Lý giải sự quan tâm đặc biệt của Ấn Độ đối với vấn đề Biển Đông
(Dân trí) - Trong một bài viết được đăng tải trên trang mạng của Viện Phân tích và Nghiên cứu Quốc phòng (IDSA) hôm 19/8, chuyên gia Abhijit Singh nhận định rằng có những lý do nhất định khiến Ấn Độ dành sự quan tâm đặc biệt tới Biển Đông và cân nhắc những thỏa hiệp mà Trung Quốc đưa ra cho New Delhi liên quan đến vùng biển này.
Mục đích thực sự khi Ngoại trưởng Trung Quốc tới thăm Ấn Độ
Theo chuyên gia Abhijit Singh, trong chuyến thăm tới Ấn Độ cách đây gần 2 tuần, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj thảo luận nhiều chủ đề mà hai nước cùng quan tâm. Chương trình nghị sự cho các cuộc thảo luận trên được cho là bao gồm nhiều vấn đề đang gây trở ngại trong quan hệ song phương như việc Trung Quốc phản đối Ấn Độ trở thành thành viên của Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG), việc Bắc Kinh không nhất trí với lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Masood Azhar, thủ lĩnh của nhóm phiến quân Jaish-e-Mohammed, cũng như vấn đề liên quan đến Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan.
Tuy nhiên, trong một loạt các chủ đề nêu trên, có một chủ đề mà Trung Quốc dường như ngăn cản để không đưa ra thảo luận dưới bất kỳ hình thức nào, đó là Biển Đông.
Điều kỳ lạ là, chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Vương Nghị từ Ấn Độ trở về Bắc Kinh, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã dành những lời khen ngợi cho Ấn Độ vì “sự trung lập trong vấn đề Biển Đông” - cứ như thể người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chắc chắn một sự đảm bảo từ Ấn Độ rằng nếu vấn đề Biển Đông có được đưa ra thảo luận trong các diễn đàn quốc tế thì New Delhi sẽ cam kết không đứng về bất kỳ bên nào.
Trong khi đó báo chí Ấn Độ lại chỉ ra rằng, mặc dù không đề cập tới chủ đề Biển Đông trong các cuộc thảo luận chính thức nhưng ngoại trưởng Trung Quốc có đưa ra chủ đề này trước truyền thông. Khi trả lời câu hỏi của một phóng viên, ông Vương cho biết Ấn Độ cần phải quyết định lập trường của mình trong vấn đề Biển Đông - một tín hiệu rõ ràng cho thấy mục đích thực sự của chuyến thăm lần này của Ngoại trưởng Trung Quốc là nhằm tìm kiếm sự ủng hộ liên quan đến những tranh chấp lãnh thổ ở Đông Nam Á.
Theo chuyên gia Abhijit Singh, điều thú vị là, trước thềm chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị tới Ấn Độ, Thời báo Hoàn cầu, một ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, cảnh báo New Delhi rằng thái độ thù địch của Ấn Độ với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông có nguy cơ làm hủy hoại quan hệ song phương và có thể tạo ra rào cản cho các doanh nghiệp Ấn Độ tại Trung Quốc.
Rõ ràng, Trung Quốc vẫn lo sợ rằng Ấn Độ có thể bắt tay cùng các nước khác đưa vấn đề Biển Đông, vốn là một chủ đề gây tranh cãi, ra hội nghị thượng đỉnh G-20 dự kiến tổ chức tại thành phố Hàng Châu của Trung Quốc vào tháng tới. Chuyến thăm Ấn Độ của ông Vương được cho là một phần trong nỗ lực vận động hành lang của Trung Quốc để đảm bảo rằng New Delhi sẽ không hợp tác cùng các nước khác ủng hộ việc đẩy Bắc Kinh vào thế phòng thủ tại G20 bằng cách đưa ra vấn đề Biển Đông.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể tuyên bố rằng bằng cách tránh đề cập đến chủ đề Biển Đông trong các cuộc thảo luận giữa ông Vương với lãnh đạo và người đồng cấp Ấn Độ, Bắc Kinh có thể nghiễm nhiên kết luận một cách an toàn rằng New Delhi đồng tình với họ trong vấn đề Biển Đông. Mặc dù vậy, phía Trung Quốc phải hiểu rằng, kể cả New Delhi có thể hiện sự tôn trọng với quan điểm của Trung Quốc, nước này vẫn duy trì một lập trường mang tính nguyên tắc đối với các tranh chấp ở Biển Đông.
Tầm quan trọng của Biển Đông đối với Ấn Độ
Khu vực Đông Nam Á và các tranh chấp trong khu vực này có tầm quan trọng với Ấn Độ vì ba lý do.
Thứ nhất, quan hệ thương mại và kinh tế của Ấn Độ ở Thái Bình Dương đang ngày càng mạnh mẽ và sâu sắc hơn. Trên thực tế, ASEAN và khu vực phía đông của Thái Bình Dương đều là những địa điểm then chốt trong chính sách Hướng Đông của Ấn Độ, hơn nữa, mối quan hệ về kinh tế với khu vực phía đông của châu Á cũng ngày càng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của New Delhi. Trung Quốc phải hiểu rằng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông sẽ đe dọa đến xu hướng phát triển kinh tế trong tương lai của Ấn Độ, tạo ra rào cản không thể chấp nhận đối với thương mại và mậu dịch của khu vực.
Thứ hai, Ấn Độ tin rằng tranh chấp ở Biển Đông là phép thử đối với luật biển quốc tế. Sau phán quyết của tòa trọng tài thường trực về Biển Đông, Ấn Độ cảm thấy bắt buộc phải có một lập trường mang tính nguyên tắc đối với vấn đề tự do hàng hải và tiếp cận thương mại tại vùng biển này. Bắc Kinh phải biết rằng dù họ có tìm cách để thuyết phục Ấn Độ trung lập về vấn đề Biển Đông, New Delhi cũng không thể làm ngơ trước sự gây hấn của các tàu hải quân vũ trang, máy bay chiến đấu và tàu ngầm của Trung Quốc trong khu vực.
Bất chấp việc Trung Quốc đưa ra những thỏa thuận nhượng bộ với Ấn Độ trong các vấn đề song phương, New Delhi vẫn có lý do để tiếp tục nghi ngờ về các cuộc tập trận trên biển của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương. Ngay cả trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị, Bắc Kinh cũng không đưa ra lời giải thích nào cho sự hiện diện ngày càng tăng, với tốc độ nhanh chóng, của nước này trong khu vực duyên hải Nam Á. Việc Trung Quốc triển khai tàu ngầm ở Ấn Độ Dương với lý do chống cướp biển khiến nhiều chuyên gia phân tích hàng hải Ấn Độ nghi ngờ rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị cho một chiến lược lớn hơn ở Ấn Độ Dương.
Thứ ba, Trung Quốc phải hiểu rằng Ấn Độ nhận thức rõ về mối đe dọa đặt ra từ các hoạt động gây hấn của Trung Quốc tại châu Á. Để góp phần vào một trật tự hàng hải công bằng và tuân thủ luật pháp, New Delhi sẽ duy trì lập trường nhằm khôi phục sự cân bằng chiến lược trên biển ở châu Á. Ngoài ra, có một số vấn đề mà New Delhi không thể đồng nhất quan điểm với Trung Quốc. Ví dụ, các nhà phân tích hàng hải Ấn Độ chỉ ra mối tương quan giữa các hoạt động tuần tra hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và việc nước này triển khai quân sự ngày càng nhiều ở khu vực Ấn Độ Dương, hay giới chiến lược Ấn Độ lo ngại về việc Bắc Kinh có thể sử dụng các căn cứ mà nước này xây dựng trái phép ở Biển Đông như một bàn đạp để chuyển hướng sức mạnh sang Ấn Độ Dương.
Theo chuyên gia Abhijit Singh, các nhà lãnh đạo Ấn Độ, lẽ đương nhiên, sẽ không thể bày tỏ toàn bộ sự lo ngại của họ về các hoạt động hàng hải của Trung Quốc ở châu Á. Tuy nhiên, bất chấp việc Trung Quốc có thể đưa ra những nhượng bộ đối với Ấn Độ, Bắc Kinh phải biết rằng New Delhi sẽ không đồng ý về một thỏa thuận mang tính thỏa hiệp với Trung Quốc liên quan đến Biển Đông.
Thành Đạt
Theo IDSA