1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ đưa Cuba ra khỏi danh sách bảo trợ khủng bố:

Loại bỏ rào cản lớn trong quan hệ song phương

Mỹ vừa tiến thêm một bước trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Cuba với quyết định chính thức đưa quốc đảo Caribe này ra khỏi danh sách quốc gia mà chính quyền Washington cho là bảo trợ khủng bố.

Tại cuộc họp báo ngày 29-5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke xác nhận quyết định được thực hiện theo đề xuất của Tổng thống Barack Obama và sau đánh giá rằng Cuba đã đáp ứng được các tiêu chí để được loại bỏ khỏi bản danh sách. Mặc dù Mỹ vẫn còn những điểm chưa đồng thuận về chính sách của Cuba, tuy nhiên những điều đó nằm ngoài tiêu chí xem xét một nước có nằm trong danh sách bảo trợ khủng bố hay không.
 
Loại bỏ rào cản lớn trong quan hệ song phương
Số du khách Mỹ tới Cuba đã tăng khoảng 30% trong năm 2015 sau khi hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ cuối năm 2014

Cuối năm 2014, Tổng thống B.Obama đã có quyết định mang tính lịch sử khi công bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba sau hơn nửa thế kỷ thù địch. Nhưng lệnh cấm vận thương mại của Washington đối với Cuba vẫn còn duy trì. Một trong những rào cản lớn nhất kìm hãm sự phát triển quan hệ song phương, trong đó có việc mở đại sứ quán tại thủ đô hai nước, là La Habana còn có tên trong danh sách quốc gia tài trợ khủng bố. Cuba bị đưa vào bản danh sách này từ năm 1982, trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô cũ.

Sau bước đột phá về ngoại giao, Chính phủ Cuba cho rằng việc Mỹ vẫn coi quốc đảo Caribe là nước tài trợ khủng bố là không công bằng và lỗi thời trong bối cảnh hai nước đã khởi động và đẩy nhanh tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương. Trên thực tế, các tác động pháp lý liên quan việc nằm trong danh sách tài trợ khủng bố đối với Cuba không nhiều nhưng đối với người dân Cuba, đây là vấn đề danh dự.

Người dân Cuba luôn tin rằng, họ là một dân tộc hiền hòa, thân thiện, yêu hòa bình và luôn lên tiếng phản đối những vụ khủng bố tàn bạo trên thế giới. Do đó, việc đưa Cuba ra khỏi danh sách tài trợ khủng bố của Mỹ đồng nghĩa với việc hai bên đã loại bỏ được một trở ngại lớn trên con đường khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao.
 
Tuần trước, các nhà ngoại giao hai nước đã gặp nhau tại Washington và hai bên không đi đến thỏa thuận về mở các đại sứ quán nhưng sự kiện mới nhất nêu trên sẽ khai thông vấn đề này. Không còn ở trong bản "danh sách đen" cũng sẽ khiến Cuba dễ dàng hơn để có được nguồn tín dụng từ các ngân hàng nước ngoài, chuyển tiền giữa các quốc gia và thực hiện các giao dịch tài chính quốc tế khác.
 
Mối quan hệ sóng gió giữa Mỹ và Cuba từ lâu đã là tâm điểm trong quan hệ quốc tế, không chỉ bởi hai quốc gia có nhiều "duyên nợ" về mặt lịch sử mà còn bởi lệnh cấm vận hà khắc suốt hơn nửa thế kỷ mà Washington áp đặt lên La Habana. Tuy nhiên, với những nỗ lực hàn gắn đầy thiện chí, quan hệ căng thẳng này như được thổi luồng gió mới và ngày càng đạt được những kết quả đáng khích lệ.
 
Dẫu vậy, tiến trình này vẫn còn không ít khó khăn, trong đó phải kể tới sự chống đối của các nghị sĩ có tư tưởng bảo thủ ở Mỹ. Quan trọng hơn, việc dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận Cuba còn phải chờ được Quốc hội Mỹ (do đảng Cộng hòa đang chi phối) thông qua. Mặt khác, do chính sách cấm vận kéo dài nên giữa hai nước đã tồn tại nhiều vấn đề gai góc và việc giải quyết đòi hỏi đàm phán lâu dài.
Theo Thùy Dương
Hà Nội mới