1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia nói về ban lãnh đạo mới của Trung Quốc

Năm tân ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc được đánh giá sẽ hỗ trợ Tổng Bí thư Tập Cận Bình triển khai các kế hoạch chính trị lớn trong tương lai, giới chuyên gia Trung Quốc nhận định.


7 lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 (Ảnh: Tân Hoa xã)

7 lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 (Ảnh: Tân Hoa xã)

Sáng 25/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX tiến hành phiên họp đầu tiên và bầu Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ Chính trị, Tổng Bí thư. Các ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục bầu ông Tập Cận Bình, 64 tuổi, làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX. Thường vụ Bộ Chính trị gồm 7 người: Tổng Bí thư Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, ông Lật Chiến Thư, ông Uông Dương, ông Vương Hộ Ninh, ông Triệu Lạc Tế và ông Hàn Chính.

Ông Lật Chiến Thư, 67 tuổi, là Chủ nhiệm Văn phòng trung ương Đảng, dự kiến trở thành Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc, nhiều báo Trung Quốc, trong đó có South China Morning Post đưa tin hôm qua. Phó Thủ tướng Uông Dương, 62 tuổi, dự kiến trở thành Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp). Ông Vương Hộ Ninh, 62 tuổi, là nhà lý luận cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, là Trưởng Ban nghiên cứu chính sách trung ương, dự kiến trở thành người đứng đầu cơ quan phụ trách vấn đề tư tưởng, tuyên truyền và tổ chức đảng. Ông Triệu Lạc Tế, 60 tuổi, hôm qua được bầu làm Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, Xinhua đưa tin. Ông Hàn Chính, 63 tuổi, Bí thư Thượng Hải, dự kiến trở thành phó thủ tướng.

Hôm qua, ông Tập Cận Bình được bầu làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Ông Hứa Kỳ Lượng và ông Trương Hữu Hiệp được bầu làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Tướng Hứa thay thế Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Phạm Trường Long khi ông Phạm, 70 tuổi, nghỉ hưu. Tướng Trương là Tổng cục trưởng Tổng cục trang bị vũ khí.

Theo giới phân tích Trung Quốc, sự có mặt của những gương mặt mới trong Bộ Chính trị cho thấy ông Tập mong muốn có sự tiếp nối và đồng thuận, nhưng cũng là sự chuẩn bị nền tảng cho những thay đổi lớn hơn trong tương lai.

Ông Tập giới thiệu 6 ủy viên thường vụ tại một cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp. Đo là bài phát biểu trên truyền hình đầu tiên của ông Tập sau khi ông chính thức được xác nhận là nhà lãnh đạo quyền lực nhất trong nhiều thập kỷ với việc tên ông được đưa vào điều lệ đảng để sánh ngang với hai nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Ông Tập đã xác định tầm nhìn của mình là đưa Trung Quốc thành cường quốc hiện đại xã hội chủ nghĩa giàu mạnh vào năm 2050 và dẫn dắt nước này vượt qua những thách thức trong một thế giới đầy bất định. Tổng Bí thư Trung Quốc một lần nữa khẳng định sự phát triển của Trung Quốc đã bước vào kỷ nguyên mới mà nước này với sự lãnh đạo của ông sẽ theo đuổi hòa bình và ổn định trên thế giới. Ông cũng gạt bỏ những lo ngại ngày càng lớn về sự trỗi dậy của Trung Quốc, tuyên bố rằng nước này đã sẵn sàng đóng vai trò lớn hơn trong việc xây dựng “một sứ mệnh chung vì nhân loại”. Ông cam kết Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại độc lập và hòa bình, duy trì công lý quốc tế và không can dự vào công việc nội bộ của nước khác.

Tầm nhìn dài hạn

Một điểm đáng chú ý đối với giới quan sát trong Đại hội lần này là không có người nào được chọn để kế nhiệm ông Tập. Theo các nhà phân tích, việc lựa chọn đội ngũ lãnh đạo này cho thấy ông Tập vẫn coi trọng các quy tắc chính trị và sự tiếp nối. Hàng ngũ mới cho thấy ông Tập đã cẩn thận khi không phá vỡ quy tắc về tuổi và đi theo trật tự thứ bậc. Những quy tắc chính trị đó được cho là rất quan trọng để một Đảng Cộng sản gồm 89 triệu đảng viên đạt được đồng thuận từ cấp cao nhất và bảo đảm tính ổn định.

Nhưng ông Tập không đi theo con đường đã định một cách máy móc, giới quan sát nhận định. Việc không nêu người kế nhiệm mở đường cho Trung Quốc nghĩ lại về cơ chế chuyển giao quyền lực và để nhiều ứng viên tiềm năng có thời gian tự chứng minh bản thân. Việc từ bỏ cơ chế chỉ định người kế nhiệm có từ thời nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình cho thấy sự nổi bật trong quá trình cải tổ lãnh đạo, South China Morning Post dẫn lời nhiều chuyên gia đánh giá.

Theo các nhà phân tích Trung Quốc, với việc dự kiến chọn ông Lật Chiến Thư, đồng minh thân cận của ông Tập, làm Chủ tịch Quốc hội, và ông Triệu Lạc Tế, người trẻ nhất trong 7 ủy viên thường vụ, là người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng, ông Tập đang gửi đi một tín hiệu về mong muốn thể chế hóa quyền lực của đảng và nhà nước. Ông Lật có thể giúp ông Tập thúc đẩy cải cách pháp luật để làm sáng tỏ những vùng xám trong hệ thống luật pháp và nâng cao sự quản lý của đảng thông qua các phương tiện luật pháp. Giàu kinh nghiệm tổ chức nhân sự, ông Triệu có thể mang lại những thay đổi hệ thống hơn trong công tác chống tham nhũng. Ngoài ra, ông Tập có thể sẽ tái cấu trúc đảng và nhà nước để nâng cao hiệu quả, thắt chặt kỷ cương và bảo vệ Trung Quốc trước sự tràn vào của các tư tưởng phương Tây, giới quan sát dự đoán.

Theo Bình Giang

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm