Lý do Trung Quốc giảm số lượng Ủy viên Quân ủy trung ương
Ủy ban Quân sự trung ương Trung Quốc khóa (Quân ủy trung ương) vừa được bầu tại Hội nghị toàn thể lần thứ nhất Ban chấp hành trung ương khóa 19 hôm 25/10 đã giảm xuống còn 7 thành viên so với 11 thành viên khóa 18. Động thái này nhằm tập trung quyền lực nhiều hơn cho Quân ủy trung ương để thực hiện tham vọng đưa quân đội Trung Quốc thành lực lượng "đẳng cấp" thế giới.
Quân ủy trung ương Trung Quốc khóa 18
Quân ủy trung ương Trung Quốc khóa 18 được bầu tại Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành trung ương khóa 18 năm 2012 gồm 11 thành viên. Trong đó gồm: 1 Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và 8 Ủy viên.
Chủ tịch là Tổng bí thư Tập Cận Bình, phụ trách toàn bộ hoạt động của Quân ủy trung ương.
Phó chủ tịch thứ nhất, Thượng tướng Phạm Trường Long-phụ trách hoạt động quân sự.
Phó chủ tịch thứ hai, Thượng tướng Hứa Kỳ Lượng, phụ trách công tác chính trị.
8 Ủy viên Quân ủy lần lượt là các tướng lĩnh thuộc các đơn vị: Thường Vạn Toàn-Bộ trưởng Quốc phòng. Phòng Phong Huy-Tổng tham mưu trưởng. Trương Dương-Chủ nhiệm Tổng cục chính trị. Triệu Khắc Thạch-Chủ nhiệm Tổng cục hậu cần. Trương Hựu Hiệp-Chủ nhiệm Tổng cục trang bị. Ngô Thắng Lợi-Tư Lệnh Hải Quân. Mã Hiểu Thiên-Tư lệnh Không quân. Ngụy Phượng Hòa-Tư lệnh Pháo binh 2.
Trong số các tướng lĩnh kể trên, ông Phòng Phong Hoa và Trương Dương đang bị điều tra vì nghi có liên quan tới tham nhũng.
Các tướng lĩnh khác Phạm Trường Long, Thường Vạn Toàn, Triệu Khắc Thạch. Ngô Thắng Lợi, Mã Hiểu Thiên không trúng vào Ban chấp hành trung ương khóa 19. Dự kiến các tướng lĩnh này sẽ nghỉ hưu sau Đại hội 19.
Quân ủy trung ương Trung Quốc khóa 19
Sáng ngày 25/10, Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị lần thứ nhất khóa 19 và bầu ra Ban lãnh đạo Quân ủy trung ương khóa 19 với 7 thành viên bao gồm: 1 Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và 4 Ủy viên.
Chủ tịch là Tổng bí thư Tập Cận Bình, phụ trách toàn bộ hoạt động của Quân ủy trung ương.
Phó Chủ tịch: Hứa Kỳ Lượng, dự kiến sẽ phụ trách hoạt động quân sự tác chiến.
Phó Chủ tịch: Trương Hựu Hiệp, dự kiến sẽ phụ trách công tác chính trị tư tưởng.
4 Ủy viên Quân ủy gồm các tướng lĩnh: Ngụy Phượng Hòa-Tư lệnh lực lượng tên lửa. Lý Tác Thành-Tham mưu trưởng Bộ tham mưu tác chiến liên hợp Quân ủy trung ương. Miêu Hoa-Chủ nhiệm Bộ công tác chính trị Quân ủy trung ương. Trương Thăng Dân-Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra kỷ luật Quân ủy trung ương.
Như vậy Ban lãnh đạo Quân ủy trung ương khóa 19 chỉ còn lại 7 thành viên, giảm 4 thành viên so với Quân ủy trung ương khóa 18. Trong đó biến động nhất là số lượng Ủy viên Quân ủy trung ương.
Số lượng Ủy viên Quân ủy trung ương khóa 18 gồm 8 thành viên. Tuy nhiên, tại Đại hội 19 số lượng này đã giảm xuống còn 4 thành viên.
Theo các chuyên gia quân sự, việc cắt giảm số lượng Ủy viên Quân ủy trung ương là nhằm kiện toàn hệ thống lãnh đạo Quân ủy trung ương. Qua đó, tăng cường vị thế và vai trò của Quân ủy trung ương trong việc ra quyết sách, nhất là đối với các lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia. Với mục tiêu cuối cùng là đưa quân đội Trung Quốc trở thành lực lượng hàng đầu thế giới.
Trong 5 năm dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã tiến hành một loạt các cải cách quân đội chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.
Một trong những thay đổi lớn nhất trong Quân ủy Trung ương là 4 cơ quan trực thuộc trước đây, gồm: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Trang bị được cơ cấu lại thành 15 đơn vị trực thuộc Quân ủy trung ương, bao gồm: Văn phòng Quân ủy, Bộ Tham mưu Liên hợp, Cục Công tác Chính trị, Cục Bảo đảm hậu cần, Cục Phát triển trang bị, Cục Quản lý và Huấn luyện, Cục Động viên quốc phòng, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật, Ủy ban Chính trị và Pháp luật, Ủy ban Khoa học kỹ thuật, Văn phòng Quy hoạch Chiến lược, Văn phòng Cải cách và Biên chế, Văn phòng Hợp tác Quân sự Quốc tế, Cục Kiểm toán và Tổng cục Quản lý các cơ quan Quân ủy.
Trung Quốc còn tiến hành cơ cấu lại 7 Đại Quân khu thành 5 chiến khu gồm: Chiến khu Trung tâm, Chiến khu Miền Bắc, Chiến khu Miền Nam, Chiến khu Miền Đông và Chiến khu Miền Tây.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng thành lập mới Lực lượng chi viện chiến lược và cơ cấu lại các quân binh chủng Lục quân, Hải Quân, Không quân và Tên lửa.
Theo cơ cấu quyền lực của quân đội Trung Quốc, Chủ tịch Quân ủy Trung ương có quyền chỉ huy tối cao và tuyệt đối, thông qua Bộ Tham mưu Liên hợp - cơ quan chỉ huy tác chiến của 5 chiến khu, 5 quân binh chủng thực hiện nhiệm vụ tác chiến liên hợp và xây dựng lực lượng.
Theo Đức Thức
Tiền Phong