Lỗ hổng khiến Ukraine trả giá đắt bằng 5 tiêm kích quan trọng
(Dân trí) - Nga tuyên bố tập kích phá hủy 5 tiêm kích của Ukraine bằng một đòn đánh duy nhất, diễn biến cho thấy Kiev đang có lỗ hổng phòng không nghiêm trọng khiến họ mất những máy bay quý giá.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 2/7 cho biết họ đã phá hủy 5 máy bay chiến đấu Su-27 của Ukraine và làm hư hại thêm 2 phi cơ khác khi tấn công vào căn cứ Myrhorod ở vùng Poltava của Ukraine bằng tên lửa Iskander-M.
Vụ tấn công diễn ra vào lúc trời vẫn còn sáng ở cơ sở quân sự cách biên giới 2 nước 160km. Quả tên lửa Iskander có đầu đạn chùm lao xuống căn cứ, phá hủy những khí tài uy lực của Ukraine.
Đây là một tin không vui cho Ukraine khi họ đang cần phi cơ để ngăn Nga chiếm ưu thế tuyệt đối trên không, yếu tố có thể xoay chuyển cục diện cuộc chiến.
Ngoài ra, nó cũng mang tới thách thức khổng lồ cho Ukraine khi họ sắp nhận tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất từ các nước NATO. Forbes cho rằng, việc thiếu hệ thống phòng không đang tạo ra lỗ hổng lớn trong nỗ lực bảo vệ mục tiêu quân sự quan trọng của Ukraine.
Các cuộc tấn công của Nga vào các căn cứ của Ukraine đã leo thang đều đặn kể từ mùa thu năm ngoái. Cho đến nay, các cuộc đột kích này đã phá hủy của Ukraine hàng loạt tiêm kích Su-27, MiG-29, Su-25 và Mi-24.
Theo Forbes, những tổn thất này là "không thể chịu đựng được" đối với lực lượng không quân Ukraine. Kiev chỉ có vài chục chiếc tiêm kích MiG và Sukhoi và việc sửa chữa chúng cũng khó khăn vì thiếu linh kiện.
Forbes nhận định, đây là một cuộc khủng hoảng phòng không với Ukraine. Thông thường, Ukraine sẽ bảo vệ những căn cứ quan trọng nhất của họ bằng nhiều lớp tên lửa đất đối không. Nhưng lực lượng không quân và quân đội Ukraine đang gặp khó khăn trong việc đồng thời bảo vệ các thành phố, căn cứ tập trung quân lớn và các căn cứ tiền tuyến như sân bay Mirgorod và Poltava.
Những con số nhấn mạnh quy mô của vấn đề. Ở giai đoạn đầu của cuộc chiến, Ukraine có khoảng 400 hệ thống tên lửa đất đối không. 28 tháng sau, Ukraine đã mất khoảng 140 hệ thống như vậy và được chuyển cho khoảng 100 hệ thống.
Về lý thuyết, lực lượng phòng không của Ukraine chỉ giảm 10% so với trước chiến sự. Nhưng trên thực tế, phòng không Ukraine đã bị kéo căng hơn rất nhiều so với trước tháng 2 năm 2022.
Các cuộc tấn công của Nga vào các thành phố của Ukraine đã buộc Kiev phải tập trung lực lượng phòng không tốt nhất xung quanh các thành phố lớn nhất. Điều đó khiến lớp bảo vệ cho các căn cứ của Ukraine trở nên mỏng đi và nó dễ dàng bị Nga khai thác.
Trong vụ tấn công vào căn cứ ở Poltava, UAV trinh sát của Nga đã bay lảng vảng 3h đồng hồ trên bầu trời trước khi tên lửa Iskander lao đến.
Phía Ukraine cũng công khai bày tỏ sự lo ngại với lỗ hổng này. Serhii Sternenko, một nhân vật quan trọng trong nỗ lực phát triển và sản xuất máy bay không người lái của Ukraine, phàn nàn rằng, Ukraine đã biết về việc UAV trinh sát Nga bay phía trên để lấy tọa độ cho tên lửa Iskander tấn công, nhưng Kiev không chặn được.