1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Lo lắng của Trung Quốc trước thềm thượng đỉnh liên Triều

(Dân trí) - Trước thềm cuộc gặp cấp cao giữa Triều Tiên và Hàn Quốc cũng như Mỹ sắp tới, giới quan sát cho rằng Trung Quốc dường như đang lo ngại rằng nước này đang bị gạt ra bên lề và sức ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng sẽ giảm đi trong tương lai.


Ông Kim Jong-un trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 3/2018 (Ảnh: Reuters/KCNA

Ông Kim Jong-un trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 3/2018 (Ảnh: Reuters/KCNA

New York Times đưa tin, trong khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang chuẩn bị cho các hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hay Tổng thống Mỹ Donald Trump, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc dường như đang bị đẩy ra ngoài lề, một vị trí không mấy quen thuộc với Bắc Kinh từ trước tới nay.

Hơn nữa, nếu các cuộc đàm phán thành công, điều này sẽ không chỉ kéo Triều Tiên xích lại gần Mỹ và Hàn Quốc mà còn có thể giúp Bình Nhưỡng giảm thiểu sự phụ thuộc về mặt kinh tế và an ninh vào Trung Quốc bấy lâu nay.

Sự thay đổi đột ngột của Bình Nhưỡng dường như đang khiến Trung Quốc bị mất đi vị trí trung tâm trong các vấn đề liên quan tới tình hình khu vực. Bắc Kinh dường như vẫn chưa hiểu chính xác dụng ý cũng như mục tiêu cuối cùng của ông Kim Jong-un trong việc tiếp cận 2 quốc gia được coi là đối thủ lớn nhất của họ trong 70 năm qua.

Sự nồng ấm hơn trong quan hệ 2 miền Triều Tiên thể hiện qua việc các bên đã tính toán tới việc sẽ lý hiệp ước chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, cuộc chiến về mặt kỹ thuật đã tạm dừng từ năm 1953 nhưng chưa bao giờ kết thúc chính thức.

Khi mọi sự việc diễn ra với tốc độ nhanh chóng và giới chức Trung Quốc dường như bị bỏ lại phía sau, họ đã bắt đầu tính toán tới chiến lược cần làm trong trường hợp kịch bản xấu nhất với Bắc Kinh xảy ra.

Ông Zhang Baohui, chuyên gia từ đại học Lingnan, Hong Kong nhận định: “Mất đi vị thế có thể xem như một vấn đề nghiêm trọng với Trung Quốc, nhất là từ trước tới nay họ luôn coi mình có vị trí chủ chốt trong các mối quan hệ quốc tế, đặc biệt là vấn đề Triều Tiên. Thực tế là trong thời điểm hiện tại, Trung Quốc dường như không còn liên quan quá nhiều tới vấn đề bán đảo Triều Tiên”.

Kịch bản xấu nhất mà Trung Quốc có thể đối mặt sau các cuộc gặp thượng đỉnh lần này là việc 2 miền Triều Tiên giảm bớt căng thẳng và quân đội Mỹ vẫn hiện diện trên đất Hàn Quốc. Theo ông Xia Yafeng, chuyên gia Triều Tiên tại đại học Long Island, Mỹ, một bán đảo Triều Tiên thống nhất vẫn có sự hiện diện quân sự của Mỹ được xem là mối đe dọa cho chính quyền Trung Quốc.

Mong muốn của Trung Quốc


Trung Quốc từ lâu đã là đối tác chủ chốt của Triều Tiên trong nhiều lĩnh vực. (Ảnh: Getty)

Trung Quốc từ lâu đã là đối tác chủ chốt của Triều Tiên trong nhiều lĩnh vực. (Ảnh: Getty)

Theo NYT, điều mà Trung Quốc mong muốn dường như là một cuộc kết quả chung chung bởi điều này sẽ khiến việc đàm phán kéo dài và Bắc Kinh có thể góp tiếng nói trong quá trình trao đổi.

Giới quan sát cho rằng Trung Quốc từ lâu ủng hộ hiệp ước hòa bình giữa 2 miền Triều Tiên và họ cũng có mục tiêu rất cụ thể và rõ ràng cho tình hình khu vực. Theo đó, họ muốn Mỹ sẽ dừng việc hiện diện quân sự tại Hàn Quốc và họ có thể gia tăng sức ảnh hưởng lên cả Bình Nhưỡng và Seoul.

“Một hiệp ước hòa bình tốt trong quan điểm của Trung Quốc là phi hạt nhân hóa Triều Tiên, và quan trọng hơn cả là việc Mỹ phải rút lực lượng ra khỏi bán đảo Triều Tiên”, chuyên gia Yun Sun tại trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ nhận định.

Tuy nhiên, phía Triều Tiên được cho là đang mong muốn có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Động thái của ông Kim khi tới Bắc Kinh thăm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây nhằm tài khẳng định mối quan hệ ngoại giao truyền thống lâu năm Trung - Triều, vừa là thông điệp gửi gắm tới Washington trước thềm đàm phán song phương.

Thực tế là, từ khi lên nắm quyền năm 2011, dưới áp lực của cấm vận kinh tế và lệnh trừng phạt, ông Kim Jong-un dường như đã khiến Bình Nhưỡng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Thống kê cho thấy 90% hàng hóa xuất khẩu của Bình Nhưỡng hướng tới thị trường Trung Quốc như than đá, may mặc, thủy hải sản. Bắc Kinh cũng là nguồn cung năng lượng chính cho Triều Tiên.

Dưới sự thúc giục của chính quyền ông Trump và Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đã liên tiếp áp dụng các lệnh trừng phạt lên Bình Nhưỡng nhằm cắt nguồn ngoại tệ và khiến Bình Nhưỡng khủng hoảng năng lượng. Vào thời điểm đó, quan hệ Trung -Triều dường như có dấu hiệu xấu đi.

Hiện tại, các chuyên gia cho rằng do sức ảnh hưởng với Triều Tiên bị giảm sút cũng như mâu thuẫn với Mỹ sau khi hàng hóa Trung Quốc bị Washington áp thuế suất mới, Bắc Kinh dường như muốn nới lỏng sự trừng phạt với Bình Nhưỡng.

Các hoạt động giao thương, buôn bán giữa biên giới 2 nước có dấu hiệu dễ dàng hơn, cho thấy Trung Quốc dường như đang muốn nâng cao vai trò hơn nữa trong vấn đề bán đảo Triều Tiên.

Đức Hoàng

Theo NYT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm