1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lý do Nga cắt giảm chi tiêu quân sự lần đầu sau 20 năm

(Dân trí) - Sức ép từ các lệnh trừng phạt của phương Tây được cho là một trong những lý do khiến Nga phải cắt giảm chi tiêu quân sự sau gần 2 thập niên.

Các binh sĩ Nga triển khai lực lượng tại Syria năm 2017 (Ảnh: Reuters)
Các binh sĩ Nga triển khai lực lượng tại Syria năm 2017 (Ảnh: Reuters)

Theo số liệu thống kê mới được công bố của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), ngân sách quốc phòng của Nga trong năm 2017 chỉ ở mức 66,3 tỷ USD, thấp hơn 20% so với năm 2016. Mức chi ngân sách này tương đương 4,3% GDP, giảm so với tỷ lệ 5,5% trong năm 2016 và 4,9% trong năm 2015. Điện Kremlin hồi tháng 3 thông báo Nga sẽ tiếp tục cắt giảm ngân sách quân sự xuống dưới mức 3% GDP trong 5 năm tới.

Con số trên đánh dấu lần đầu tiên Nga cắt giảm chi tiêu quân sự kể từ năm 1998 - giai đoạn Nga phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế lớn. Trong khi đó, chi tiêu quân sự toàn cầu có xu hướng tăng lên, với tỷ lệ 1%, lên mức 1.739 tỷ trong năm ngoái. Các nước láng giềng của Nga cũng chi mạnh tay cho quân sự. Dữ liệu của SIPRI cho thấy các nước Trung Âu tăng 12% ngân sách quốc phòng năm 2017.

Cũng trong năm ngoái, theo SIPRI, Ả rập Xê út đã vượt Nga để trở thành nước chi tiêu quân sự nhiều thứ 3 thế giới. Hai vị trí đứng đầu vẫn là Mỹ và Trung Quốc.

“Hiện đại hóa quân sự vẫn là ưu tiên của Nga, song ngân sách quốc phòng đã bị giới hạn bởi các vấn đề kinh tế mà Nga phải đối mặt kể từ năm 2014”, Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao tại SIPRI, nhận định.

Trong những năm gần đây, các lực lượng vũ trang của Nga phải đối mặt với khối lượng công việc lớn và các khoản chi đắt đỏ để theo đuổi các cuộc xung đột tại Ukraine và Syria. Do vậy, sự sụt giảm về ngân sách quân sự có thể sẽ gây ra những tác động nhất định tới các hoạt động của Nga trong thời gian tới.

“Nga rõ ràng muốn chứng tỏ rằng họ vẫn là một cường quốc trên thế giới, bằng cách triển khai các chiến dịch quân sự, chẳng hạn tại Syria, cũng như phô diễn sức mạnh hải quân ở Đại Tây Dương. Tuy nhiên tôi chắc chắn rằng họ sẽ phải cắt giảm thực sự các hoạt động này”, ông Wezeman nhận định.

Theo chuyên gia Wezeman, nhiều dự án quân sự của Nga đã bị trì hoãn hoặc hủy bỏ. “Họ không có đủ tiền. Tuyên bố về việc sở hữu máy bay và xe tăng mới là một chuyện, nhưng để sản xuất cũng như vận hành chúng lại là chuyện khác và điều đó tiêu tốn rất nhiều tiền”, ông Wezeman nói thêm.

Những thách thức đặt ra

Là nước cung cấp dầu lớn thứ 3 thế giới, việc giá dầu thô sụt giảm trong năm 2014 đã tác động mạnh tới nền kinh tế Nga, khiến giá trị đồng rúp của Nga giảm gần 50%. Ngoài ra, Nga cũng phải hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt quốc tế sau quyết định sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ năm 2014 cũng như vai trò của Moscow trong cuộc xung đột kéo dài tại vùng Donbass ở Ukraine.

Theo giới phân tích, tình hình tài chính của Nga vẫn rất yếu ớt sau 2 năm suy giảm kinh tế do các lệnh trừng phạt của phương Tây và sự sụt giảm của giá dầu toàn cầu. Giá dầu tăng lên sau đó cũng giúp nền kinh tế Nga tăng trưởng 1,5% trong năm 2017, song vẫn chưa đạt được mục tiêu 2% như kỳ vọng của chính phủ.

Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin đang kêu gọi nâng cao mức sống của người dân và chi nhiều tiền hơn cho dự án nâng cao hạ tầng xã hội như chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Ông Putin dường như muốn tập trung vào các dự án phúc lợi dài hạn để đảm bảo sự ủng hộ của công chúng Nga dành cho ông sau cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 3. Đồng quan điểm với nhà lãnh đạo Nga, các quan chức chính phủ cũng kêu gọi giảm chi tiêu quốc phòng để tăng ngân sách cho các lĩnh vực này.

Thành Đạt

Theo Newsweek