1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lý do lãnh đạo Trung - Triều chọn thành phố cảng làm nơi gặp mặt lần hai

(Dân trí) - Việc thành phố Đại Liên, thay vì thủ đô Bắc Kinh, được chọn làm nơi tiếp đón ông Kim Jong-un trong chuyến thăm Trung Quốc lần thứ hai của nhà lãnh đạo Triều Tiên được cho là mang những ý nghĩa nhất định.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Chủ tịch Tập Cận Bình trò chuyện tại thành phố Đại Liên (Ảnh: Reuters)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Chủ tịch Tập Cận Bình trò chuyện tại thành phố Đại Liên (Ảnh: Reuters)

Theo Yonhap, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 9/5 cho biết cuộc gặp cấp cao giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Chủ tịch Tập Cận Bình tại thành phố Đại Liên, phía bắc Trung Quốc trong chuyến thăm kéo dài hai ngày 7-8/5 là ý tưởng do Triều Tiên đề xuất. Hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) cũng đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ca ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình vì đã cho thấy “sự chân thành sâu sắc” khi đồng ý gặp ông ở Đại Liên.

Giới quan sát cho rằng việc lựa chọn Đại Liên, thành phố cảng thuộc tỉnh Liêu Ninh - nơi giáp biên giới Trung - Triều, làm nơi diễn ra chuyến thăm “kín đến phút chót” của nhà lãnh đạo Kim Jong-un là động thái mang tính biểu tượng nhằm thúc đẩy lịch sử chung giữa hai quốc gia láng giềng. Thành phố Đại Liên, nơi từng đón tiếp các thành viên khác trong gia đình lãnh đạo Kim Jong-un, được cho là đóng vai trò then chốt trong tiến trình phát triển kinh tế trong tương lai của cả Triều Tiên và Trung Quốc.

“Đại Liên, nơi cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il từng để lại dấu chân lịch sử, sẽ mãi mãi là nơi ghi dấu cho tình hữu nghị Trung Quốc - Triều Tiên”, ông Kim Jong-un nói trong cuộc gặp với ông Tập Cận Bình, đề cập tới chuyến đi tới Đại Liên của ông nội và cha trước đây.

Trong thông cáo được công bố vài giờ sau chuyến đi tới Đại Liên, ông Kim Jong-un nói rằng quan hệ song phương Trung - Triều đã bước vào “thời hoàng kim mới” sau cuộc gặp “ấm áp và xúc động” với Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là chuyến đi tới Trung Quốc lần thứ hai của nhà lãnh đạo Triều Tiên trong vòng 40 ngày, sau chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Bắc Kinh của ông Kim Jong-un hồi cuối tháng 3.

Trong chuyến đi tới Trung Quốc lần này, một số thành viên trong phái đoàn Triều Tiên đã tới thăm khu kinh tế Donggang và tập đoàn Hualu - hãng sản xuất điện tử thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc.

Lịch sử và Kinh tế

Cố lãnh đạo Kim Nhật Thành (phải) và cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình từng gặp nhau ở Đại Liên năm 1983 (Ảnh: AP)
Cố lãnh đạo Kim Nhật Thành (phải) và cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình từng gặp nhau ở Đại Liên năm 1983 (Ảnh: AP)

Boo Seung-chan, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Triều Tiên Yonsei ở Seoul, Hàn Quốc nhận định việc hai nhà lãnh đạo chọn thành phố cảng lịch sử Đại Liên làm nơi diễn ra cuộc gặp lần thứ hai nhằm “tối ưu hóa ý nghĩa biểu tượng của cuộc gặp”.

“Chính sách ngoại giao của các nước xã hội chủ nghĩa thường có xu hướng nhấn mạnh tính biểu tượng và họ sẽ tìm ra ý nghĩa biểu tượng đó từ trong chính lịch sử của họ”, ông Boo cho biết.

Theo thông tin từ truyền thông nhà nước Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nghỉ tại Nhà khách Bangchuidao, nơi ông nội của ông từng ở lại cách đây 30 năm trong chuyến đi tới Trung Quốc.

Ông Kim Nhật Thành, nhà lãnh đạo tới thăm Trung Quốc hơn 30 lần trong 45 năm nắm quyền tại Triều Tiên, từng hội đàm với cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình tại Nhà khách Bangchuidao khi ông có chuyến đi tới Đại Liên vào tháng 9/1983.

Trong chuyến thăm không chính thức lần thứ 5 tới Trung Quốc cách đây 8 năm, cố lãnh đạo Kim Jong-il cũng từng dừng chân ở Đại Liên trước khi gặp lãnh đạo Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh. Vào thời điểm đó, Đại Liên đã nổi lên như một thành phố cảng với tốc độ phát triển bùng nổ và được xem là trung tâm công nghệ cao của Trung Quốc. Đi cùng ông Kim Jong-il trong chuyến thăm này là Thủ tướng Lý Khắc Cường, khi đó đang giữ chức Phó Thủ tướng Trung Quốc.

Ông Kim Jong-un và ông Tập Cận Bình bắt tay nhau tại Đại Liên (Ảnh: Reuters)
Ông Kim Jong-un và ông Tập Cận Bình bắt tay nhau tại Đại Liên (Ảnh: Reuters)

Trong chuyến đi tới Đại Liên năm 2010, cố lãnh đạo Kim Jong-il đã tới thăm các nhà máy lớn và các công trường xây dựng ở Đại Liên và đánh giá cao tiến trình phát triển tổng thể của Trung Quốc. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy ý tưởng mở cửa nền kinh tế Triều Tiên của ông Kim Jong-il.

Song Zhongping, chuyên gia quân sự tại Hong Kong, cho rằng việc Đại Liên được chọn làm nơi diễn ra cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong-un cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên rất nghiêm túc với những cam kết gần đây của ông về việc theo đuổi chương trình cải tổ nền kinh tế vốn đang bị đình trệ của Triều Tiên.

“Ngoài việc ông Kim Jong-un cảm thấy an toàn và thuận tiện hơn khi tới Đại Liên do khoảng cách địa lý gần với Triều Tiên, tốc độ phát triển kinh tế bùng nổ của Đại Liên cũng cho thấy tiềm năng hợp tác kinh tế trong tương lai giữa hai quốc gia”, chuyên gia Song nhận định.

Chuyến đi tới Đại Liên của ông Kim Jong-un diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Triều Tiên đang gặp nhiều khó khăn sau một loạt lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, cũng áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng dưới sức ép của Mỹ. Trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Kim Jong-un nói rằng ông muốn phát triển nền kinh tế Triều Tiên và đây là điều được Trung Quốc ủng hộ. Giới phân tích cho rằng ông Kim có thể đã đề nghị ông Tập nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên trong cuộc gặp này.

Thông điệp từ hai phía

Hai nhà lãnh đạo Trung - Triều tản bộ ven biển ở thành phố Đại Liên (Ảnh: Reuters)
Hai nhà lãnh đạo Trung - Triều tản bộ ven biển ở thành phố Đại Liên (Ảnh: Reuters)

Theo Giáo sư quan hệ quốc tế Shi Yinhong tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh, việc chọn thành phố Đại Liên làm địa điểm cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trung - Triều dường như là một “thỏa hiệp về ngoại giao”. Điều này sẽ tạo điều kiện để ông Kim Jong-un có thể thực hiện chuyến thăm Trung Quốc lần thứ hai trong khoảng thời gian ngắn (40 ngày), trong khi tránh bị coi là “mất thể diện” về chính trị khi đến một thành phố cảng, nơi cách rất xa Bắc Kinh, thay vì đến thủ đô của quốc gia láng giềng.

Giới phân tích nhận định cuộc gặp lần hai giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng phát đi một thông điệp rõ ràng tới Mỹ và Hàn Quốc trước khi ông Kim Jong-un có cuộc gặp cấp cao với Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến trong vài tuần tới.

Theo Gal Luft, đồng giám đốc Viện Phân tích An ninh Toàn cầu có trụ sở tại Washington, xét trên quan điểm của Trung Quốc, một mối quan hệ sâu sắc hơn giữa ông Kim và ông Tập là chỉ dấu cho thấy tương lai của Đông Á nên do người châu Á, chứ không phải người bên ngoài khu vực, quyết định.

Steve Tsang, Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc SOAS tại London, cho rằng bằng cách đón tiếp ông Kim Jong-un tới Trung Quốc chỉ 6 tuần sau cuộc gặp đầu tiên, ông Tập Cận Bình dường như đang tìm cách gửi thông điệp tới Tổng thống Trump rằng “Trung Quốc vẫn là nhân tố quan trọng trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên, do vậy Trung Quốc cần được đối xử với sự tôn trọng”. Theo ông Tsang, nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đang “mượn” vấn đề Triều Tiên để giảm căng thẳng với Mỹ trong các vấn đề thương mại và một số vấn đề khác.

Zhao Tong, nhà nghiên cứu chính sách hạt nhân tại Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua, cho rằng việc ông Kim Jong-un gặp ông Tập Cận Bình có thể là chỉ dấu cho thấy Triều Tiên chưa sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trong ngắn hạn, đồng thời muốn bảo đảm rằng nước này có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Trung Quốc trước thềm cuộc gặp với Tổng thống Trump.

Thành Đạt

Theo SCMP, LAT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm