Lựa chọn sinh tử của bác sĩ Ấn Độ trong cuộc chiến Covid-19
(Dân trí) - Các bác sĩ phải đưa ra quyết định khó khăn về việc điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 trong bối cảnh số ca nhiễm và tử vong liên tục lập kỷ lục ở Ấn Độ.
Rohan Aggarwal mới 26 tuổi. Phải đến năm sau, anh mới hoàn thành khóa đào tạo ngành y của mình.
Tuy nhiên, tại một trong những bệnh viện tốt nhất ở Ấn Độ, Aggarwal là bác sĩ phải đưa ra quyết định bệnh nhân nào sẽ sống, còn bệnh nhân nào sẽ chết, trong khi các gia đình cầu xin bác sĩ cứu lấy người thân của họ.
Khi hệ thống y tế của Ấn Độ đang đứng trên bờ vực sụp đổ trong làn sóng Covid-19 thứ 2, Aggarwal phải đưa ra những quyết định như vậy trong suốt một ca làm việc kéo dài 27 giờ, bao gồm một ca trực đêm, khi anh phụ trách phòng cấp cứu tại bệnh viện ở New Delhi.
Tất cả mọi người tại bệnh viện Holy Family, từ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cho đến nhân viên y tế, đều biết rằng bệnh viện không còn đủ giường, ôxy hay máy thở để đảm bảo cơ hội sống sót cho toàn bộ người bệnh.
"Lẽ ra ai được cứu, ai không được cứu sẽ do Chúa quyết định. Chúng tôi không được chỉ định để làm điều đó - chúng tôi cũng chỉ là con người. Nhưng tại thời điểm này, chúng tôi buộc phải làm như vậy", Aggarwal nói.
Ấn Độ đã ghi nhận kỷ lục thế giới với hơn 300.000 ca nhiễm và hơn 3.000 ca tử vong mỗi ngày trong hai tuần qua. Thủ đô New Delhi chưa khi nào có nhiều hơn 20 giường trống trong số hơn 5.000 giường điều trị tích cực dành cho bệnh nhân Covid-19.
Tính đến nay, Ấn Độ đã ghi nhận hơn 226.000 người chết vì Covid-19 và hơn 20,6 triệu ca nhiễm. Quốc gia Nam Á trở thành vùng dịch lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Điều đáng nói là, số ca nhiễm và tử vong trên thực tế được cho là lớn hơn nhiều so với con số thống kê chính thức.
Các bệnh nhân vội vã chạy từ bệnh viện này đến bệnh viện khác. Họ có thể tử vong ngay trên đường hoặc tại nhà, trong khi xe chở ôxy được lực lượng an ninh hộ tống đến các cơ sở có nguồn dự trữ thấp. Các lò hỏa táng hoạt động suốt ngày đêm, bốc khói nghi ngút khi cứ vài phút lại có thi thể được mang tới.
Chạy đua điều trị bệnh nhân
Trong ca làm việc như chạy marathon của mình, Aggarwal lo sợ không biết điều gì sẽ xảy ra nếu bản thân cũng bị nhiễm virus, vì anh biết ngay cả bệnh viện nơi mình làm việc cũng khó có thể bố trí cho anh một giường bệnh. Aggarwal vẫn chưa được tiêm vắc xin.
"Tất cả chúng tôi đều sai khi nghĩ rằng virus đã biến mất", bác sĩ trẻ cho biết.
Khi Aggarwal bắt đầu ca làm việc của mình vào khoảng 9 giờ sáng, đã có 4 thi thể bệnh nhân. Trong phòng cấp cứu, không gian còn chật chội hơn.
Bệnh nhân và người nhà chen chúc nhau ở mọi chỗ trống, nhiều người không mặc đồ bảo hộ, ngoại trừ một khẩu trang vải đơn giản. Các bác sĩ và y tá cũng không mặc đồ bảo hộ đầy đủ vì khiến họ khó làm việc hơn.
Xe cáng được xếp gần tới mức các bệnh nhân có thể chạm vào nhau.
Holy Family là một trong những bệnh viện tốt nhất ở Ấn Độ, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, cơ sở vật chất ở đây cũng bị quá tải.
Bệnh viện thông thường có sức chứa 275 bệnh nhân, nhưng hiện phải chăm sóc cho 385 người. Một biển hiệu được dán bên ngoài nhằm thông báo số lượng giường còn trống cho bệnh nhân Covid-19. Biển hiệu này vẫn giữ nguyên một con số trong suốt 2 tuần: 0 giường.
Trước khi bắt đầu ca làm việc trong phòng cấp cứu, Aggarwal ban đầu đi quanh các giường của bệnh nhân Covid-19. Cùng với một đồng nghiệp, anh chịu trách nhiệm điều trị cho 65 bệnh nhân. Điều này đồng nghĩa với việc Aggarwal chỉ có tối đa 3-4 phút để khám cho từng người trước khi xử lý bất kỳ ca cấp cứu nào.
Vừa vào ca được vài phút, Aggarwal nhận được cuộc gọi khẩn cấp thông báo một trong số bệnh nhân của anh trở bệnh. Aggarwal chạy xuống hành lang, lao vào căn phòng nơi một người đàn ông lớn tuổi gần như đã bất tỉnh.
"Ông ấy đang nguy kịch", Aggarwal giải thích với con trai của bệnh nhân.
Bệnh nhân này dù sao vẫn còn may mắn hơn so với những người khác. Ông đã được nhập viện và đưa vào phòng điều trị Covid-19.
27 giờ làm việc
Mahendar Baisoyar, một nhân viên bảo vệ, được bố trí bên ngoài cửa phòng cấp cứu để đảm bảo gia đình bệnh nhân không tìm cách giành giường bệnh "bằng vũ lực".
Tháng trước, người thân của một bệnh nhân tại một bệnh viện khác ở New Delhi đã dùng dao tấn công nhân viên y tế sau khi bệnh nhân tử vong. Tòa án cấp cao thành phố đã cảnh báo rằng, nhiều vấn đề về luật pháp và trật tự tại các bệnh viện có thể xảy ra nếu tình trạng thiếu hụt giường bệnh tiếp diễn.
Giống như nhiều bệnh viện khác ở New Delhi, bệnh viện Holy Family cũng phải "kêu cứu" trên Twitter để cầu xin các nhà chức trách giúp đỡ họ đảm bảo nguồn cung ôxy cho bệnh nhân.
Aggarwal thường ăn trưa trong bệnh viện, nhưng vào những ngày này, tiếng ồn trong bệnh viện trở nên quá sức chịu đựng của anh. Aggarwal chọn chỗ nghỉ ngơi ở một cửa hàng tiện lợi gần bệnh viện.
"Đó thực sự là bầu không khí buồn bã. Tôi chỉ muốn được nghỉ ngơi khoảng một giờ bên ngoài bệnh viện để có thể hồi sức. Bởi vì tôi phải ở đó trong 24 giờ nữa", Aggarwal nói.
Sau giờ nghỉ trưa, Aggarwal trở lại ca trực trong phòng cấp cứu. Anh ngồi sau bàn làm việc, trong khi người nhà của bệnh nhân vây quanh anh, cầu xin cho người thân của họ nhập viện.
"Nếu một bệnh nhân bị sốt và tôi biết họ bị ốm, nhưng họ chưa cần thở ôxy, thì tôi vẫn không thể cho họ nhập viện. Đó là tiêu chuẩn. Mọi người đang chết trên đường mà không có ôxy. Vì vậy, những người chưa cần ôxy, ngay cả khi họ bị ốm, chúng tôi vẫn không thể nhận họ. Đó là sự lựa chọn", Aggarwal cho biết.
Aggarwal dành cả đêm để điều trị cho những ca cấp cứu liên tục được đưa vào bệnh viện. 3 bệnh nhân của anh tử vong, trong đó có một phụ nữ trẻ. Mãi tới 5 giờ sáng, Aggarwal mới có thể chợp mắt một chút.
Cuối cùng, sau 27 giờ, ca làm việc của Aggarwal cũng kết thúc. Cơ thể kiệt sức khiến anh muốn ngủ một giấc cho đến hết ngày.
Nhưng Aggarwal vẫn còn một công việc cuối cùng: Cha của một người bạn bị ốm và người này đã nhờ Aggarwal giúp đỡ. Đây là một trong số rất nhiều cuộc gọi mà Aggarwal nhận được mỗi ngày. Như mọi lần, Aggarwal không thể từ chối.
Vị bác sĩ trẻ lại đeo khẩu trang và quay vào phòng làm việc.