1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lo tái bùng dịch, các nước giàu châu Á tăng tốc tiêm chủng

Thanh Thành

(Dân trí) - Nhiều quốc gia giàu có ở châu Á-Thái Bình Dương, từng bị chỉ trích vì chậm chạp và sai lầm trong cuộc chiến chống Covid-19, đang đẩy mạnh tiêm vắc xin, khi dịch bệnh vẫn hoành hành khắp lục địa này.

Lo tái bùng dịch, các nước giàu châu Á tăng tốc tiêm chủng - 1

Một phụ nữ được tiêm phòng Covid-19 tại Bangkok, Thái Lan (Ảnh: Xinhua).

Một tháng trước, Kentaro Iwata không dám nghĩ đến viễn cảnh Nhật Bản có thể đăng cai Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 một cách an toàn vào mùa hè này.

Các ca nhiễm Covid-19 trên khắp cả nước từng gia tăng đáng lo ngại trong khi chiến dịch tiêm chủng chậm chạp. Nhưng sau đó, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm này nhận thấy cuộc chiến chống đại dịch ở đất nước của ông đang dịch chuyển và tỷ lệ tiêm chủng bắt đầu tăng vọt.

Khi đại dịch bắt đầu bùng nổ vào đầu năm nay, nhiều quốc gia giàu có ở Vành đai Thái Bình Dương dường như bị mắc kẹt trong khó khăn, không thể thực hiện các chương trình tiêm chủng và bị tụt lại phía sau.

Nhưng giờ đây, các quốc gia từng bị chỉ trích chậm chạp đó đã bắt kịp các nước lớn khác. Hàn Quốc là nước có tỷ lệ người tiêm chủng cao hơn so với Liên minh châu Âu (EU). Tại Nhật Bản, tỷ lệ tiêm chủng mỗi ngày gần đây đã vượt Mỹ, làm dấy lên hy vọng mọi việc sẽ nhanh chóng trở lại bình thường.

Tại New Zealand và Australia, vốn là những hình mẫu chống dịch thành công nhưng sau đó lại để virus lây lan trở lại, các chương trình tiêm chủng cũng đang được tăng tốc. Theo trang phân tích dữ liệu Our World in Data, tỷ lệ tiêm chủng tính trên đầu người ở Australia hiện cao hơn Mỹ. Tỷ lệ tiêm chủng của New Zealand cũng tăng nhanh.

Tâm lý e dè với vắc xin ban đầu

Khi dịch mới bùng phát, Australia và New Zealand từng thành công khi quyết định đóng cửa biên giới, kiểm soát được các đợt bùng phát nhỏ. Nhật Bản và Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm thấp trong hầu hết năm 2020.

Tuy nhiên, dù có những thành công ban đầu và có đủ thời gian để thực hiện chiến dịch tiêm chủng đại trà, cả 4 nước này đều phải đối mặt với những thách thức không thể lường trước trong khi triển khai các chương trình tiêm vắc xin.

Tại Nhật Bản, nhiều người dân vẫn hoài nghi với vắc xin do vẫn còn ám ảnh về những tác dụng phụ của đợt tiêm vắc xin vào đầu những năm 1990 và cả những mối lo về quy trình phê duyệt rất thận trọng của WHO. Ở Australia và New Zealand, do tâm lý chủ quan khi dịch bệnh được kiểm soát, người dân có thời điểm không mấy mặn mà với việc tiêm vắc xin. Ngoài ra, nguồn cung vắc xin cũng bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Vào thời điểm Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ cho 1/4 dân số vào giữa tháng 4, chỉ chưa đến 3% dân số Hàn Quốc đã được tiêu trong khi tỷ lệ này ở New Zealand và Nhật Bản là chưa đến 1%.

Tín hiệu khả quan nhờ đẩy mạnh tiêm chủng

Nhưng dần dần, mọi người ý thức được mối nguy hiểm và những hệ quả khi chậm triển khai chương trình tiêm vắc xin, đặc biệt khi chứng kiến bài học nhãn tiền ở Đài Loan. Và các nước giàu ở châu Á - Thái Bình Dương bắt đầu nỗ lực thúc đẩy các chương trình tiêm chủng.

Seoul có các biện pháp khuyến khích người dân đi tiêm như: cho phép đi du lịch thoải mái và nới lỏng quy định về khẩu trang dành cho những người đã tiêm vắc xin. Tỷ lệ dân số Hàn Quốc được tiêm ít nhất một liều đã tăng gần gấp đôi (từ con số 7% cách đây hai tuần), theo Our World in Data.

Tại Nhật Bản, số người đi tiêm trong 7 ngày qua đã tăng gấp 4 lần. Sự thay đổi bước ngoặt này khiến chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Kentaro Iwata bất ngờ. Theo ông, nguyên nhân là do mục tiêu tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo 2020: "Chính phủ xem việc tiêm chủng là công cụ quan trọng để giúp kiểm soát dịch bệnh và có thể tổ chức Thế vận hội Olympic".

Tại New Zealand, các chương trình tiêm vắc xin đang đi theo lịch trình thận trọng, trong khi tốc độ tiêm chủng ở Australia đã tăng lên dù vẫn còn kém xa mục tiêu.

Những tín hiệu khả quan này đạt được là nhờ nguồn cung vắc xin tăng lên đúng vào thời điểm cần nhất. Cuộc khủng hoảng dịch bệnh lên đến đỉnh điểm vào tháng trước ở Ấn Độ đã cho thấy sự nguy hiểm của các biến chủng mới dễ lây lan. Đại dịch bùng phát gần đây tại Đài Loan - nơi đã từng chống dịch rất thành công - cho thấy, ngay cả những nơi được coi là "bất khả xâm phạm" cũng có thể sụp đổ.

"Các nước trong khu vực này thực sự đã tuân thủ chặt chẽ các biện pháp chống dịch. Nhiều quốc gia đã học hỏi Trung Quốc, nơi chứng kiến đợt bùng phát dịch đầu tiên và đã dập dịch thành công nhờ biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt", Michael Baker, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Otago của New Zealand cho biết.