điều nhỏ nhặt như xả rác công viên, kéo nước nhà vệ sinh, nhóm họp từ 5 người phải xin phép...).
Ông Lý Quang Diệu ngay từ đầu đã mời gọi các công ty nước ngoài đến mở các xưởng nhỏ ở Singapore, dù thường là họ trả công nhân những đồng lương rẻ mạt. Ông chấp nhận hy sinh để phát triển đất nước Singapore lúc bấy giờ hầu như chỉ phụ thuộc vào các căn cứ quân sự của Anh. Thủ tướng Lý Quang Diệu lúc này đã quyết định kìm hãm các nghiệp đoàn bởi sợ họ làm cản bước nhà đầu tư.
Ngoài ra, xác định giáo dục là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế, ông ban hành hàng loạt chính sách giáo dục, trong đó có sử dụng tiếng Anh bắt buộc trong trường học - một quyết định cực kỳ nhạy cảm tại một quốc gia đa dạng về sắc tộc như Singapore. Ông Lý Quang Diệu kiên định với chính sách của mình bởi nhận thức rõ rằng tiếng Anh là ngôn ngữ để kiếm tiền và giúp Singapore hội nhập quốc tế.
Bên cạnh ngăn chặn chảy máu chất xám, nhà khai quốc công thần của Singapore cũng tìm mọi cách biến nước này thành “thỏi nam châm” thu hút nhân tài trên thế giới. Singapore ra sức hút làn sóng “tị nạn chất xám”, kéo các nhân tài đến Singapore để làm việc, để kiếm tiền, cùng góp phần giúp đảo quốc sư tử “hóa rồng”.
Về đối ngoại, ông Lý có một tầm nhìn xa về chiến lược. Singapore chủ trương thiết lập quan hệ với mọi quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Singapore luôn duy trì mối quan hệ giao hữu thân thiện với láng giềng Malaysia, nguồn cung cấp nước ngọt sống còn cho Singapore, dù không phải lúc nào cũng thuận hòa.
Với nước khổng lồ Trung hoa, Singapore - một quốc gia với số đông Hoa kiều - rất coi trọng mối quan hệ giữa hai nước. Nhận thức rõ ràng tầm quan trọng của việc hợp tác với Bắc Kinh, ông Lý Quang Diệu có mối quan hệ tốt với lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình.
Lý Quang Diệu là người đặt nền móng cho đất nước Singapore hiện đại. (Ảnh: BBC)
Từ một làng chài, chỉ sau 3 thập niên, Singapore vụt sáng thành một đất nước giàu có. Dưới sự lãnh đạo của Lý Quang Diệu, GDP theo đầu người của Singapore đã tăng 15 lần từ năm 1960 đến năm 1980.
Sau ba thập niên, Singapore đã vươn lên đứng trong danh sách các nước phát triển nhất. Người Singapore xứng đáng ngẩng đầu kiêu hãnh chỉ cho thế giới đất nước của họ là xứ sở trong lành với môi trường sạch sẽ và xanh tươi, cuộc sống văn minh, kỷ cương và hầu như không có tham nhũng.
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, người vào lúc 3h18 sáng nay 23/3 đã qua đời ở tuổi 91, được vinh danh là nhà kiến trúc của đất nước với kinh tế thịnh vượng và nếp sống văn minh tiên tiến này.
Thoa Phạm
Theo BBC, New York Times