1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Lời kể của nhân chứng trong thảm hoạ kinh hoàng tại Campuchia

(Dân trí) - “Sự hoảng loạn bắt đầu và ít nhất 50 người đã nhảy xuống sông. Mọi người cố gắng trèo lên cầu trở lại, bám tay và kéo các dây điện khiến dây bị bung ra, gây ra tình trạng điện giật. Đây cũng là lý do khiến thêm nhiều người thiệt mạng”.

 
Lời kể của nhân chứng trong thảm hoạ kinh hoàng tại Campuchia - 1
Thi thể các nạn nhân nằm la liệt.

Các nhân chứng cho hay vụ giẫm đạp xảy ra vào khoảng 21h30 tối ngày 22/11 giờ địa phương trên cây cầu bắc ngang sông Tonle Sap, nối thủ đô Phnôm Pênh với đảo Kim Cương, vốn là trung tâm của các hoạt động mừng lễ hội nước. Vụ giẫm đạp làm ít nhất 375 người thiệt mạng.

Theo lời các nhân chứng, chen lấn bắt đầu sau khi vài người bị điện giật chết ngay trên cây cầu được trang trí đèn. Cầu này nối thủ đô với hòn đảo Kok Pich, hay còn gọi là đảo Kim Cương, nơi hàng nghìn người tụ tập để mừng ngày cuối cùng của lễ hội nước truyền thống kéo dài 3 ngày, từ 20-22/11, và xem một buổi biểu diễn ca nhạc.

Hầu hết những người thiệt mạng là bị điện giật, chết đuối, chết ngạt hoặc bị giẫm đạp trong khi cố gắng thoát khỏi cây cầu. Nhiều người trong số họ đã tới ăn uống tại các nhà hàng ngoài trời và đang qua cầu để trở về thành phố.

“Tôi đã bị tắc giữa đám đông một lúc lâu. Thời tiết quá nóng và tôi đã bị bất tỉnh”, Huon Khla, 22 tuổi, một nhân chứng sống sót, cho hay.

Truyền hình quốc gia Campuchia đưa tin ít nhất 240 trong tổng số các nạn nhân là phụ nữ.
 
Lời kể của nhân chứng trong thảm hoạ kinh hoàng tại Campuchia - 2
 
“Mọi người khiêng thi thể của người thân, trong đó có các trẻ em và phụ nữ. Ai ai trông cũng hoảng sợ”, Vann Thon, 25 tuổi, nói.
 
Sean Ngu, một người Australia gốc Campuchia, tới thăm gia đình và bạn bè tại Phnom Penh đã miêu tả cảnh giẫm đạp lên nhau trong lễ hội nước. Sean cho hay có quá nhiều người trên cầu và một số nạn nhân đã bị điện giật chết.

“Có quá nhiều người trên cầu và dòng người ở cả hai đầu cầu cứ xô đẩy nhau. Điều này gây ra hoảng loạn. Sự xô đẩy khiến những người ở giữa bị ngã khỏi cầu”.

“Sự hoảng loạn bắt đầu và ít nhất 50 người đã nhảy xuống sông. Mọi người cố gắng trèo lên cầu trở lại, bám tay và kéo các dây điện khiến dây bị bung ra, gây ra tình trạng điện giật. Đây cũng là lý do khiến thêm nhiều người thiệt mạng”.
 
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã xin lỗi về thảm hoạ, trong đó có hơn 400 người cũng bị thương, ngoài số người thiệt mạng. Ông Hun Sen đã yêu cầu mở một cuộc điều tra về vụ việc trong khi truyền hình chiếu cảnh người thân đang ngồi khóc giữa các hàng dài thi thể các nạn nhân.
 
Các đội khẩn cấp đã đưa các thi thể ra khỏi hiện trường. Hàng chục nạn nhân được xếp thành các hàng dài để nhận dạng.
 
Lời kể của nhân chứng trong thảm hoạ kinh hoàng tại Campuchia - 3

Cây cầu nơi xảy ra vụ giẫm đạp.

Truyền hình Campuchia quay cảnh một nhân viên y tế đang cố gắng hô hấp nhân tạo cho một nạn nhân trước khi đầu hàng. Các nhân viên cứu hộ khác trợ giúp những người bị thương lên những chiếc xe cứu thương đang chờ sẵn.

Bệnh viện Calmette, bệnh viện chính ở thủ đô Phnom Penh, đã tràn ngập các thi thể người chết và cả những người bị thương, một số người được điều trị ngay tại hành lang.

Đảo Kim Cương là một dải đất nhỏ thuộc sở hữu của một ngân hàng địa phương. Hòn đảo có các trung tâm triển lãm mới, các nhà hàng và các khu vực giải trí.

Đảo Kim cương thu hút nhiều phụ nữ đến mua sắm, đặc biệt trong lễ hội nước khi nhiều nhà bán lẻ giảm giá quần áo và các sản phẩm khác.

Vụ giẫm đạp tại Campuchia hôm qua là vụ giẫm đạp tồi tệ nhất thế giới kể từ tháng 1/2006, khi 361 người hành hương Hồi giáo thiệt mạng trong khi đang thực hiện một nghi lễ ném đá tại lối vào cây cầu Jamarat gần Mecca ở Ả-rập Xê-út.

An Bình
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm