Lý do đằng sau việc Hàn Quốc quyết định giảm độ khó đề thi đại học
(Dân trí) - Hàn Quốc sẽ cắt các câu hỏi hóc búa, đánh đố trong đề thi đại học, biện pháp được cho nhằm giúp nước này giảm áp lực lên phụ huynh và học sinh, đồng thời có thể giúp cải thiện tỷ lệ sinh.
Tuần trước, Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc Lee Ju-ho cho biết nước này sẽ loại bỏ các câu hỏi hóc búa khỏi Suneung (kỳ thi đại học). Đây được xem là một trong những nỗ lực để giúp quốc gia Đông Á có thể đảo ngược xu hướng giảm của tỷ lệ sinh trong nhiều năm qua.
Nuôi một đứa trẻ trưởng thành không phải là điều dễ dàng ở Hàn Quốc. Ngay từ khi đứa trẻ mới biết đi, nhiều bậc phụ huynh đã bắt đầu "săn tìm" trường mầm non chất lượng cao cho con.
Trong nhiều năm sau đó, cha mẹ bắt đầu các nỗi lo về việc chọn trường tiểu học, trung học, phổ thông với mục tiêu con mình sẽ đỗ được các đại học hàng đầu khi bước sang tuổi 18 - một đảm bảo cho tương lai thành công sau này. Để làm được điều đó, những học sinh phải vượt qua kỳ thi đại học dài 8 tiếng, đầy khó khăn và hóc búa.
Nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia cũng như giáo viên và phụ huynh cho rằng đây là một hành trình gian nan, tốn kém, gây tác động nghiêm trọng tới cả cha mẹ và học sinh. Đây cũng được xem là một trong những lý do nhiều người Hàn Quốc trẻ tuổi và các cặp đôi không muốn sinh con vì không muốn đối mặt với áp lực khổng lồ trong tương lai.
Theo Bộ trưởng Lee, Hàn Quốc sẽ cắt bỏ những câu hỏi, bài tập quá đánh đố, bao gồm những kiến thức không có trong chương trình học chính thức của trường công lập. Điều này nhằm xóa bỏ sự không công bằng giữa học sinh đi học thêm và học sinh chỉ học ở trường.
Ông Lee cho rằng, việc học thêm hay không là lựa chọn mang tính cá nhân của học sinh và phụ huynh, nhưng do áp lực dồn dập của kỳ thi đại học, nhiều người đã không còn lựa chọn nào khác.
Ông tuyên bố rằng Hàn Quốc đang "tìm cách phá vỡ vòng luẩn quẩn của hoạt động học thêm đang làm tăng gánh nặng cho phụ huynh và sau đó làm xói mòn sự công bằng trong giáo dục".
Áp lực học thêm
Vào thời điểm thanh thiếu niên Hàn Quốc bước vào cấp phổ thông, phần lớn cuộc sống của họ xoay quanh kết quả học tập và chuẩn bị cho ngày thi đại học - dấu mốc được xem là quyết định cho tương lai của bản thân.
Để đối mặt với những câu hỏi hóc búa và đôi khi là đánh đố, nhiều học sinh Hàn Quốc buộc phải tham gia các lớp học thêm, ngoài học chính khóa.
Theo Bộ Giáo dục, vào năm 2022, người Hàn Quốc đã chi tổng cộng 26 nghìn tỷ won (gần 20 tỷ USD) cho hoạt động học thêm. Con số này gần bằng GDP của các quốc gia như Haiti (21 tỷ USD) và Iceland (25 tỷ USD).
Theo ông Lee, năm ngoái, trung bình học sinh ở các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông chi 410.000 won (khoảng 311 USD) mỗi tháng cho việc học thêm - con số cao nhất kể từ khi Bộ Giáo dục bắt đầu thống kê vào năm 2007.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các gánh nặng đè lên phụ huynh và học sinh đã khiến Hàn Quốc đối mặt với cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần. Trong một số trường hợp, điều này dẫn tới các hành động đáng tiếc như tự tử.
Theo một cuộc khảo sát của chính phủ năm 2022, trong số gần 60.000 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông được hỏi trên toàn quốc, gần 1/4 nam sinh và 1/3 nữ sinh cho biết đã từng bị trầm cảm.
Trong một báo cáo trước đây, gần một nửa thanh thiếu niên Hàn Quốc từ 13 đến 18 tuổi cho rằng giáo dục là mối lo lắng lớn nhất của họ.
Các chuyên gia tin rằng khoản chi tiêu để nuôi con trưởng thành là một yếu tố chính khiến người Hàn Quốc ngày càng ngại có con, cùng với những gánh nặng khác như thời gian làm việc dài, chi phí nhà ở cao.
Hàn Quốc thường xuyên nằm trong nhóm các quốc gia có chi phí nuôi dạy trẻ em từ sơ sinh đến 18 tuổi đắt đỏ nhất thế giới, phần lớn là do chi phí giáo dục.
Năm ngoái, tỷ lệ sinh của quốc gia này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 0,78. Con số này thậm chí không bằng một nửa mức 2,1 cần thiết để một quốc gia có dân số ổn định. Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc thấp hơn nhiều so với Nhật Bản (1,3) - quốc gia hiện có nhiều người cao tuổi nhất thế giới.
Trong thời gian qua, Hàn Quốc đã có nhiều biện pháp hỗ trợ để thúc đẩy người dân sinh con. Chính phủ đã chi hơn 200 tỷ USD trong 16 năm qua để khuyến khích nhiều người sinh con hơn, nhưng kết quả thu được chưa tương xứng.
Các chuyên gia cho rằng, Hàn Quốc cần phải có sự thay đổi quyết liệt hơn để đảo ngược tình hình. Nhiều tổ chức bày tỏ sự ủng hộ với việc cải tổ kỳ thi đại học, nhưng số khác cho rằng điều này vẫn chỉ giải quyết bề nổi của vấn đề.
Một số kêu gọi sự cải tổ của thị trường lao động, giảm bớt các yêu cầu về bằng cấp để người lao động có thể có quyền lợi công bằng bất chấp nền tảng của họ ra sao.