1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lộ trình hòa bình ở Syria khó suôn sẻ

Chỉ một ngày sau khi Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí thông qua Nghị quyết kêu gọi ngừng bắn và hỗ trợ lộ trình hòa bình quốc tế tại Syria, Moscow đã cảnh báo rằng Nga đã sẵn sàng mở rộng các chiến dịch quân sự ở Syria, trong bối cảnh nước này và phương Tây vẫn bất đồng về số phận của Tổng thống Bashar al-Assad.

Lộ trình hòa bình ở Syria khó suôn sẻ - 1

Lộ trình hòa bình ở Syria khó suôn sẻ do còn nhiều vấn đề bị bỏ ngỏ. (Nguồn: ibTimes)

Lộ trình hòa bình tại Syria được Hội đồng Bảo an thông qua hôm 19/12, trong đó vạch ra tiến trình kéo dài 2 năm để tổ chức bầu cử thành lập chính phủ mới, bắt đầu cùng một lệnh ngừng bắn vào tháng 1/2016. Đây là lần đầu tiên trong suốt một thời gian dài, Mỹ và Nga đạt thỏa thuận chung về tương lai của Syria, tuy nhiên đằng sau nó vẫn ẩn chứa nhiều bất đồng.

Bất đồng sâu sắc nhất giữa hai bên chính là tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cùng một số vấn đề chủ chốt khác. Bên cạnh đó, thỏa thuận về lộ trình hòa bình không hề có sự tham dự hay tham vấn chính quyền ông Assad hay các nhóm nổi dậy ở Syria đang chống lại chính phủ.

Câu hỏi về việc ai sẽ điều hành đất nước Syria vẫn còn bị bỏ ngỏ. Phía Mỹ nói rằng ông Assad cần phải ra đi, trong khi Nga ngày càng tỏ rõ quan điểm ủng hộ ông, đồng thời tăng cường chiến dịch quân sự ở Syria nhằm giúp quân đội chính phủ chống lại khủng bố.

Chỉ chưa đầy 24 giờ sau khi cam kết lộ trình hòa bình ở Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, các tướng lĩnh quân đội Nga đã sẵn sàng tham gia các chiến dịch quân sự để hỗ trợ quân đội chính phủ của ông Assad.

“Chúng ta đã thấy được sự hiệu quả trong hoạt động của các phi công, các đặc vụ tình báo trong nỗ lực chung với nhiều lực lượng quân đội khác - về cách mà họ sử dụng các loại vũ khí hiện đại” - ông Putin nói - “Tôi muốn nhấn mạnh rằng đó chưa phải là toàn bộ khả năng của chúng tôi. Chúng tôi còn nhiều biện pháp quân sự hơn thế, và sẽ sử dụng nếu cần”.

Ngoài việc Moscow đánh tín hiệu cứng rắn, thỏa thuận về lộ trình hòa bình lộ rõ nhiều điểm khác biệt về mối quan ngại giữa các cường quốc và bản thân Syria. Các nhà ngoại giao và tướng lĩnh đến từ Moscow và Washington ngày càng tập trung vào chiến dịch tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), trong khi người dân Syria lại lo lắng đến số phận của ông Assad, về việc liệu họ có nên ủng hộ lãnh đạo của họ hay phải phản đối ông.

Trong khi đó, các nhóm nổi dậy ở Syria chắc chắn sẽ không đồng ý tham gia tiến trình chính trị ở nước này nếu như còn có sự hiện diện của ông Assad, như họ từng tuyên bố trước đây. Nhiều nước phương Tây tiếp tục cáo buộc rằng Chính phủ Syria hiện đang có mối làm ăn phức tạp với IS, sau khi Mỹ đưa ra một số tài liệu nói rằng một số công ty của nước này mua bán dầu mỏ với IS.

Một số ý kiến chuyên gia cũng cho rằng thời hạn chót để khởi xướng một lệnh ngừng bắn ở Syria là mục tiêu quá tham vọng, bởi trên lãnh thổ Syria hiện có nhiều nhóm binh sỹ nước ngoài.

Trong khi đó, những người ủng hộ chính quyền ông Assad thì nói rằng, ông là “bức trường thành” cuối cùng bảo vệ Syria khỏi sự trỗi dậy của các nhóm Hồi giáo cực đoan trong nước. Họ cảnh báo việc ép ông Assad từ chức có thể dẫn đến tình trạng thậm chí còn hỗn loạn và bạo lực hơn bây giờ, cũng giống như tình trạng ở Libya hiện nay sau khi ông Muammar Gaddafi bị lật đổ.

Về việc Nga và Mỹ thời gian qua đã xích lại gần nhau hơn, là chủ yếu nói về việc Moscow thừa nhận ông Assad có thể từ chức một ngày nào đó, nhưng lại chuyển giao quyền lực cho một đồng minh thân cận, hoặc ông Assad thua trong cuộc bầu cử sắp tới. Trong khi Washington trước đây khẳng định rằng cần phải phế truất ông Assad ngay, thì nay chỉ yêu cầu ông này phải từ chức trong tương lai.

Các vị Ngoại trưởng 17 nước tham dự Hội nghị ở New York vừa qua cũng thừa nhận rằng đây chưa phải kết quả mà họ mong muốn, và sẽ tiếp tục tham dự một cuộc họp khác trong tháng tới. Các vấn đề đầy gai góc trên bàn nghị sự dự kiến sẽ là quyết định xem các nhóm vũ trang nào là phe nổi dậy “ôn hòa” và các nhóm nào được xem là “khủng bố”.

Theo Khánh Duy

Đại đoàn kết