1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Loạt tỉnh trưởng Nga rời ghế, Putin "chơi cờ chính trị" mới

Tổng thống Putin sẽ chuẩn bị cho việc rời khỏi đời sống chính trị phù hợp với nguyên lý về nhiệm kỳ, không cản trở sự phát triển của đất nước Nga.

Theo Russia Today đưa tin, ngày 16/2/2017, Tổng thống Vladimir Putin đã có cuộc gặp gỡ với với các tỉnh trưởng vừa từ chức trong tháng trước và cho biết ông sẽ đích thân giúp họ phát huy kinh nghiệm và kỹ năng để phục vụ cho lợi ích của Nga, đồng thời đề nghị họ giúp những người kế nhiệm ổn định tình hình càng sớm càng tốt.

“Hoạt động luân phiên cán bộ tuyệt đối là một tiến trình tự nhiên, điều đó không có gì cần phải giải thích. Tôi chắc chắn rằng các bạn có thể phát huy năng lực trong các lĩnh vực công việc khác. Tôi có kế hoạch giúp các bạn phát huy hiệu quả kinh nghiệm, kiến thức về tình hình ở những khu vực cụ thể và ở trong nước để phục vụ lợi ích của Nga,” Tổng thống Putin phát biểu.

Tổng thống Putin gặp gỡ những tỉnh trưởng vừa rời bỏ chức vụ
Tổng thống Putin gặp gỡ những tỉnh trưởng vừa rời bỏ chức vụ

Cũng nên nhắc lại rằng, gần đây tỉnh trưởng các khu vực Buryatia, Karelia, Perm, Novgorod và Ryazan đã đồng loạt từ chức và từ thực tế đó đã rộ lên tin đồn rằng Moscow đang tiến hành một cuộc cải tổ chính trị toàn diện.

Giới chức Nga ngay lập tức bác bỏ thông tin nói trên và cho biết những sự thay đổi như trên là bình thường và đã được sắp xếp từ trước.

Cá nhân người viết cho rằng, cùng với những thay đổi nhân sự trong tháng 4/2016, tháng 8/2016 và gần đây nhất là tháng 2/2017, thì qua việc để các “quan chức đầu tỉnh” rời bỏ chức vụ lần này cho thấy Tổng thống Putin đang chuẩn bị cho một "bàn cờ chính trị" mới tại nước Nga.

Và qua những nước đi này, có thể nhận diện khả năng Tổng thống Putin ra tranh cử cho nhiệm kỳ thứ 4 trong cuộc bầu cử tổng thống Nga vào năm 2018 là rất thấp. Nghĩa là ông Putin gần như sẽ rời khỏi chính trường sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ 3. Tại sao lại nhận định như vậy?

Hiệu quả những nước đi của Tổng thống Putin

Như người viết từng phân tích, lệnh trừng phạt của phương Tây sau sự kiện Crimea đã tước mất nhiều thành quả mà nước Nga có được trong hai nhiệm kỳ tổng thống Nga và một nhiệm kỳ thủ tướng Nga của ông Putin. Trong bối cảnh đó thì chính phủ Nga lại có hàng loạt những tham mưu không chuẩn xác cho người đứng đầu điện Kremlin.

Việc Moscow thực hiện cấm vận Thổ Nhĩ Kỳ sau “sự kiện 17 giây” là một quyết định hết sức tai hại, bởi lẽ từ động thái này nước Nga như phải hứng chịu hậu quả của “cấm vận kép”. Tác dụng ngược kiểu “gậy ông đập lưng ông” trong việc cấm vận Thổ Nhĩ Kỳ khiến cho Nga “phóng lao phải theo lao” với nhiều thiệt hại. May mà Erdogan sớm “chạy lại” với Putin.

Khi giá dầu giảm, Nga đã chủ động bắt tay với Saudi Arabia – đối thủ chính của Nga trong thị trường này, song Moscow lại không xây dựng được cơ chế tác động mà có thể mang lại những lợi ích khác cho Saudi Arabia, để bù lại những thiệt hại khi xuất khẩu dầu thô giảm. Sai lầm này khiến thỏa thuận Nga - Saudi Arabia nhằm cắt lượng khai thác dầu thô gần như bị vô hiệu.

Trong khi giải quyết khó khăn, chính phủ Nga đã quyết định cắt giảm chế độ phúc lợi cho người khuyết tật tại Nga. Tham mưu này gây “đa tác hại” cho chính quyền Tổng thống Putin. Bởi việc cắt giảm phúc lợi của người khuyết tật không giảm nhẹ bao nhiêu cho ngân sách, song qua đó Moscow đã tự “vạch áo cho người xem lưng”, giúp đối thủ biết quá rõ nội tình của nước Nga.

Chỉ cần 3 việc đó cho thấy đội ngũ quan chức tham mưu không đủ tầm để hiện thực hóa ước vọng của Tổng thống Putin. khiến nước Nga rơi vào tình trạng..."ngột ngạt". Thực tế đó khiến người đứng đầu điện Kremlin phải tạo ra ván cờ mới trên chính trường Nga. Đó là thay đổi nhân sự, đặc biệt là trọng dụng lại cựu Bộ trường Tài chính Nga Kudrin, vào tháng 4/2016.

Những thay đổi quan trọng đó đã giúp chính phủ Nga tạo được những đột phá trong quản lý và điều hành, giúp nền kinh tế Nga chịu được với cấm vận và rồi dần vượt cấm vận. Từ nước đi đó, những toan tính không thành trước đây của Tổng thống Putin đã có kết quả, mà trong Thông điệp Liên bang năm 2017, Tổng thống Putin đã tự tin nêu lên những thành quả tuyệt vời.

Khi quan hệ Nga – Trung ngày càng khăng khít, rồi nâng lên tầm chiến lược, song thực chất lợi ích của nước Nga có được từ mối quan hệ này rất ít, thậm chí lợi bất cập hại. Nguyên nhân chính được nhận diện là do Moscow bị Bắc Kinh cho “ăn nhiều bánh vẽ” và cơ chế khai thác lợi ích của chính phủ Nga không hiệu quả.

Thực tế đó khiến Tổng thống Putin đã phải có quyết định thay đổi nhân sự quan trọng tại điện Kremlin vào tháng 8/2016, đó là miễn nhiệm Chánh văn phòng Tổng thống Nga Sergei Ivanov và bổ nhiệm người đồng minh lâu năm này làm đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga trong những hoạt động kinh tế đặc biệt của nước Nga.

Quyết định này của Tổng thống Putin đã là lời cảnh báo với cả chính phủ của Thủ tướng Medvedev – rằng không ai là không thể đụng đến - lẫn đối tác chiến lược Bắc Kinh. Sau nước đi đó hoạt động của chính phủ Nga đã hiệu quả hơn rất nhiều, lợi ích từ quan hệ Nga – Trung cũng đã thực chất hơn.

Chuẩn bị bàn cờ chính trị mới cho một nước Nga vắng bóng Putin

Sau mỗi quyết định đổi thay nhân sự của Tổng thống Putin, dù ở cấp hoạch định chiến lược hay ở cấp thực thi chính sách, giới phân tích đều có những nhận định, dự đoán về tác động của những nước đi ấy tới chính trường Nga. Tuy nhiên, đến nay hầu như việc sử dụng những quân cờ mới đều không có tác động tới bàn cờ chính trị mà Tổng thống Putin đang đạo diễn tại Nga.

Đây là một bước đi cực kỳ quan trọng và đó cũng chính là sự khác biệt của những đổi thay mà Tổng thống Putin thực hiện trong nhiệm kỳ 3 so với hai nhiệm kỳ trước. Kết quả những bước đi này của Tổng thống Putin khiến cho chính trường Nga dần miễn nhiễm với sự đổi thay nhân sự, dù ở bất cứ cấp nào. Đây là điều mà ngay cả Liên Xô trước đây cũng chưa hề có được.

Cá nhân người viết cho rằng, việc Tổng thống Putin tái cử nhiệm kỳ 3 chính là muốn hoàn thiện những ý tưởng dở dang mà chưa hoàn thiện được trong 2 nhiệm kỳ trước và hoàn thiện thể chế cho nhà nước Nga là ước vọng lớn nhất của Tổng thống Putin. Phân tích việc thay đổi nhân sự hồi đầu tháng 2/2017 ở các cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật cũng cho thấy rõ điều đó.

Những nước đi nhằm hoàn thiện cơ chế thực thi pháp luật và hoàn thiện thể chế chính trị cho nước Nga, được xem là thành quả lớn nhất của Tổng thống Putin trong 2/3 thời gian đã qua của nhiệm kỳ thứ 3.
Những nước đi nhằm hoàn thiện cơ chế thực thi pháp luật và hoàn thiện thể chế chính trị cho nước Nga, được xem là thành quả lớn nhất của Tổng thống Putin trong 2/3 thời gian đã qua của nhiệm kỳ thứ 3.

Khi những thay đổi ở cấp liên bang không gây tác động tiêu cực thì việc đổi thay ở cấp địa phương sẽ được thực nghiệm. Qua thực tế cùng một lúc có tới 5 tỉnh trưởng rời chức vụ được xem là nhằm chứng minh cho hai vấn đề.

Thứ nhất, sự thống nhất và ăn khớp về cơ chế thực thi pháp luật giữa trung ương với địa phương sau những nước cờ quan trọng của Tổng thống Putin.

Thứ hai, việc Tổng thống Putin rời khỏi đời sống chính trị sẽ không gây sốc cho chính trường Nga. Một sự xáo trộn lớn về mặt nhân sự như vậy, song không gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống chính trị cũng như đời sống xã hội tại các địa phương, khu vực và trên toàn nước Nga. Điều đó chứng tỏ cơ chế quản lý đã quan trọng hơn nhân sự điều hành.

Có thể thấy rằng, việc hoàn thiện cơ chế, thể chế cho nhà nước Nga đến lúc này được xem là thành quả lớn lao nhất của Tổng thống Putin sau 2/3 thời gian của nhiệm kỳ thứ 3 này. Nhà lãnh đạo Nga sẽ phải tới lúc rời khỏi chính trường, bởi ông không thể cưỡng lại được nguyên lý về nhiệm kỳ trong hoạt động chính trị.

Những nhà luật học và chính trị học đưa ra khái niệm nhiệm kỳ trong hoạt động chính trị là dựa trên những cơ sở hết sức khoa học về sức khỏe, trí tuệ và tâm sinh lý của con người. Nhiệm kỳ hoạt động tạo ra một động lực rất lớn giúp phát huy cao nhất khả năng của con người trong những khoảng thời gian cố định, nhất định.

Nhiệm kỳ trong hoạt động lãnh đạo giúp giảm đi sự lệch pha giữa ý chí cá nhân và ý nguyện tập thể, mà kết quả của nó là mang lại quyền lợi cho cà hai phía. Và với chức vị càng cao thì quy định về nhiệm kỳ càng chặt chẽ vì sự lệch pha giữa cá nhân và tập thể gia tăng theo số lượng người dân chịu sự kiềm tỏa bởi chức vị.

Do vậy, việc kéo dài quyền lực, dù với bất cứ lý do gì, đều là phản khoa học, từ đó cản trở sự phát triển của xã hội và đương nhiên sẽ gây ra những hậu quả. Theo cá nhân người viết, Tổng thống Putin chắc chắn sẽ chuẩn bị cho việc rời khỏi đời sống chính trị phù hợp với nguyên lý về nhiệm kỳ làm việc, để không trở thành rào cản cho sự phát triển của xã hội và đất nước Nga.

Vấn đề đặt ra với ông khi quay trở lại chiếc ghế Tổng thống nhiệm kỳ 3 là hoàn thiện cơ chế, thể chế cho nhà nước Nga thì nay ông đã có thể yên tâm. Vấn đề thứ hai - phát sinh - là việc nước Nga bị phương Tây cấm vận thì hiện nay hiệu ứng tiêu cực từ sự việc này cũng đã dần được khắc phục, khi kinh tế - xã hội Nga có được những thành quả đáng tự hào thời cấm vận.

Sự lo ngại nước Nga sẽ gặp nguy hiểm khi Tổng thống Putin rời bỏ quyền lực, đến lúc này đã có thể được giải tỏa qua những nước đi của Tổng thống Putin. Để việc Tổng thống Putin rời chốn quan trường không gây ra bất lợi cho đất nước Nga, chắc chắn nhà nước Nga phải có những bước chuẩn bị.

Và việc “đưa những người mới với những quan điểm, ý tưởng mới mẻ vào đời sống chính trị của Nga”, theo lời của Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Ivanovna Matvienco, có thể được nhận diện là nhằm mục đích đó.

Theo Ngọc Việt

Đất Việt